Thiên Quan Đại Đế là vị thần ban phúc lành nên được gọi là Thiên quan tứ phúc (天官賜福). Thiên Quan Đại Đế là: Thượng Nguyên Nhất Phẩm Cửu Khí Tứ Phúc Thiên Quan Diệu Linh Nguyên Dương Đại Đế.
Nguồn: Vô Danh Tử
Tiên tượng Thiên Quan Đại đế tại ThoCung.com
Thuở hỗn độn chưa phân, Nguyên Thủy Thiên Tôn ở Thái Hư Cực Xứ thủ lấy Nguyên Dương Cửu Khí, ở Cửu Thổ Đỗng Dương thủ lấy Thanh Hư Thất Khí, ở Đỗng Âm Phong Trạch thủ lấy Thần Hạo Ngũ Khí. Ở đây có một nghịch lý, rằng lúc hồng mông vị phán, hỗn độn chưa phân, làm sao hiển hiện các xứ ấy mà Nguyên Thủy Thiên Tôn đến để thủ khí? Ấy chính là Ngài đang thủ lấy ba khí ở các nơi bên trong mình. Sau khi thủ lấy ba khí ấy, Nguyên Thủy Thiên Tôn chu lưu 81 vòng trong tam tiêu (Tâm – phế kết thành Thượng Tiêu; Can – tỳ kết thành Trung Tiêu; Thận – kết thành Hạ Tiêu), kế đó thổ xuất (từ miệng) mà sinh ra Tam Nguyên Tam Phẩm Tam Quan Đại Đế.
Một số thuyết nói Tam Quan Đại Đế hóa sinh từ Ngọc Hoàng Đại Đế. Điều này vẫn được công nhận vì Tam Quan Đại Đế khởi xuất từ Vô Cực, nhưng sinh từ thời Thái Cực. Vả lại các ngài sở hữu trọn vẹn trong mình tuyệt Đức Đạo nên nói hóa sinh từ Ngọc Hoàng Đại Đế cũng không sai.
Lịch thế thần tiên thông giám viết: “Tam Quan Đại Đế từ Nguyên Thủy Thiên Tôn hóa sinh mà thành. Khi ấy, Hồng Hoang Hỗn Độn, Thái Cực chưa phân, Nguyên Thủy khởi thân tới Thái Hư Cực Xứ, Cửu Thổ Đỗng Dương, Đỗng Âm Phong Trạch mà thủ lấy Nguyên Dương Cửu Khí, Thanh Hư Thất Khí, Thần Hạo Ngũ Khí. Khí qua miệng tới tam tiêu mà chu điều 9981 ( cửu cửu chi kỳ) kết thành thánh thai. Tháng một mùa xuân thổ sinh anh hài, quang minh hảo tướng. Tháng một mùa thu và tháng một mùa đông lại sinh hai vị. Tổng quy chính là Tam Quan Đại Đế vậy.”
Trong Tam Quan, Thiên Quan đứng đầu. Ngài quản trị trời cao và tất thảy những gì thuộc về nó, nên xưng là Thượng Nguyên vậy. Giống với đức của Trời, Ngài thường ôm ấp và chở che muôn muôn quần phẩm. Ngài treo trời trăng sao mà soi đường chúng đi, điều hành bốn mùa mà nuôi dưỡng hết thảy. Tháng Giêng quẻ Địa Thiên Thái, ấy là khi Càn quái viên mãn, âm dương giao hòa. Càn vi Thiên, vậy nên lấy ngày Vọng đầu xuân làm ngày Thánh đản hầu tứ phúc chúng sinh.