Thiên Đình 天庭

Thứ hai, 13/02/2023, 22:47 GMT+7

Thiên đình là triều đình trên bầu trời, trông coi mọi việc của vũ trụ theo quan điểm của Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Thiên đình có tổ chức giống như Triều đình phong kiến Trung Quốc, đứng đầu là một vị vua tức là Ngọc Hoàng Thượng đế, dưới là các ban văn võ, đều là các thần thánh tiên với các chức năng khác nhau.

Nguồn: Nhược Thủy

ảnh: internet

1. Thiên đình bao gồm:

• Lục ngự: Sáu vị Đại đế gồm Ngọc Hoàng Thượng đế và Ngũ thiên đế 
• Ngũ lão: Năm vị thánh năm phương 
• Trung ương Thiên quan: Các vị thiên quan 
• Tam quan đại đế 
• Tứ đại thiên vương 
• Tứ trực công tào 
• Tứ đại thiên sư 
• Tứ phương thần 
• Tứ hải long vương 
• Tứ độc long vương 
• Tứ đại nguyên soái 
• Ngũ phương Yết đế 
• Ngũ Đẩu tinh quân 
• Ngũ Khí chân quân 
• Ngũ Nhạc đại đế 
• Lục Đinh Lục Giáp 
• Nam Bắc Đẩu tinh quân 
• Cửu Diệu tinh quân 
• Bát tiên 
• Thập nhị Nguyên thần 
• Nhị thập bát tú 
• Tam thập lục Thiên Thương 
• Địa thượng Thiên tiên 
• Thần tiêu Chư thần 
• Cửu ty Tam tỉnh

2. Ngọc Đế là vị vua tối cao của bầu trời, là chủ của Thiên đình

Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Thiên Hoàng Ngọc Bệ Hạ, Đức Chí Tôn, gọi tắt là Ngọc Đế là vị vua tối cao của bầu trời, là chủ của Thiên đình. Từ thượng cổ, đã tôn thờ một vị vua trên trời. Vị Vua trời này được cho là sống tại một cung điện tại chính giữa bầu trời, tại Thiên Cực Bắc.

Danh hiệu Ngọc Đế :
•  Hạo thiên Kim khuyết Vô thượng Chí tôn Tự nhiên Diệu hữu Di la Chí chân Ngọc hoàng Thượng đế, Huyền khung Cao thượng Ngọc hoàng Đại  đế. 
•  Đến đời Minh, danh hiệu đầy đủ là: Cao thiên Thượng thánh Đại từ Nhân giả Ngọc Hoàng Đại Thiên tôn Huyền khung Cao Thượng đế.

(Nghĩa là Vị thánh tối cao trên đỉnh trời, vô cùng nhân từ, là Vua Ngọc, bậc Thiên tôn vĩ đại, Huyền diệu lớn lao làm chủ trên cao). 

•  Xưng tán: Nam Mô Linh Tiêu Ngọc Huyền Linh Thượng Ngọc Hoàng Phổ Độ Đại Thiên Tôn  hoặc Nhất Tâm 

3. Khánh Đản Ngọc Hoàng Xá Tội Thiên Tôn

Nguồn: Long Môn

Mồng 9 tháng Giêng, nhằm Ngọc Hoàng Xá Tội Thiên Tôn Khánh đản.

-----------------------------

Toàn hiệu của Ngài là: Thái thượng khai thiên chấp phù ngự lịch hàm chân thể đạo kim khuyết vân cung, cửu khung ngự lịch vạn đạo vô vi đại thông minh điện hạo thiên kim khuyết chí tôn ngọc hoàng xá tội đại thiên tôn huyền khung cao thượng đế

Thiên địa vừa được tạo lập, Tam Thanh liền thoái tàng. Nguyên Thủy Thiên Tôn hóa sinh và thông ban phù mệnh cho Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn thống chế càn khôn, tể chế vạn hóa. Vì thế, Ngọc Hoàng cũng an ngự nơi Đại La Thiên Cung cùng Tam Thanh chí thánh.

Di La Bảo Cáo
Chí tâm quy mệnh lễ
Thái Thượng Di La vô thượng thiên, diệu hữu huyền chân cảnh. (1)
Miểu miểu tử kim khuyết, thái vi Ngọc Thanh cung (2)
Vô cực vô thượng thánh, khuếch lạc phát quang minh (3)
Tịch tịch hạo vô tông, huyền phạm tổng thập phương (4)
Trạm tịch chân thường đạo, khôi mạc đại thần thông (5)
Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn, Huyền Khung Cao Thượng Đế."

Chú thích:
(1): Ban đầu, bảo cáo này bắt đầu bằng câu “Di La vô thượng thiên”, về sau được thêm hai chữ “Thái thượng” để thêm phần tôn kính. “Thái thượng” cũng tức là chí tôn vô thượng vậy. “Di la” tức Đại La, chi tiết này đề cập đến việc Ngọc Hoàng ngự tại Di La Thượng thiên. Đại La thiên là chốn vô thượng và cũng chính là nơi giới hạn vô cực. Chốn ấy không chỉ cao trọng mà còn ôm ấp hết thảy tam thiên, đại thiên thế giới. 
“Diệu hữu huyền chân cảnh” được mô tả rằng: “Ngọc Đế thiên cung, hữu huyền tượng thụy quan, phi phàm tượng ảo giã, vĩnh bất hoại, vi nan cùng, vận diệu hữu huyền chân cảnh”. Nghĩa là: Nơi ngọc đế ở thì đạo tượng cùng muôn thứ ánh sáng tốt lành trải khắp mọi nơi. (Nơi ấy) Chẳng giống những hình ảnh chốn nhân gian ảo cảnh, mà nơi ấy không bị tiêu hoại, lại nhỏ bé vô cùng đến nỗi khó thấu tường nên gọi “diệu hữu huyền chân cảnh”. Vạn vật chúng sinh tuân theo quy luật Đức của Đạo. Hình ảnh đại diện tối cao chính là Ngọc Hoàng, ngài là chí Đức của Đại Đạo vậy. 
(2): “Miểu miểu” tức diệu diệu, thoát ẩn thoát hiện. Nơi Ngọc Hoàng ngự trị, những tòa cung điện nhiều vô số kể, thoát ẩn thoát hiện một cách diệu kì. “Tử” chính là nói đến màu trời đêm, cao sâu thâm diệu. Còn “kim” chính là ám chỉ đến sự trường tồn, bất diệt, và hơn hết là đề cập đến Ngọc Hoàng chính là một vị tự nhiên cao chân. 
“Vi” tức nhỏ, “thái vi” chính là nhỏ hơn cái nhỏ. Câu này mô tả đến bản tính thanh sạch, không có nhất điểm trần cảnh và đồng thời nói đến một sự bao trùm. Cụ thể hơn, cái “thái vi” len lỏi vào sâu vạn vật, ôm ấp lấy chúng như cái Đức cao cả của Đạo luôn hiện hữu ở bất kì nơi đâu dù là nơi nhỏ nhất. Cũng có thể hiểu rằng, Đạo và Đức luôn ẩn sâu bên trong chính vạn vật, thấu hiểu và lắng nghe hết thảy cũng như nhìn nhận lấy tất cả. “Ngọc Thanh cung” là nơi Nguyên Thủy Thiên Tôn ngự, và Ngọc Thanh cũng chính là mô tả Đại Đạo vậy.
(3): Cả câu này ám chỉ Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn là bậc chí Đức vô thượng.  Ngài là cái quyền của Đại Đạo. Và Ngài không chỉ là Thánh, mà còn là nguồn ánh sáng to lớn, tràn khắp, tỏa quang minh đến khắp nơi. Trí tuệ của ngài soi rọi đến khắp chúng sinh, cũng tựa như Đại Đạo vẫn hằng dùng cái Đức của mình để che chở, bảo bọc và dẫn dắt chúng. 
(4): “Tịch tịch” tức đang nói đến sự trầm lắng. Nó không đơn giản là một sự tĩnh lặng nhất thời, mà đó là tĩnh lặng đến tột cùng để nói về sự huyền bí vô cùng. “Hạo vô tông”: hiển nhiên ngài không có căn cội (căn cội của Ngài là “không”, Ngài từ Đạo mà thành). “Huyền phạm”: cái phạm điển thống thế thập phương khiến cho thập phương có thể quy về nhờ cái luật của ngài. Như đã nói, ngài là biểu trưng cho cái Đức của Đạo, thì lẽ hiển nhiên vạn vật đều phải tuân thủ theo những quy luật tự nhiên mà Đại Đạo đã đặt định. 
(5): “Trạm tịch” là sự vô thanh, trầm mặc; vô thanh vô tích và cả vô vi. “Khôi mạc” là làm to ra, mà không nói, làm cho chúng sinh to lớn, tràn đầy mà không hề kể công. Giống như Đạo Đức Kinh đề cập đến Đức vô vi rằng: “Sanh chi súc chi, Sanh nhi bất hữu, Vi nhi bất thị, Trưởng nhi bất tể, Thị vị Huyền đức”. Và cuối cùng, ngài là một đấng chí tôn vô thương, là bậc “đại thần thông” gần gũi với Đạo. Như một lẽ hiển nhiên là Đức luôn đi theo với Đạo vậy. 
Chí tâm xưng niệm
Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn, Huyền Khung Cao Thượng Đế.

 

admin
Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng