Bàn thờ Nam Bộ dịp Tết

Thứ bảy, 07/10/2023, 23:09 GMT+7

Ngày Tết, người dân Lục tỉnh Nam kỳ ngày xưa dẫu nghèo khó đến đâu cũng ráng sắm sửa đủ mâm lễ: nhất ổ, tam sơn, ngũ quả và lục bình cho dịp Tết đến Xuân về. Những thành tố đó dần dà trở thành nét phong tục đặc trưng đầy ý nghĩa đối với người dân nơi đây. “Nhất ổ” là chiếc bánh tổ hay bánh ổ, “tam sơn” gồm một bình hương cùng cặp chân đèn, “ngũ quả” là đĩa trái cây có 5 thức quả tùy theo ước vọng của gia chủ và lục bình tức bình bông vạn thọ.

Bàn thờ nam bộ

Bánh tổ (bánh ổ) là một loại bánh làm bằng bột nếp, nhào cùng đường tán đã đâm nát pha thành nước. Người dân Nam Bộ cho số bột đó vào một chiếc xửng tre, phía dưới có lót lá chuối. Sau khi hấp chín, họ rắc một lớp mè rang trên mặt bánh để gia tăng hương vị rồi mang đi hong nắng cho ráo nước. Bánh tổ được đặt vào đĩa, mang lên bàn thờ. Mãi đến ngày mồng 3 Tết, sau khi làm lễ đưa tiễn ông bà, gia chủ mang bánh xuống cắt mỏng từng miếng ăn sống, nướng hoặc chiên giòn. Một mẻ bánh ngon theo quan niệm của người xưa phải thật ngọt, nhiều mè, khi chiên phồng lên ăn vừa giòn, vừa thơm mùi nếp. Trong từng miếng bánh, hương nước đường, mè rang hòa cùng nhau, tạo nên dư vị của ngày Tết đã qua đi.
Bình hương và cặp chân đèn là các món đồ không thể thiếu trên bàn thờ, gọi là tam sơn. Bình hương được đặt chính giữa, ngoài cùng trên bàn thờ, thường là hình tròn, rỗng ruột, làm bằng các vật liệu như gỗ, đồng hoặc sành sứ. Người dân quan niệm bình hương là nơi hội tụ linh khí của một ngôi gia. Vì vậy họ hạn chế di chuyển bình hương để tránh mang lại điều xui xẻo. Còn chân đèn ngày xưa thường được làm bằng gỗ, cao khoảng bốn tấc, trên cùng tiện thành búp sen, đặt cặp đèn bằng dĩa dầu phộng, thắp cháy bằng bấc (tim bấc) ở khoảng giữa. Về sau, khi có dầu hỏa, người dân thắp bằng đèn trứng vịt, kế đó phổ biến hơn là đèn cầy. Với sự phát triển của xã hội và nhu cầu của người dân, chân đèn dần thay thế bằng đồ đồng. Hằng nằm, các gia đình sẽ mang cặp chân đèn đi đánh bóng như một cách trang hoàng lại bàn thờ gia tiên sau một năm làm lụng, cày cuốc.

Ngũ quả Nam Bộ không chỉ nằm ở các loại quả cây như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung mang ý nghĩa cầu vừa đủ tiêu xài và trở nên sung túc. Ngũ quả bao gồm: tứ trụ (bốn loại quả không thể thiếu) và một quả tùy vào gia chủ muốn mong cầu điều gì. Tứ trụ chính là mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài. Nếu nhà nào có con trai, mong cầu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” sẽ thay quả sung bằng một trái thơm. Nhà nào muốn cầu cho vinh hiển, phú quí thì thay bằng quả quýt. Dĩa trái cây ngày Tết được đặt trên một cái chò cao khoảng bốn tấc, xưa thường làm bằng gỗ, chạm khắc hoặc cẩn ốc xà cừ hình tứ linh (long, lân, quy, phụng). Ngũ quả đặt bên hướng Tây (phía tay trái của ông bà gia tiên, tức bên phải của gia chủ) theo quan niệm “Đông bình Tây quả”. Phía mặt trời mọc tức ông bà sinh con cháu, quả ở phía Tây mô tả hậu duệ nối tiếp muôn đời.

