Hỏa Đức Tinh Quân

Tác dụng của lửa đối với con người vô cùng to lớn, có thể giúp cho con người ánh sáng và sự ấm áp mà cũng có thể gây ra tổn thất lớn cho con người. Đương  khi núi lửa bùng nổ, bất cứ gặp phải vật gì trên dòng chảy của dung nham đều bị nó nuốt gọn, thủ tiêu hết. Cho nên, dù sau khi khói lửa đã tắt mà con người  vẫn không sao tránh khỏi sự e dè sợ hãi đối với lửa. Vì thế, từ xa xưa loài người đã tôn lửa thành Thần Linh và sùng bái cúng tế nó. Thêm nữa, con người cho rằng , lửa rất thuần khiết (sạch sẻ) , nên kính trọng nó. Bái Hỏa Giáo xuất phát từ sự sùng bái nầy.

Nguồn: Nhược Thủy lược dịch

Hỏa Đức Tinh Quân

*Truyền thuyết về “Hỏa Thần - Hỏa Đức Tinh Quân” như sau:

- Trong “Thần Đản Phả” ghi :- “Hỏa Đức Tinh Quân là tinh linh của Viêm Đế thuộc họ Thần Nông, thờ cúng gọi là “Hỏa Thần”, có thể cầu tránh tai nạn về lửa”.
- Trong “Sử Ký” thì nói :-“Hỏa Thần là Chúc Dung, con của vua Chuyên Húc, tên là LÊ”.
- Trong “Quảng Nhã” thì nói “Hỏa Thần là Du Lão”.
- Trong “Quốc Ngữ” thì nói “Hỏa Thần là Hồi Lộc”.
- Hồi Lộc hoặc viết thành Hồi Lục. Ở nước SỞ ngày xưa có một người tên Ngô Hồi, coi về việc Hỏa Chính (trị lửa), nên có người nói Hỏa Thần là Hồi Lộc.
- Sách “Tả Truyện” viết “Nước Trịnh cứu giải về lửa gọi là Hồi Lộc”, vì thế dân gian gọi tai nạn về lửa là “hồi lộc chi tai” (nạn hồi lộc).

*Thời cổ đại Trung Quốc đã có tập tục tin vào “các sao”. Từ “Huỳnh Hoặc” là cách gọi khác của lửa, nên việc cúng lửa gọi là “Tế Huỳnh Hoặc”. Người xưa lấy việc cúng lửa làm một trong việc cúng tế năm thiên thần. Năm Thiên Thần là : Thanh Đế ở phương Đông, Xích Đế ở phương Nam, Bạch Đế ở phương Tây, Hắc Đế ở phương Bắc và Huỳnh Đế ở trung ương.

*Thời cổ đại Trung Quốc thờ cúng lửa bắt đầu từ Đế Nghiêu.
“Sử Ký” ghi “Đế Nghiêu họ Đào Đường gặp lửa lớn nên thờ cúng gọi là Thìn”. Vậy Thìn nghĩa là “lửa lớn”, lại gọi là “Tổ”, nên Lửa chính là Tổ Thần.Vậy rút cục, Hỏa Tổ là ai ?

*Trong “Phùng Thư Ngũ Hành Chí” viết :- “Đế Khốc có Chúc Dung, thời Nghiêu có Khuyết Bá, dân gian nhờ cậy vào đức tốt của hai người, tôn xưng là Hỏa Tổ, cúng tế chung với Hỏa Tinh”. Ý chính trong câu trên là :- “Thời Đế Khốc (cháu cố của Huỳnh Đế) có quan “Chưởng Tế Hỏa Tinh” hay “Hỏa Chính Quan” gọi là Chúc Dung, thời Đế Nghiêu có quan tên Khuyết Bá, vì bá tánh cảm niệm đức hạnh cao quí của hai vị nầy, nên tôn hai vị nầy lên làm “Tổ về Trị Lửa”, cúng tế chung với Thần Hỏa Tinh.

*Sách “Sưu Thần Ký” chép “Thần họ Tống tên là Vô Kỵ, người thời nhà Hán. Lúc sanh ra có nhiều kỳ dị thần bí, lúc chết được tôn làm Hỏa Tinh. Ông Ngưu Tăng Nhu đời Đường lập Miếu Thờ để cầu giải cứu hỏa tai. Miếu tại phía Đông cách thành Phủ Vũ Xương bảy dặm”.

*Lại cũng có thuyết nói, Hỏa Thần không hoàn toàn là nam hay nữ, bởi trong sách “Thận Hành Kỷ Trình” có nói :- “Ở châu Nguyên không thờ thần lửa . Chúc Dung mà thờ Lăng Tiêu Nữ. Bởi vì ở đây, trước có người không tin (vị nữ thần nầy) nên Bà đã cho quạ thần tha những “hòn lửa” về thả trên mái nhà tranh của y, rồi lấy cánh quạt cho bốc lửa cháy nhà y để trừng phạt, gây 
ra trận cháy dữ dội”.

*Ngày hai mươi ba tháng sáu âm lịch là ngày sanh của Hỏa Thần (Hỏa Đức Tinh Quân)

 

Hỏa Đức Tinh Quân


(1) Dân gian thường gọi là Hỏa Thần Da (火神爺, Ông Thần Lửa), hay Hỏa Thiên Kim Cang (火天金剛), Xích Đế (赤帝), là con của vị trưởng bộ tộc thời cổ đại xa xưa. Ông là người phát hiện ra phương pháp khẻ đá châm lửa. Hoàng Đế (黃帝) biết được bèn phong cho ông làm quan chưởng quản về lửa, cũng ban cho tên là Chúc Dung (祝融). Dưới thời đại của Hoàng Đế, ở phương nam có một thị tộc tên Xí Vưu (蚩尤), thường vào gây rối ở Trung Nguyên; nhân đó, Hoàng Đế hạ lệnh cho Chúc Dung đem binh mã thảo phạt. Tuy nhiên Xí Vưu người nhiều thế mạnh, anh em lại rất đông, mỗi người đều mang áo da thú, đầu đội sừng trâu, trông rất hùng mạnh và ghê tợn. Chúc Dung chỉ biết dùng lửa làm vũ khí, đốt cháy quân đội của Xí Vưu. Địch quân tháo chạy, Chúc Dung đuổi đến tận Hoàng Hà (黃河), Trường Giang (長江) và cuối cùng đánh bại Xí Vưu. Sau khi trở về triều, Chúc Dung được Hoàng Đế ban cho chưởng quan phương Nam, cho nên tại đây ông đã giáo hóa dân chúng biết cách dùng lửa trong sinh hoạt hằng ngày, như dùng lửa để xua đuổi dã thú, muỗi, để chế tạo các đồ dùng kim thuộc; nhờ vậy cuộc sống của người dân được cải thiện hơn nhiều. Cảm kích trước ân đức đó, người dân tôn xưng ông là Xích Thần (赤帝, xích là màu đỏ, cũng có ý là lửa). Ông sống được hơn trăm tuổi, và sau khi qua đời, bá tánh lập Xích Đế Điện để tôn thờ và tưởng nhớ đến ân đức cao dày của ông. Lịch đại chư vị đế vương đều phong hiệu cho ông như Hỏa Thần (火神), Hỏa Đức Tinh Quân (火德星君).

Như trong Thần Đản Phổ (神誕譜) có giải thích rằng: Hỏa Đức Tinh Quân, vi Viêm Đế Thần Nông thị chi linh, tự chi vi Hỏa Thần, dĩ nhương hỏa tai (火德星君、爲炎帝神農氏之靈、祀之爲火神、以禳火災, Hỏa Đức Tinh Quân là linh của Viêm Đế Thần Nông, thờ làm Hỏa Thần để giải trừ hỏa tai).” Sử Ký (史記) ghi rõ rằng: “Hỏa Thần vi Chúc Dung, Chuyên Húc chi tử, danh Lê (火神爲祝融、顓頊之子、名黎, Thần Lửa là Chúc Dung, con của Chuyên Húc, tên là Lê).” Trong khi đó, Quốc Ngữ (國語) lại cho hay một thông tin thú vị khác: “Hỏa Thần vi Hồi Lộc (火神爲回祿, Thần Lửa là Hồi Lộc).” Hồi Lộc hay Hồi Lục (回陸), do vì xưa kia tại nước Sở có một người tên Ngô Hồi (吳回), làm quan trông coi về lửa, nên có thuyết cho rằng ông là Hồi Lộc. Vì vậy trong Tả Truyện (左傳) có đoạn rằng: “Trịnh nhương hỏa vu Hồi Lộc (鄭禳火于回祿, Trịnh cầu nguyện lửa nơi Hồi Lộc).” Và người thời nay gọi hỏa hoạn là “Hồi Lộc chi tai (回祿之災, tai họa Hồi Lộc).”

(2) Là tên gọi khác của Táo Quân (竈君), vị thần chưởng quản Nhà Bếp.

(3) Là tên gọi của một trong Ngũ Đức Tinh Quân (五德星君), gồm Đông Phương Mộc Đức Tinh Quân (東方木德星君), húy Trọng Hoa (重華); Nam Phương Hỏa Đức Tinh Quân (南方火德星君), húy Huỳnh Hoặc (熒惑); Tây Phương Kim Đức Tinh Quân (金德星君), húy Thái Bạch (太白); Bắc Phương Thủy Đức Tinh Quân (水德星君), húy Tứ Thần (伺晨); Trung Ương Thổ Đức Tinh Quân (土德星君), húy Địa Nhật Hầu (地日侯).

(4) Là tên gọi của một trong Cửu Diệu (九曜), gồm Kế Đô Tinh Quân (計都星君), Hỏa Đức Tinh Quân (火德星君), Mộc Đức Tinh Quân (木德星君), Thái Âm Tinh Quân (太陰星君), Thổ Đức Tinh Quân (土德星君), La Hầu Tinh Quân (羅睺星君), Thái Dương Tinh Quân (太陽星君), Kim Đức Tinh Quân (金德星君), và Thủy Đức Tinh Quân (水德星君).
Hằng năm vào ngày 23 tháng 6 Âm Lịch, dân gian vẫn thường hành lễ kỷ niệm Thánh đản của Hỏa Đức Tinh Quân. Trong Phật Giáo vẫn công nhận Hỏa Đức Tinh Quân là một vị thần. Từ thời nhà Tống (宋, 960-1279) trở đi, trước tượng thờ chính trong Chánh Điện của các Thiền viện đều có treo bài vị “Nam Phương Hỏa Đức Tinh Quân Thần (南方火德星君神).” Mỗi tháng vào ngày mồng 4 và 18, chư tăng tụng kinh hồi hướng để cầu nguyện cho già lam hưng thạnh, yên ổn, không bị hỏa hoạn. Tương truyền Hòa Thượng Đạo Tế (道濟, tức Tế Công [濟公]) của Linh Ẩn Tự (靈隱寺) đã từng thấy Hỏa Đức Tinh Quân hóa hiện người nữ vào chùa, bèn chạy đến trước mặt cô ta chận đường, liền bị quở trách là đùa giỡn với nữ nhân. Tế Công trở về phòng nhập định và kết quả chùa bị hỏa hoạn thảm khốc. Có hôm nọ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (朱元璋, tại vị 1368-1398) ăn bánh nướng ở trong điện, ăn ngụm đầy cả miệng. Quan Nội Giám thấy vậy bèn chạy đi báo cho Quốc Sư Lưu Cơ (劉基) biết, nhân đó Quốc Sư có làm bài Thiêu Bính Ca (燒餠歌), trong đó có đề cập đến Hỏa Đức Tinh Quân rằng: “Hỏa phong đỉnh, lưỡng hỏa sơ hưng định thái bình; hỏa sơn lữ, Ngân Hà Chức Nữ nhượng Ngưu Tinh, Hỏa Đức Tinh Quân lai hạ giới, kim điện lâu đài tận Bính Đinh, nhất cá hồ tử Đại Tướng Quân (火風鼎,兩火初興定太平,火山旅,銀河織女讓牛星,火德星君來下界,金殿樓臺盡丙丁,一個鬍子大將軍, đỉnh gió lửa, hai lửa mới thành định thái bình; núi lửa chơi, Ngân Hà Chức Nữ nhường Sao Ngưu, Hỏa Đức Tinh Quân xuống hạ giới, điện vàng lâu đài thảy tiêu tan, còn một chòm râu Đại Tướng Quân).”

  • Hỗ trợ
    Thi công
    0935.118.118
    Bán hàng
    0948.482.482
    0968.488.488
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn