Tượng Phật hoặc Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát là hình ảnh quen thuộc với tất cả mọi người. Quán Thế Âm Bồ Tát với hạnh nguyện từ bi, cứu khổ cứu nạn, sẵn sàng cứu vớt tất cả mọi chúng sanh nên Quán Thế Âm Bồ Tát trở thành một trong 4 vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Bồ Tát, tức Bodhisattva trong tiếng Phạn, dịch âm là Bồ Đề Tát Đoá, cho nên gọi là Bồ Tát. Bồ Đề (Bodhi) ý chỉ giác ngộ, Tát Đoá ý chỉ bản chất, hợp 2 từ lại đại biểu “có bản chất giác ngộ”, có thể phát triển nghĩa là “lực sĩ giác ngộ”. Đặc trưng lớn nhất của Bồ Tát là từ bi. Thế nào là từ bi? Từ bi chính là không những bản thân truy cầu khai ngộ, mà còn dẫn người khác đến cảnh giới khai ngộ. Từ bi chính là rất hiểu rõ nhân ý, thấy người khác chịu khổ nạn, có thể cảm nhận, giơ tay cứu giúp, giải quyết khốn ách, thoả mãn nguyện vọng.
Bất cứ ai, chỉ cần sinh lòng từ bi đều có thể thành Bồ Tát. Bồ Tát lúc sơ phát tâm, có khả năng chỉ là một người bình thường, nhưng đáng quý là lúc nào cũng giữ tâm từ bi. Một số Bồ Tát chứng ngộ rất cao, do bởi lòng bi nguyện đối với chúng sinh rất lớn, khiến những vị Bồ Tát ấy phát triển được thần lực như Phật, có thể tạo lợi ích to lớn cho chúng sinh. Quán Âm Bồ Tát chính là vị Đại Bồ Tát có thần lực rất cao.
Mối quan hệ giữa Phật với Bồ Tát: Địa vị của Bồ Tát chỉ sau Phật. Tương lai Bồ Tát sẽ thành Phật. Một khi Phật nhập niết bàn, Bồ Tát sẽ thay thế, như Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát là hai vị Bồ Tát kế thừa Phật Di Đà. Di Lặc Bồ Tát tương lai sẽ là Phật Di Lặc. Sự khác biệt lớn nhất giữa Phật với Bồ Tát ở chỗ: Phật là mẫu mực tối cao truy cầu trí tuệ, địa vị không gì sánh lại, cảnh giới cao sâu khó lường, khiến người khó gần. Bồ Tát lại thường trú nhân gian, dùng các loại hoá hiện thoả mãn nhu cầu chúng sinh, khiến người sinh lòng cảm mến thân thiết. Mối quan hệ giữa Phật, Bồ Tát và chúng sinh, có thể dùng thuật ngữ hiện đại để so sánh: Phật là vị giáo sư đại học, Bồ Tát là trợ giáo còn chúng sinh chính là học sinh cầu pháp.
Nhân Địa Bồ Tát và Quả Địa Bồ Tát
Tu Nhân Địa Bồ Tát : Tu Nhân Địa Bồ Tát là chỉ: phát thệ nguyện tu đắc quả Phật, đồng thời kinh qua các khảo nghiệm (thập tín, thập trụ, thập hồi hướng, thập hạnh, tứ gia hạnh, thập địa v.v..), trải qua “tam đại A tăng kì kiếp”, mới có thể thành Phật. Di Lặc Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát là những vị Bồ Tát đã trải qua những khảo nghiệm này, đợi tương lai sẽ kế thừa vị Phật, cho nên đều là tu Nhân Địa Bồ Tát.
Tu Quả Địa Bồ Tát: Quả Địa Bồ Tát là đã thành Phật từ rất sớm, do bởi thệ nguyện cứu độ chúng sinh cho nên đã trở lại làm Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát cùng Quán Âm Bồ Tát đều là Quả Địa Bồ Tát.
Tứ đại Bồ Tát: là 4 vị Bồ Tát rất nổi tiếng, đó là Quán Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát. Bốn vị Bồ Tát này mỗi vị có hình tượng và đặc trưng đức hạnh riêng:
Quán Âm Bồ Tát tay cầm hoa sen hoặc tịnh bình dương chi, trên đỉnh đầu có hoá Phật, tượng trưng “từ bi”.
Văn Thù Bồ Tát tay cầm kiếm cùng kinh thư, cưỡi sư tử, tượng trưng “trí tuệ”.
Phổ Hiền Bồ Tát tay cầm chày kim cang, giỏ sen, ma ni bảo, kinh thư, cưỡi voi trắng, tượng trưng “chí thiện”.
Địa Tạng Bồ Tát được tạc theo tượng tì kheo, mặc cà sa, đội mũ “ngũ phương Phật”, tay trái cầm bảo châu như ý, tích trượng, tượng trưng “đại nguyện”.
Bát đại Bồ Tát là 8 vị Bồ Tát đó lần lượt là: Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tá, Kim Cang Thủ Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Trừ Cái Chướng Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, phân biệt ở chỗ thị hiện 8 đức tính. Phật giáo Mật tông Tây Tạng, có Tam Tôn Bồ Tát là Quán Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát và Kim Cương Thủ Bồ tát hình thành “tam tộc tính tôn”, lần lượt đại biểu cho 3 thuộc tính: từ bi, trí tuệ và phục ác, được người Tạng tín ngưỡng.
Tượng Quán Âm Bồ Tát là Nam hay Nữ: Quán Âm là nam tướng hay nữ tướng, bất luận là kinh điển có nói hoặc tuỳ cơ hoá hiện, đều là phương tiện của Phật pháp. Về phương diện hoằng pháp, Phật kinh dùng các loại phương tiện để thuyết Phật pháp, để chúng sinh có thể hiểu. Nhưng về bản chất của Phật pháp, giới tính của Quán Âm thì không có quan hệ trọng yếu. Trong Duy Ma Cật sở thuyết kinh – Quán chúng sinh phẩm, có một đoạn đối thoại giữa Tịch Do Xá Lợi Phật với Tán hoa thiên nữ, điểm minh cách nhìn của Phật giáo đại thừa đối với giới tính nam nữ:
Nhất thiết chư pháp vô hữu định tướng, phi nam phi nữ, nhất thiết nữ nhân diệc phục như thị, tuy hiện nữ thân nhi phi nữ dã.
(Tất cả các pháp không có định tướng, không phải nam, không phải nữ, hết thảy nữ nhân cũng như thế, tuy hiện ra là nữ thân nhưng không phải là nữ)
Tại chư pháp bình đẳng và chư pháp giai không, hết thảy “tướng” 相 có được, không phải là nam, không phải là nữ, mà cũng là nam cũng là nữ, giới tính vượt lên trên phàm tục. Nhân gian thế tục đối với giới tính nam nữ có tâm phân biệt, Phật Bồ Tát đại bi không hề có tâm phân biệt, nhân đó mà có thể biến hoá nữ tướng, cũng có thể hiển hiện nam tướng, thậm chí hiển lộ động vật súc tướng, để cứu độ chúng sinh thế gian được khai ngộ.