Nguyên trước đây, vùng Nam Bộ xuất hiện loại bình bông có sáu cạnh, xuất xứ từ Trung Quốc, vì vậy gọi là “lục bình”. Lục bình, đối với người dân Nam Bộ mang ý nghĩa “lục căn thanh tịnh”. Về sau, đồ sành sứ Đồng Nai phát triển mạnh, các loại bình sản xuất ra đa phần dạng tròn, thân suông, bầu, cổ thắt, miệng loa. Dầu vậy, người dân Nam Bộ vẫn quen gọi “lục bình”. Một lý giải khác từ tên gọi này chính dựa trên quan niệm “Thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi” của Dịch học. Số 6 được người ta xem là con số sinh đầu tiên của trời đất. Vậy nên gọi “lục bình” biểu thị sự sinh hóa, tiếp diễn không ngừng của gia môn. Phải nói thêm rằng loài hoa được chưng nhiều nhất trên bàn thờ của người Nam Bộ xưa chính là vạn thọ biểu thị ý nghĩa như tên gọi của nó. Đồng thời, loài hoa này cũng thuộc loại “bình dân”, vừa đẹp vừa rẻ so với mức sống của người nơi đây.

Những thành tố góp mặt trên bàn thờ Tết xưa như nhất ổ, tam sơn, ngũ quả, lục bình là điều không thể thiếu. Với những gia đình người Nam Bộ có điều kiện, trên bàn thờ còn có thêm: lư đồng, ống nhang, đài tam sơn, câu đối, v.v… Điều này không chỉ mang ý nghĩa là sự bày tỏ lòng tôn kính của người hậu thế được may mắn vinh hiển với tiền nhân tông tổ mà còn là một sự phô trương điều trù phú trong ngôi gia của mình.
Lư đồng có hai loại là kiểu tròn hoặc vuông. Trong đó, vùng Nam Bộ thường dùng kiểu vuông. Lư đặt nơi chính giữa bàn thờ, sau bình hương, dùng để đốt trầm. Một lư đồng bao gồm các bộ phận: chân đế, thân lư, nắp đậy. Trên nắp có lỗ thông khói trầm và gắn hình một con vật, gọi là Toan Nghê. Tuy nhiên, với sự cầu kì trong quá trình đốt trầm, về sau, người dân thường xem lư đồng như một vật trang trí để tăng phần trang nghiêm cho bàn thờ.
Ống nhang làm bằng gỗ tiện hoặc sành sứ, hình trụ, miệng hơi loe, dùng đựng nhang, đặt cạnh chân đèn và thường có một hoặc hai ống. Một số gia đình còn sử dụng một đốt tre thay cho ống nhang bằng sành sứ.
Đài tam sơm là một bục nhỏ. Trong đó, bậc ở giữa cao hơn hết, bằng gỗ. Trên đài tam sơn được chạm khắc các hoa văn quen thuộc như hoa lá, tứ linh, v.v… một số đài tam sơn còn được cẩn ốc xà cừ. Đài này đặt phía trước bộ lư, là nơi dùng để bày chung rượu, tách trà, đĩa trầu cau...

Các câu liễn, hoành phi được làm bằng gỗ quí, hoặc là nguyên thân dừa xẻ đôi, bào láng, khắc chữ chìm, sơn son thếp vàng. Nội dung những bức liễn, hoành phi chính là ca tụng công đức tổ tiên, răn dạy con cháu điều hay, lẽ phải. Một số câu đối thường gặp như: Tổ công tông đức thiên niên thạnh - Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh. Hoặc: Phụ nghĩa sanh thành sĩ nhạc trọng - Mẫu ân cúc dục hải hà thâm. Các bức hoành phi thường có ba hoặc bốn chữ đại tự như: Chấn gia hinh - Phước mẫn đường - Bá thế bất thiên...

Người dân Nam Bộ, dù giàu hay nghèo, họ đều  cố gắng chăm lo hết mực cho bàn thờ tổ tiên của mình. Điều đó biểu thị sự kính trọng, ghi ơn đối với tiền nhân đi trước. Mặt khác, nó còn là nơi giao kết, bày tỏ mối tương quan giữa người sống và kẻ chết. Họ tin rằng, khi bản thân bày tỏ tấm lòng của mình một cách liên lỉ, thành tín thì người đã khuất sẽ nghe lấy được những gì bản thân nhắn nhủ, giải bày. Mọi người cũng tự nhận thức hay có tâm lý lo sợ về những sơ xuất, “làm điều không phải”, gây tủi hổ đối với vong linh ông bà. Chung cuộc, việc thờ phụng gia tiên đã trở thành một phong tục, đi vào nếp ăn nếp ở, mang tính giáo dục và xây dựng niềm tin mãnh liệt của con người về mối liên kết giữa cõi sống – chết. Mối liên kết này sẽ mãi mãi hiện hữu và ngự trị trong tâm thức người Việt.
- Hiếu Chương
Tài liệu tham khảo: 
1. Nguyễn Minh, Bánh tổ bánh phồng ngày Tết, Sài Gòn xưa & nay.
2. Bàn thờ Nam Bộ, Võ Văn Sổ, Sài Gòn xưa & nay.

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng