Linh hồn của con người sau khi chết

Thứ năm, 12/08/2021, 16:09 GMT+7

Tận cùng của sự sống là gì? Con người sẽ gặp điều gì sau khi chết đi? Hay sự sống bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu?...đây là vấn đề triết học căn bản từ  hàng ngàn năm nay, kể từ khi tư duy, nhận thức của con người có những thay đổi lớn khi phương thức sản xuất của con người ngày một tiến bộ hơn, đồng thời các cuộc tranh luận không có hồi kết giữa các quan điểm triết học khác nhau về sự sống của của con người sau khi chết ngày càng trở nên không có điểm chung.

Nguồn: Đạo sĩ Tử Kính ( Đại La Quán - Hà Nội)

coi-am

Ảnh: internet


Phương Tây và phương Đông khi giải thích về con người sau khi chết tựu chung lại chỉ diễn ra trong phạm vi quan niệm của tôn giáo. Đại diện cho các quan niệm tôn giáo này điển hình chỉ có Công giáo và Đạo giáo, Phật giáo thì hoàn toàn không có quan điểm riêng về sự sống sau khi chết (vấn đề của Phật giáo chúng tôi sẽ trình bày ở một nội dung riêng biệt). Trong khuôn khổ của vấn đề, chúng tôi nghiên cứu quan niệm của Đạo giáo về con người – linh hồn sau khi chết.

Gần 3000 năm trở về trước, tại một ngôi làng nhỏ, nước Tống (Xuân Thu – Chiến Quốc), có một triết nhân với trí thông minh tột bậc đã dừng chân giữa chốn non xanh, núi biếc, dõi mắt nhìn trời cao đất rộng, ngẩn đầu lên trời mà cảm thán rằng: “Sống chết, ấy là mệnh”. Chính với quan điểm “Thuận theo sinh tử” của vị triết nhân đó đã làm nên ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến những tư tưởng căn bản của Triết học Đạo giáo – một trong những trường phái triết học nổi bật ở Trung Quốc nói riêng và nền triết học phương Đông nói chung. Vị triết nhân đó chính là Trang Tử , một trong những nhân vật quan trọng hình thành nên hệ thống lý luận Triết học Đạo giáo, đồng thời những tư tưởng chung của Đạo giáo cũng bắt nguồn và phát triển từ hệ thống tư tưởng nêu trên của Trang Tử.

Quan niệm về sự sống và cái chết của Đạo giáo

Trong số các tôn giáo phương Đông từ xưa cho đến nay, có lẽ Đạo giáo là tôn giáo coi trọng sự sống ở một mức cao nhất. Theo đó, Đạo giáo đề cao mục đích sống của con người là đắc đạo thành tiên, theo đuổi sự sống trường tồn. Theo Đạo giáo, con người được sinh ra từ sự hòa hợp bởi hai khí âm và dương, khi khí tụ lại thì con người ta được sinh ra, và khi khí tán ra thì khi ấy con người sẽ chết đi. Việc sống và chết đấy, Đạo giáo quan niệm đều do mệnh con người đã được định sẵn. Vì thế, con người cần phải biết mệnh mình để làm sao có thể theo đuổi đến sự trường sinh, thoát khỏi cái chết. 

Hành trình của linh hồn

Đạo giáo cho rằng, con người sau khi chết đi, linh hồn sẽ không tiêu tan cùng với xác thịt mà đi đến một thế giới khác – Địa ngục (âm ty, u minh giới, địa phủ,...). Ở đó, người thống trị Địa ngục chính là Diêm Vương sẽ tiến hành phán xét các hành vi của con người khi còn sống trên dương gian. Sau đó, căn cứ theo sự thiện ác của người đó mà phán định xem người đó sẽ đầu thai làm người hay làm loài nào và chịu các hình phạt như thế nào. Thời gian linh hồn ở dưới âm ty là một cuộc hành trình dài, phải làm rất nhiều các thủ tục, đi qua rất nhiều các cửa ải, với vô số các địa điểm đã hợp thành một thế giới Địa phủ hoàn chỉnh.

Hành trình của linh hồn được phác họa cụ thể như sau:

1. Con người trước lúc chết. Đạo giáo quan niệm, con người trước lúc chết thì thể xác và linh hồn là khác nhau, tách rời nhau. Khi sống linh hồn con người sống nhờ vào thể xác.

2. Khi con người chết đi, linh hồn rời khỏi thể xác, thể xác tiêu tan, còn linh hồn đi vào cõi âm ty.

3. Sau khi con người chết đi, vào cõi âm ty Diêm Vương căn cứ theo sổ sinh tử, do Tào Quan, Phán Quan nắm giữ sẽ phái hai vị sứ giả Hắc, Bạch vô thường đến trước lúc chết để dẫn dắt linh hồn nhập Quỷ môn quan, chờ sau 49 ngày sẽ đem đến trước Diêm Vương Điện đẻ xét hỏi, khảo hạch.

4. Trước khi người chết vào Quỷ Môn Quan, linh hồn sẽ được dẫn dắt đến gặp Thần Thổ Địa ở địa phương để làm thủ tục cắt hộ khẩu trên dương gian. Sau khi nhận giấy cắt khẩu sẽ phải đến gặp Thành Hoàng để lấy giấy thông hành.

5. Giấy thông hành là một điệp văn quan trọng của tất cả các linh hồn, sau khi cắt khẩu, linh hồn phải đến khai báo và nhận cấp giấy thông hành ở chỗ Thành Hoàng, thường là đền miếu, đình làng hay các cung quán,...

6. Quay trở về nhà. Trong thời gian từ 49 ngày đên 100 ngày trước khi chịu các hình phạt và đi đầu thai, các linh hồn được cho phép trở lại dương gian, về thăm lại nhà và người thân. Trong khoảng thời gian này trên Dương gian người thân, gia đình thường sẽ tiến hành các thủ tục, nghi lễ cầu siêu, gửi gắm tế vật cho người chết và tìm cách liên hệ với người chết để hỏi han các nguyện vọng của người chết cần gì,...đồng thời thực hiện các nghi lễ để linh hồn người chết sớm được siêu thoát, không chịu các hình phạt nặng nề nơi âm ty. 

7. Vọng Hương Đài. Sau thời gian 49 đến 100 ngày kết thúc, linh hồn trước khi đi đầu thai hay chịu hình phạt sẽ được cho phép đến Vọng Hương Đài, một lầu cao ở Địa phủ, tại đây, linh hồn sẽ được nhìn thấy mọi tội lỗi, cũng như công đức của mình khi còn sống đã lam và được nhìn lại nhà cửa, quê hương của mình, cùng với người thân lần cuối cùng trước khi chấp hành các điều khoản mà Diêm Vương đã phán xét.

8. Đường Hoàng Tuyền. Là con đường duy nhất xuống địa phủ. Con đường này linh hồn người chết sẽ đi qua đầu tiên nhất sau khi mất, rồi mới đến Quỷ Môn Quan. Dọc hai bên đường Hoàng Tuyền là hoa Bỉ Ngạn nở quanh năm trong cảnh u minh, nửa sáng, nửa tối, loài hoa này có sắc đỏ thắm chỉ nở quanh đường Hoàng Tuyền, dưới địa phủ, chỉ duy nhất có loài hoa này nở. Linh hồn sẽ đi theo con đường Hoàng tuyền để nhập vào cõi U Minh Giới.

9. Thập Điện Diêm Vương. Quan niệm về Diêm Vương được xuất hiện trong các kinh văn kinh điển của Đạo giáo, trong hệ thống các loại hình tín ngưỡng – tôn giáo trên thế giới hiện nay, duy nhất chỉ có Đạo giáo là có quan niệm đầy đủ nhất về Diêm Vương, các tôn giáo khác không có quan niệm về Diêm Vương Địa Phủ. Sau thời hạn 100 ngày Diêm Vương điện sẽ nhận các trình tấu của Tào Quan, Phán Quan thông qua các vị Thần Tiên cai quản khi linh hồn còn sống trên dương thế như: Táo Quân, Thổ Địa, Thành Hoàng, Thần Tam Thi,...căn cứ các trình tấu mà phán xét thiện ác rồi quy định các hình phạt cho linh hồn hoặc được đi đầu thai chuyển thế, hoặc phải chịu cảnh hình ngục địa phủ,...

10. Đình Mạnh Bà. Cai quản tại đây chính là một lão nữ thần có tên Mạnh Bà người chế tạo Canh Mạnh Bà ở dưới Địa phủ giúp các vong hồn quên hết mọi chuyện kiếp trước trước khi đầu thai.

Hàng năm, vào dịp tháng 7. Đạo giáo quan niệm đây là lúc mà U Minh Giới mở cửa Quỷ Môn Quan cho các linh hồn chuẩn bị đi đầu thai được phép trở lại Trần thế lần cuối cùng, cũng đồng thời là lúc mà U Minh Giới cho phép các linh hồn được nhận các phẩm vật cúng tế trên dương gian gửi xuống. Do đó, lúc này, Linh Hồn vừa muốn về nhà, lại vừa muốn nhận phẩm vật. Theo đó, giấy Thông hành là một quy định quan trọng của Đạo giáo đối với các linh hồn muốn thông hành qua hai thế giới Địa Phủ - Dương Gian.

Chi tiết tại www.ngunhacquan.com

admin
Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng