Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Thứ sáu, 13/05/2022, 09:27 GMT+7

Nhờ nét văn hóa tâm linh độc đáo có một không hai trên thế giới mà ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghi thức rước kiệu của nhân dân các xã, thị trấn thuộc vùng ven Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

---------------------------

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương


Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã khẳng định là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, là điểm hội tụ tâm linh của người Việt. Những giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được cộng đồng người Việt gìn giữ, bảo vệ, trao truyền và phát huy trong đời sống đương đại.

Nhân lên giá trị đạo đức truyền thống

Hàng nghìn đời nay, truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đến thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã, đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng.

Theo ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, tất cả người dân đất Việt đều có ý thức tôn thờ các vua Hùng là vị vua Thủy Tổ, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Bằng chứng sinh động để khẳng định Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là hơn 90 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất hình chữ S đã lập tới hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự (gồm cả Khu di tích lịch sử đền Hùng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 37 di tích cấp quốc gia, 135 di tích xếp hạng cấp tỉnh…) và 93 di tích chỉ còn là phế tích.

Từ thực tế cho thấy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ mà còn trở thành đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ Nguyễn Tiến Khôi cho hay, ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một loại sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt. Xuất phát từ thực tế đó, từ triều đại phong kiến độc lập tự chủ trước đây và thời hiện tại, Nhà nước rất quan tâm đến việc tôn thờ, tôn vinh các Vua Hùng. Bằng chứng là đền Hùng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng là nơi thờ tự Tổ chung của cả dân tộc.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 cho biết, đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Cũng chính vì thế, hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ Vùng Vương, hàng triệu đông bào cả nước lại nối theo nhau về đền Hùng, một trong những điểm trung tâm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thực hiện nghi lễ tín ngưỡng đó là được thắp một nén hương thơm tưởng nhớ Vua Hùng,cầu cho người người được bình an, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc…

Bên cạnh đó, về với Đền Hùng, mỗi người Việt Nam còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”. Từ đó có sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Suy rộng ra, sự gắn kết cộng đồng xuất phát từ nguồn cội, do đó, là người Việt Nam dù ở đâu, trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược hay miền xuôi, người kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Như vậy, có thể thấy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc.

Gắn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với phát triển kinh tế

Từ thực tiễn cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch trong nước và quốc tế thời gian qua, có thể khẳng định: Phát triển du lịch chính là tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mặt khác, để du lịch phát triển bền vững, hiệu quả, phải dựa trên nền tảng văn hóa, phải vì mục tiêu văn hóa và phát triển văn hóa vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, trong sự nghiệp phát triển của xã hội thời hiện đại, các giá trị văn hóa càng có ý nghĩa và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương mà dạng thức cụ thể, sinh động nhất là lễ hội đền Hùng đang là sản phẩm độc đáo, đặc biệt của kinh tế du lịch, vừa là tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và có giá trị.

Ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết thêm, bản chất của du lịch là văn hóa (nhất là văn hóa tâm linh), nhu cầu du lịch là do văn hóa quyết định. Bản thân lễ hội đền Hùng đã mang một ý nghĩa to lớn, một giá trị văn hóa sâu sắc, độc đáo, vì vậy, có sức lôi cuốn và mời gọi mãnh liệt tới cộng đồng dân cư.

Hằng năm, Khu di tích Lịch sử đền Hùng đón 6 - 8 triệu du khách tham dự lễ hội Hùng Vương và tham quan Khu di tích. Đây là yếu tố thuận lợi cho ngành du lịch khai thác tiềm năng và phát triển. Xét ở góc độ này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và hấp dẫn, là sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt của ngành du lịch.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử đền Hùng cho biết, Ban quản lý Khu di tích đang đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của khu di tích; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, thu hút du khách về đền Hùng; chủ động trong việc kết nối đền Hùng với các tuyến, điểm di tích trong tỉnh. Cùng với đó là xây dựng và tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm, các sản phẩm du lịch học đường, giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đa dạng mặt hàng lưu niệm, xây dựng môi trường du lịch sinh thái, đảm bảo văn hóa, văn minh trong khu vực di tích nhằm kích cầu du lịch.

Phát huy giá trị du lịch của di sản nói chung cũng như di sản văn hóa Hùng Vương nói riêng là phương cách hữu hiệu cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để củng cố bản sắc văn hóa, tạo ra thu nhập và việc làm, giúp cộng đồng gìn giữ kinh nghiệm, tri thức dân gian, tập tục truyền thống... Tỉnh Phú Thọ đang có trong mình di sản văn hóa Hùng Vương quý báu của dân tộc, đó là nền tảng tinh thần, cũng là động lực cho sự phát triển đi lên của vùng đất Tổ. Việc phát triển kinh tế du lịch của địa phương thông qua hoạt động khai thác giá trị du lịch của di sản là rất cần thiết, là nhu cầu, xu thế không chỉ cho phát triển lợi ích kinh tế mà còn cho việc bảo tồn di sản dân tộc./.

Theo TTXVN

 

---------------------------------------------------

UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

 

(VOV) - Lúc 18h09 (giờ VN, 6/12), UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đúng 18h09 phút (giờ Việt Nam, tức 12h09, giờ Paris, ngày 06/12), tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đoàn đại biểu Việt Nam có mặt đông đủ trong phòng họp tại trụ sở UNESCO đón nhận tin vui này, gồm đoàn đại biểu của tỉnh Phú Thọ; đoàn đại biểu Viện văn hóa và nghệ thuật Việt nam; đoàn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cùng các cán bộ Phái đoàn Việt nam tại UNESCO. Như vậy, với tin vui này, Việt Nam hiện nay có tổng cộng 14 di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận.

Quyết định của UNESCO công nhận Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nêu rõ hồ sơ đáp ứng các tiêu chuẩn để được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại. Quyết định cũng nêu cụ thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.


Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam bày tỏ niềm vui và tự hào: « Việc thế giới công nhận di sản này đánh giá cao tính nhân văn của các dân tộc ở Việt Nam là tục lệ thờ cúng tổ tiên. Đây như là một biểu tượng khuyến khích các dân tộc cũng có hành vi tương tự như vậy. Và một điểm nữa là tín ngưỡng này thể hiện tính đoàn kết của các cộng đồng. Trong tiếp xúc với chúng tôi bên lề cuộc họp, tất cả các đại biểu đều đánh giá cao tính nhân văn của hồ sơ này của chúng ta ».

Phát biểu trước Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 sau khi hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh:

« Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển…»

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp, ông Hoàng Dân Mạc cho biết: « Trước mắt, chúng tôi phải tổ chức tốt Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2013 và về lâu dài, sẽ xây dựng một chương trình hành động báo cáo Chính phủ thông qua với một số nội dung chính trong đó thứ nhất là tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng với bạn bè quốc tế, thứ hai kiểm kê đánh giá các di tích đền thờ Vua Hùng để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự và thứ ba rà soát lại trình tự thủ tục nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước và thứ tư, di sản phi vật thể phải gắn với di sản vật thể và chúng tôi sẽ báo cáo chính phủ để trùng tu di tích đền Hùng để gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương».

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng cam kết với Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 rằng: Việt Nam sẽ làm hết sức mình thực hiện nghiêm túc Công ước 2003 để cùng với Cộng đồng trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy giá trị di sản này để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Với quyết định của UNESCO, từ nay Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã trở thành tài sản văn hoá của nhân loại. Đúng như nhiều lãnh đạo và chuyên gia về di sản của Việt Nam đã khẳng định, việc công nhận chỉ là bước đầu, chặng đường tiếp theo còn dài với nhiều việc chúng ta phải làm để phát huy và thúc đẩy các giá trị của di sản với chính người dân Việt nam, bảo tồn một cách đúng khoa học để di sản còn tồn tại mãi với những giá trị nguyên gốc của nó và thứ ba là quảng bá những giá trị di sản quý giá đó với bạn bè thế giới.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc; đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Chính những giá trị tiêu biểu đó giúp hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vượt qua vòng xét duyệt khó khăn, trở thành 1 trong 17 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện mới của thế giới.

 

Để hiểu rõ hơn về điều này, PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn Đại sứ Dương Văn Quảng - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.

