Đạo giáo TỨ ĐẠI THIÊN SƯ 四大天師 nhắm đến 4 vị chân nhân quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến sự hình thành và phát triển của Đạo giáo. Cụ thể, 4 vị này bao gồm: Trương Đạo Lăng, Cát Huyền, Hứa Tốn (Hứa Tinh Dương) và Tát Thủ Khiên. Theo một số truyền thống quan niệm 4 vị là người thường túc trực Thông Minh cung, phụ tá Ngọc Hoàng.
Tranh Tứ Đại Thiên Sư
1/Trương Thiên Sư:
Trương Thiên Sư (34-157), tên thật là Trương Lăng, tự Phụ Hán, hiệu Thiên Sư, Đạo giáo còn tôn xưng Trương Đạo Lăng Thiên Sư. Cuối đời Đông Hán, năm 141, ngài lập Ngũ Đấu Mễ Đạo. Bởi cảm lòng thành kính của Ngài, năm 142, Lão Quân hạ giới truyền Chính Nhất Minh Uy phẩm lục, Lạc Dương Trị Đô công ấn, kể từ đây, Thiên Sư Đạo chính thức thành lập, Đạo giáo được khởi sinh. Lại nữa, đến năm 155, Lão Quân lại hạ giới truyền cho Ngài Nam Bắc Đẩu Kinh, yếu quyết của phép diên sinh. Vậy nên có câu tán thán: “Thiền Lê diễn giáo, khai nhương tai độ ách chi môn; Ngọc cục truyền kinh, hữu tiêu tử diên sinh chi pháp”. Trong Đạo giáo, Ngài được xưng “Hàng Ma Hộ Đạo Thiên Tôn”, “Cao Minh Đại Đế”, “Chính Nhất Chân Nhân” hoặc “Tổ Thiên Sư”.
2/Hứa Thiên Sư:
Hứa Thiên Sư là một vị đạo sĩ thời nhà Tấn, tên Hứa Tốn, tự Kính Chi, hiệu Tinh Dương. Hứa Thiên Sư người Nam Xương (nay là Giang Tây), thế tục xưng tán “Hứa Chân Quân”. Đời Tấn thời Thái Khang năm thứ nhất cử Hiếu Liêm, đảm nhiệm Tinh Dương lệnh, nhân đó xưng là Hứa Tinh Dương. Hứa Tinh Dương tương ngộ Đại Đỗng Chân Quân, được truyền thụ "Tam Thanh pháp", sau lại được truyền thụ "Thái Thượng Linh Bảo Tịnh Minh Pháp". Ngài tinh thông kinh sử, thiên văn, địa lý, lịch luật, ngũ hành,... Năm Chính Hòa thứ hai (1112), Tống Huy Tông phong “Thần Công Diệu Tế Chân Quân”. Thời Nguyên, đạo sĩ Lưu Ngọc lấy chữ “Tịnh Minh” làm tên giáo phái, kinh điển trọng yếu là “Tịnh Minh Trung Giáo Toàn Thư”. Tịnh Minh Trung Hiếu Đạo tôn sùng Hứa Chân Quân là Tổ sư, Đạo giáo tôn danh hiệu “Thần Công Diệu Tế Chân Quân”, “Trung hiếu thần tiên”, “Phổ thiên tấu nghị đại phu thiên y đại đế”, “Tịnh minh phổ hóa Thiên Tôn”.
