Theo Lão Tử nội truyện 老子内传 và Tam động quần tiên lục 三洞群仙录: Lão Tử 老子 họ Lí 李, tên Nhĩ 耳, tự Bá Dương 伯阳, còn được gọi là Lão Quân 老君, người đời sau tôn xưng là Thái Thượng Lão Quân 太上老君.
Ảnh: Đạo sĩ Nguyễn Tông Nhuệ ( Hà Nội)
Truyền thuyết kể rằng, Lão Tử sinh vào buổi ban sơ của họ Thiên Hoàng 天皇 thời viễn cổ, ông thông hiểu lí thiên nhiên, là ông tổ của tiên đạo.Để tuyên dương tiên đạo, Lão Tử đã giáng xuống thế gian truyền kinh thụ giáo. Ông trước tiên sai Huyền Diệu Ngọc Nữ 玄妙玉女, giáng xuống làm con gái của họ Thiên Thuỷ Doãn 天水尹. Sau đó, ông từ tiên cảnh Thái Thanh 太清 phân thần hoá khí, kí thai vào bụng Huyền Diệu Ngọc Nữ. Ngọc Nữ sau khi có thai, dung nhan thường trẻ, thần khí anh nhàn. Một ngày nọ, Ngọc Nữ mơ thấy trời mở rộng đến mấy trượng, một đám tiên nhân bưng mặt trời xuất hiện ra, bên cạnh mây đen vây bọc. Ngọc Nữ tỉnh dậy, bước ra vườn. Lúc bấy giờ đương lúc mặt trời buổi sớm mọc ra, Ngọc Nữ đứng trên cây lí, tay vị lấy cành, nhìn mặt trời rất lâu, từ từ chỉ thấy nhật tinh dần biến nhỏ, từ trên không rơi xuống, hoá thành lưu tinh, như trái cầu ngũ sắc bay đến bên miệng, Ngọc Nữ liền bưng lấy nuốt đi. Qua một lúc sau, từ bên hông trái sinh ra một đứa bé. Đứa bé này mới sinh ra đã đã bước đi 9 bước, chỗ bước qua, trổ ra hoa sen, đứa bé tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất, nói rằng:
- Trên trời dưới đất, chỉ có ta là độc tôn, ta đang tuyên dương vô thượng đạo pháp, phổ độ tất cả chúng sinh.
Ngọc Nữ dìu đứa bé đến ngồi dưới cây lí, đứa bé lại chỉ cây lí nói rằng: Tên của cây này chính là họ của ta.
Lúc bấy giờ, chỉ thấy mặt trời toả ra hào quang, mây lành phủ trùm mặt đất, hàng vạn hạc tiên bay trên không trung, trên mặt đất là một cảnh tượng tốt lành. Ngọc Nữ nhìn đứa bé, chỉ thấy tóc bạc da mồi, đỉnh đầu hói bóng, sắc vàng khắp mặt, thiên đình căng đầy, lông mày dài như vẽ, hai tai xuống quá vai, toàn thân trắng sạch. Ngọc Nữ đưa đứa bé đến bên ao tắm rửa, bỗng thấy 9 con rồng bay đến, hoá thành 9 con cá chép to lớn, hút nước phun lên người đứa bé để tắm. Lúc bấy giờ, đứa bé đã có thể nói năng hành động. Những người nhìn thấy không ai là không kinh ngạc.
Lão Tử sinh được 9 ngày, thân thể 9 lần biến đổi. Đến khi 6 tuổi, tự cho mình tai lớn nên tự đặt tên là Trùng Nhĩ 重耳, tự Bá Dương 伯阳. Nhân vì mới sinh ra đầu đã bạc nên mọi người gọi là Lão Tử. Ngọc Nữ sinh Lão Tử chẳng bao lâu, phải quay về lại trời, thế là nói với Lão Tử rằng:
- Ta sắp đi đây, sẽ có Thái Ất Nguyên Quân 太乙元君 dạy cho ngươi thuật luyện đan. Nói xong, Ngọc Nữ cỡi rồng bay lên trời.
Lão Tử sau khi tiễn mẹ ra đi, liền bắt viễn du sông núi, cầu luyện tiên đan. Lão Tử đến Lao sơn 崂山, hướng đến Thái Ất Nguyên Quân học đạo. Thái Ất Nguyên Quân truyền lại thuật luyện đan cùng các loại pháp thuật khác. Taaij đây, Lão Tử một lòng theo Thái Ất Nguyên Quân tu đạo, giữ lòng ngay thẳng, luyện đan phục khí, cho đến lúc có thể cỡi mây lướt gió, xuất hữu nhập vô, biến hoá khôn lường. Thời gian tu đạo, Lão Tử từng thỉnh giáo Nguyên Quân:
- Dân chúng ngu muội vô tri, bởi vì không biết dưỡng sinh tu đạo, kết quả nhiều người chết. Mọi người đáng thương như thế, có thể cho họ thần dược được không, để họ được trường sinh bất tử?
Nguyên Quân đáp rằng:
- Không được, trời sinh muôn vật, có thiện có ác. Chỉ có người thiện mới đáng được sinh tồn, ban cho họ thuốc trường sinh; còn kẻ ác thì phải diệt tuyệt, không thể ban thuốc cho họ.
Về sau, Lão Tử được lời chỉ bảo, đã tuân theo đạo lí này , khuyên nhủ người đời, cường điệu đạo thành thần hoá tiên, coi trọng chân tâm tu luyện mà thành.
Lão Tử tại tiên giới được xưng là vị thầy của vạn pháp, cũng là vị thầy của các bậc đế vương kiệt xuất thời viễn cổ. Thời Phục Hi 伏羲 ông ra làm thầy, hiệu là Nguyên Hoá Tử 元化子, dạy Phục Hi suy cựu pháp, diễn âm dương, chính bát phương, định bát quái. Thời Thần Nông 神农 ông làm thầy, hiệu là Đại Thành Tử 大成子, dạy Thần Nông nêm bách thảo, trồng ngũ cốc, cùng với dân gieo trồng. Thời Chúc Dung 祝融 ra làm thầy, hiệu là Quảng Thành Tử 广成子, dạy tu tam cương, tề thất chính. Thời Hoàng Đế 黄帝 ra làm thầy, hiệu là Lực Mục Tử 力牧子, giảng giải quy luật vận động biến hoá của thiên địa vạn vật, sáng tác đạo giới kinh. Sau này, thời Thiếu Hạo 少皞, Cao Tân 高辛, Nghiêu 尧, Thuấn 舜, Vũ 禹, Thang 汤, Lão Tử đều có ra làm thầy, với mỗi vị đế ông có một hiệu khác nhau, truyền cho họ kinh, dạy cho họ đạo.
Thời Chu Văn Vương 周文王, Lão Tử được triệu làm Thủ tàng sử 守藏史, thời Vũ Vương 武王, Thành Vương 成王làm Trụ hạ sử 柱下史; thời Chiêu Vương 昭王, về quy ẩn. Về sau để khai hoá Tây Vực, năm Chiêu Vương thứ 33, ông cưỡi trâu xanh, chuẩn bị qua Hàm Cốc quan 函谷关. Sau khi quan lệnh Doãn Hỉ 尹喜 biết được đã đến cầu đạo. Lão Tử thấy Doãn Hỉ thành tâm, bèn lưu lại 5000 chân ngôn, đó chính là bộ Đạo đức kinh 道德经 được truyền tụng trên đời. Nhân vì 5000 chân ngôn này, Lão Tử trở thành vị đại thần tiên ở Tam Thanh, được tôn làm tổ sư của Đạo giáo.
Thời U Vương 幽王, Lão Tử về lại trung nguyên. Lúc bấy giờ, khi Khổng Tử 孔子 đến nước Chu đã gặp được Lão Tử. Khổng Tử thỉnh giáo Lão tử vấn đề liên quan tới lễ.
Lão Tử nói rằng: Quân tử lựa chọn thời cơ mới ra làm quan, phục vụ công chúng; nếu không có thời cơ thà chịu điên đảo long đong chứ không miễn cưỡng. Ta nghe nói, thương nhân giỏi đem hàng hoá cất kĩ không để lộ, giống như không có vậy; bậc quân tử có sự tu dưỡng đạo đức rất cao, nhưngi ẩn tàng trong lòng, không hề phô trương, bề ngoài khiêm nhường, giống như người ngu độn. Ngoài sự kiêu ngạo và lòng tham của ông, còn có dáng vẻ và chí hướng không thiết thực tế, những thứ đó đều không có ích cho thân thể của ông. Ta chỉ có thể nói với ông những lời như thế mà thôi.
Khổng Tử sau khi ra về, nói lại với đệ tử rằng: Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Thú chạy có thể dùng lưới để bắt, cá bơi có thể dùng lưỡi câu để câu, chim bay có thể dùng tên để bắn. Còn như rồng, nó có bản lĩnh cưỡi mây lướt gió trên không, ta không biết phải làm thế nào. Lão Tử mà hôm nay ta gặp, ông ta chính là một con rồng đó.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/6/2017