Đại sứ Dương Văn Quảng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV


PV: Thưa Đại sứ! Như vậy là UNESCO đã quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Thế giới. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình trình và chỉnh sửa hồ sơ để thuyết phục các chuyên gia của UNESCO cũng như trực tiếp có mặt trong giây phút hồ sơ được công nhận, Đại sứ có cảm nhận như thế nào?

Đ.S Dương Văn Quảng: Đây là một tin vui, một vinh dự đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng. Niềm vui này đối với tỉnh Phú Thọ còn tăng lên gấp đôi vì năm 2011, Hát xoan của tỉnh Phú Thọ cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận thể hiện sự đánh giá cao của Thế giới đối với đời sống tâm linh của con người Việt Nam, đặc biệt, thể hiện qua sự thờ cúng tổ tiên. Các thế hệ Vua Hùng đã lập nên nước Việt Nam chúng ta và chúng ta coi Vua Hùng là tổ tiên chúng ta và chúng ta có ngày Quốc giỗ.


Đại sứ Dương Văn Quảng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV

Trong bối cảnh hiện nay, hồ sơ này được công nhận đã chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam, và nó cũng chứng tỏ rằng văn hóa Việt Nam có khả năng hội nhập thế giới nói chung và vào nền văn hóa thế giới nói riêng.

PV: Có thể nói, phong tục thờ cúng tổ tiên không được thực hiện tại nhiều nước, đặc biệt là các nước phương Tây. Vậy trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, chúng ta có gặp nhiều khó khăn để làm bật những giá trị của di sản và thuyết phục các chuyên gia quốc tế của UNESCO hay không?

Đ.S Dương Văn Quảng: Đôi khi chúng ta không có nhận thức hết, chưa hình dung được nhất là văn hóa phi vật thể. Ví dụ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là di sản văn hóa chứ không phải là di tích. Trong thờ cúng, có những phần chúng ta nhìn được, đó là những công trình để thờ cúng, ví dụ Đền Hùng là Di tích. Nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới là di sản.

Khi viết hồ sơ phải làm sao để chuyên gia có thể đọc và hiểu đây là di sản trong khi những chuyên gia đó không phải là người áp dụng thờ cúng, dân tộc họ không áp dụng phong tục thờ cúng tổ tiên. Ta phải đi dưới góc độ không nhìn thấy, sờ thấy nhưng cảm được giá trị của nó.

Qua quá trình chuẩn bị, trình các chuyên gia xem xét hồ sơ, tôi thấy chúng ta cần chú đến một số vấn đề sau: trước hết cần xác định được đâu là các di sản văn hóa phi vật thể thực sự có giá trị. Khi xác định được rồi phải xây dựng hồ sơ đáp ứng được những tiêu chí do Công ước 2003 đặt ra, đặc biệt Văn bản hướng dẫn Công ước được thông qua năm 2011, về cách lập hồ sơ. Những hồ sơ sau này trình lên muốn được công nhận phải xây dựng chu đáo, đầy đủ về chuyên môn, thủ tục, tài liệu để chứng thực đây thực sự là di sản văn hóa phi vật thể.

PV: Xin Đại sứ cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những hồ sơ nào trình UNESCO xem xét?

Đ.S Dương Văn Quảng: Nền văn hóa của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm văn hóa, những phong tục, tập quán, công trình văn hóa. Văn hóa phi vật thể không chỉ có hát, nhạc mà cả phong tục, lối sống, cách thức ăn mặc. Chúng ta không thể làm ồ ạt. Mỗi kỳ họp, chỉ xác định số lượng nhất định các hồ sơ được xét duyệt. Việt Nam là một trong những nước có khá nhiều hồ sơ đã được xét duyệt thì không được nằm trong dạng ưu tiên.

Người ta cũng cố gắng đảm bảo mỗi nước có một hồ sơ được xét duyệt trong năm đó. Điều quan trọng là Bộ văn hóa cũng như các tỉnh cần xác định đâu là những công trình văn hóa có giá trị, là di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó, chúng ta phải có lộ trình, chương trình để xây dựng hồ sơ.

Năm tới, Việt Nam có hồ sơ “Đờn ca tài tử”  đã được trình lên  Ban thư ký của Công ước 2003, nhưng theo quy định mới, hồ sơ này phải trình lại mới đủ và đúng các thủ tục./. 

PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.

Thùy Vân- Đào Dũng/VOV-Paris

admin
Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng