Cửu Thiên Huyền Nữ

Cửu Thiên Huyền Nữ

Cửu Thiên Huyền Nữ là 1 vị Tiên nữ độ mạng, hay còn được gọi là Phật Bà, Mẹ độ mạng Cửu Thiên Huyền Nữ. Cửu Thiên Huyền Nữ được gọi là Tam Gia Độ Mạng ( Quán Thế Âm Bồ Tát, Quan Thánh Đế Quân). 

Mẹ cửu Thiên Huyền Nữ


Cửu Thiên Huyền Nữ còn gọi là Cửu Thiên Nương Nương, Cửu Thiên Nữ, Huyền Nữ, Nguyên Nữ, Oa Hoàng,... và nhiều danh xưng khác nhau. Lý giải về danh xưng, "Cửu Thiên" có hai cách lý giải: (1) Bát phương và trung ương, ý nói uy quyền khắp nơi; (2) Cửu Trùng, cao cả thâm sâu. "Huyền" tức sâu sắc, huyền bí, tế vi, diệu kì.

Trong truyền thống người Trung Hoa, Cửu Thiên Huyền Nữ có mối tương quan sâu sắc với Hoàng Đế - Thủy Tổ người Hán. Theo đó, ảnh hưởng của tín ngưỡng về Cửu Thiên Huyền Nữ cũng lan rộng đến sâu sắc. Trong "Long Ngư Hà Đồ" và "Hoàng Đế Vấn Huyền Nữ Binh Pháp" đều ghi chép lại Huyền Nữ đã hạ giáng, truyền thụ Hoàng Đế binh tín, thần phù, trợ giúp ông đánh bại Xi Vưu. 
"Vân Cấp Thất Thiêm" lại nói thêm rằng Cửu Thiên Huyền Nữ là thầy của Hoàng Đế, là đệ tử của Thánh Mẫu Nguyên Quân, truyền thụ cho Hoàng Đế lục giáp lục nhâm binh phù, nhờ đó mà đánh bại Xi Vưu. Theo đó, Cửu Thiên Huyền Nữ cũng được xem là một vị nữ thần có tầm ảnh hưởng trong chinh chiến. Từ đời Nguyên trở về sau, câu chuyện và hình ảnh về Cửu Thiên Huyền Nữ bắt đầu trở thành chủ đề để các văn nhân sáng tác tiểu thuyết. Ví dụ như "Tuyên Hòa Di Sự" miêu tả chuyện Tống Giang sau khi sát Diêm Bà, nhập vào miếu Cửu Thiên Huyền Nữ tị nạn. Huyền Nữ giáng thiên thư, lệnh thâu các tướng. Về sau truyện "Thủy Hử" vận dụng tình tiết này, viết lại trở thành một trong các kiệt tác.

Về hình tượng của Cửu Thiên Huyền Nữ, thời điểm hiện tại, hình tượng thường thấy là người phụ nữ cưỡi trên một con phụng hoàng. Trên tay Huyền Nữ có thể cầm các pháp khí tùy hình tượng khác nhau như: kiếm, bát quái, thiên thư, lưỡng nghi, phất trần, đào mộc kiếm, hồ lô, bảo châu, chuông,... Cửu Thiên Huyền Nữ được tôn sùng với nhiều chức năng như nữ chiến thần, phòng trung thuật thần, đan dược thần,... Trong dân gian, Huyền Nữ còn là nghiệp thần, chú sinh, cầu tử,...

Một số kinh điển về Cửu Thiên Huyền Nữ trải qua binh biến, cũng như nguồn gốc còn nhiều nghi hoặc, cho nên hiếm khi được áp dụng trong đời sống hành trì của các đạo sĩ. Nhìn chung, Cửu Thiên Huyền Nữ vẫn như một hình tượng tôn thần nhưng không phải thiết yếu trong việc hành trì tôn giáo. Song, ảnh hưởng của Cửu Thiên Huyền Nữ là không thể chối bỏ. Cụ thể, "Đạo Pháp Hội Nguyên" có nhiều thuật có nhắc đến tên Huyền Nữ như "Cửu Thiên Huyền Nữ Táo Cáo Bí Pháp" dùng trong việc cầu Táo Quân hữu hộ, còn xưng "Cửu Thiên Huyền Nữ Mặc Cáo Đại Pháp". Ngoài ra còn có "Huyền Nữ Phòng Trung Kinh".

Ở Việt Nam, cụ thể là Hội An, người dân cũng có sự tôn kính Cửu Thiên Huyền Nữ ở các đình làng, lăng miếu. Theo nhà nghiên cứu Onishi Kazuhiko, tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ tại Việt Nam có từ thời kỳ nhà Lý. Onishi Kazuhiko đã trích dẫn lại 2 nguồn tư liệu quan trọng ghi chép về việc thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Sách “Đại Việt sử lược” quyển 3, phần năm Đại Định thứ 21 (1160) ghi chép rằng: “Mùa xuân, tháng Giêng, dựng đền Nhi Nữ và Xi Vưu ở phường Bố Cái”. Liên quan đến ghi chép này, sách “Tây Hồ Chí” viết về đền Huyền Nữ như sau: “Đền nằm trong châu Loa, phường Đàm, giai Bố Cái, nay là ấp Trích Sài. Đền được xây dựng vào mùa xuân năm Canh Thìn, niên hiệu Đại Định thứ 21 thời Lý Thái Tông. Lúc đó, Xi Vưu quấy đảo nên đền được dựng lên ở đây để trấn giữ”. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở Việt Nam có sự tiếp thu tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ của Trung Hoa.

Nguồn: Long Môn