3/Tát Thiên Sư
Tát Thiên Sư, còn xưng Tát Chân Nhân, Sùng Ân Chân Quân, là người quận Tây Hà, cạnh con sông Phần nên thường tự xưng Phần Dương Tát Khách. Tương truyền Ngài tên Tát Thủ Khiên, đạo sĩ trứ danh thời Tống, hiệu Toàn Dương Tử. Thuở thiếu thời, Tát Thủ Khiên hành nghề y. Song, trong quá trình hành y, vì sơ xuất nên đã kê đơn thuốc sai dẫn đến người bệnh tử vong, từ đó, Tổ bỏ y tầm Đạo. Tổ đến Thiểm Tây và có cơ duyên gặp Vương Văn Khanh, Lâm Linh Tố (sáng tập Thần Tiêu Phái) và Thiên Sư đời 30 Trương Kế Tiên (Hư Tĩnh Tiên Sinh). Cả ba vị truyền dạy Đạo Học cho Tát Tổ. Một vị truyền Lôi Pháp, một vị truyền Chú Táo Thuật, một vị truyền Phiến Tật Thuật. Theo các ghi chép trong “Tam giáo sưu thần đại toàn” quyển nhị, “Liệt tiên toàn truyện” quyển bát, “Lịch đại thần tiên thông giám” quyển nhị, có truyền rằng Hư Tĩnh Tiên Sinh truyền Chú Táo bí thuật, Vương Văn Khanh truyền Lôi Pháp, Lâm Linh Tố truyền Phiến Tật Thuật. Tát Tổ học thành bí pháp, dùng Chú Táo Thuật tế bần bạt khổ, dùng Lôi pháp trừ gian diệt hại, dụng Bảo Phiến trợ dân báo oan. Ngài hành âm công tế vật, đạo công sâu dày. Hậu thế tôn xưng “Sùng Ân Chân Quân”, Ngọc Đế gia phong “Thiên Xu Lĩnh Vị Chân Nhân”.
Trong Toàn Chân Đạo, kế thừa phép thủy hỏa tế luyện của Tiền Nhân và thiết quán tế luyện của Tát Tổ mà lập thành " Toàn Chân Thanh Huyền Tế Luyện Thiết Quán Thí Thực Khoa Nghi" lưu lại trong "Tạng Ngoại Đạo Thư" . Mà đến tận ngày nay trong các khoa nghi lớn vẫn hằng dùng để bạt độ vong linh, công đức không thể đo lượng.
4/Cát Thiên Sư
Thiên Sư họ Cát, tên Huyền, tự Hiếu Tiên, sinh ở Cú Dung, Đan Dương (nay là Giang Tây). Các phương sĩ thời Tam Quốc, theo “Bão Phác Tử” cho rằng Cát Thiên Sư thụ lĩnh “Cửu Đỉnh Đan Kinh”, “Thái Thanh Đan Kinh”, “Kim Dịch Đan Kinh”. Sau đó truyền lại cho Trịnh Ẩn. Theo truyền thuyết Ngài tu đạo ở Giang Tây Các Tạo Sơn. Đạo giáo tôn xưng “Cát Tiên Ông”, còn xưng “Thái Cực Tả Tiên Công”.
Nhiều người thường lầm Cát Huyền Thiên Sư với Cát Hồng. Vốn Cát Hồng là cháu của Cát Huyền Thiên Sư.
Tích truyền lại rằng: Cát Huyền chân nhân (một trong Tứ Đại Thiên Sư) tu hành sau 30 năm có thể đốn ngộ Hỗn Nguyên Đại Đạo, tấn thăng Đại La Thiên Tiên. Biết được việc ấy, các vị địa tiên ở sâu trong núi cùng quy tụ, triều vấn Ngài rằng:
- Xin ngài chỉ điểm phương pháp tu hành. Tại sao chúng tôi tu luyện cả trăm năm mà vẫn chưa được đốn ngộ lẽ huyền diệu ấy?
Cát Huyền chân nhân lúc này bảo:
- Ta đi trên con đường Đại thừa lộ. Các vị tu hành Tiểu thừa lộ. Các vị tu cho riêng mình, người ở ẩn trong núi, kẻ xa lánh thế gian. Các vị chẳng quản màn đến đạo chúng, chỉ tu lấy riêng mình hằng mong cướp cơ tạo hoá, tập luyện thần thông. Ta nay tu tập nguyện giúp chúng sinh, nên đạo công có thể được vậy.