Ý Nghĩ Bài Khai Kinh

Thứ tư, 04/08/2021, 13:00

Theo nghi thức Thế Đạo của Đạo Cao Đài, khi thiết đàn cúng lễ người ta khởi sự dâng hương và đọc bài kinh “Niệm Hương“, kế đó thì đọc bài “Khai Kinh”. Bài “Khai Kinh” do Đức Lữ Tổ giáng đàn ban tại chùa Tam Tông Miếu.

Nguồn: Kinh Tam Giáo Nhựt Tụng Diễn Giải

khai-kinh

Hình ảnh internet


I. NỘI DUNG BÀI KINH:

khaikinh

Biển trần khổ vơi vơi trời nước,

Ánh Thái Dương giọi trước phương Đông,

Tổ Sư THÁI THƯỢNG Đức Ông;

Ra tay dẫn độ dày công giúp đời.

Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy,

Gốc bởi lòng làm phải làm lành,

Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành,

Từ bi Phật dặn lòng thành, lòng nhơn.

Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh,

Một cội sanh ba nhánh in nhau,

Làm người rõ thấu lý sâu;

Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.

II. Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHAI KINH:

Khai kinh có nghĩa là khai mở tâm trí tín đồ hướng về mục tiêu cứu độ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nội dung bài Khai Kinh chỉ dạy tổng quát về cách cứu độ của Ba Đạo Lớn là “NHO, THÍCH, và LÃO” mà Đại Đạo CAO ĐÀI qui làm một mối trong thời kỳ Phổ Độ lần thứ ba này. Người tu hành muốn theo đúng Chơn Lý của Đại Đạo thì nên hiểu rõ “Lý Sâu” mà ba Đạo đã dạy, tuy là ba cách dạy khác nhau, nhưng chẳng khác nào ba đường lối dẫn về một cứu cánh duy nhứt.

Cứu cánh duy nhứt đó là ĐẠI ĐẠO, là Chân Lý, là Thượng Đế vậy.


III. GIẢI THÍCH LỜI KINH:

1. Biển trần khổ:

Khởi đầu bài kinh, Ơn Trên lưu ý người thế gian rằng: cõi trần là bể khổ. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, THẦY có dạy rằng, địa cầu số 68 của chúng ta là một địa cầu trọng trược gần bực chót trong Thất Thập Nhị Địa. Vì địa cầu ở vào vị trí thấp và trọng trược cho nên chúng sanh ở đây phải chịu muôn điều khổ hạnh để rèn luyện học hỏi và tiến hóa . Bực Đế Vương ở địa cầu 68 không sung sướng bằng hàng thứ dân ở địa cầu 67. Càng lên cao, địa cầu càng nhẹ nhàng thì chúng sanh ̉́ở đó càng sung sướng hơn. Cái quí trọng của mỗi địa cầu càng tăng thêm hoài cho tới Đệ Nhứt cầu Tam Thiên Thế Giái. Qua khỏi Tam Thiên Thế Giái thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu. Qua Tứ Đại Bộ Châu rồi mới vào đặng Tam Thập Lục Thiên, rồi chuyển kiếp tu hành nữa mới lên đến Bạch Ngọc Kinh là nơi Đạo Phật gọi là Niết Bàn đó vậy.

Vì địa cầu 68 là nơi trọng trược cho nên chúng sanh nơi đây phải bị dồi dập trong cuộc đời đau khổ, gọi là “Biển Trần Khổ”. Bởi vậy cho nên các Đấng Thiêng Liêng từ Thượng Giới nhìn xuống cảm thấy xót thương mới kêu gọi chúng sanh lo tu hành để tiến hóa lên các cõi cao thượng hơn.

Các bậc Đại Giác, Chánh Giác, sau khi tu luyện đắc thành chánh quả cũng kêu gọi chúng sanh mau thoát ra sông mê bể khổ.

Đạo Phật cho rằng con người sanh ra cõi hồng trần là lọt vào vòng Tứ Khổ (sanh, lão, bịnh, tử) rồi cứ vay vay trả trả, chuyển luân mãi trong lục đạo luân hồi không lối thoát.

Biển trần khổ vơi vơi trời nước:

Với cái nhìn giác ngộ, các Đấng Thiêng Liêng thấy cõi hồng trần là một biển khổ bao la nơi đó chúng sanh như bị lạc lỏng vào một cảnh trời nước mênh mông mịt mờ vô định.


2. Ánh Thái Dương giọi trước phương Đông:

Nghĩa trắng câu này là: Vầng Thái Dương bủa ánh sáng soi rọi cho phương Đông thoát cảnh tăm tối . Phương Đông là hướng mặt trời mọc, mà cũng là vị trí của các nước Đông Nam Á, nơi đó có nước Việt Nam nằm cạnh biển Thái Bình Dương và trực diện về hướng Đông, hướng nhận lãnh ánh sáng chan hòa của vầng Thái Dương.

Nghĩa bóng câu này là: Vầng Thái Dương ví như ngọn đèn Chơn Lý, hay là ngọn đèn Đạo Lý soi sáng cho phương Đông. Đông Phương cũng là hướng do Đông Hoa Đế Quân, tức là Mộc Công, chưởng quản, mà Mộc Công lại là hóa thân của Đức Thái Thượng Đạo Quận.

Trong kinh “Thiên Đàng Du Ký”, Đức Đông Hoa Đế Quân giảng cho Dương Sinh nghe rằng:

– Giáo Chủ Tam Thanh với Ngũ Lão Đế Quân có nguồn gốc sâu xa. Tam Thanh thành Tam Hoàng, Ngũ Lão hóa thành Ngũ Đế. Thái Thượng Lão Quân lại là nguyên linh của Đông Hoa Đế Quân. Đông Hoa Đế Quân giáng sinh xuống trần làm Lão Tử khai mở Tôn Giáo Đông Phương, cho nên còn gọi là Đông Phương Giáo Chủ.


3. Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông:

Tam Hoàng Thiên Kinh có nói rằng:

– Hồng Mông hỗn độn rồi mới có Trời Đất, mới có Đức Thuần Dương Bàn Cổ thủ xuất. Ngài là căn cội loài người. Người chỉ Trời làm Cha, chỉ Đất làm Mẹ, bá tánh làm con. Chính Ngài là Ngôi “Tôn Chủ sáng lập thế gian” mà cũng là Đức Thái Thượng Đạo Quân đó. Do Ngài cứu cánh thiệt nghiệp nơi động tịnh biến sanh bèn hiệp bán Âm bán Dương mà hóa ra vạn vật và loài người, lấy chỗ “Sắc” (Thái) làm căn bản tối linh linh thọ, cho nên mới gọi Ngài là Thái Thượng Đạo Quân. Thiệt chính Ngài là Chủ Nhơn Đạo đó. Cho nên có câu: Nhứt Dương nhứt Âm chi vi Đạo là vậy.

Sắc “Thái” là sắc “Huyền” (Trời) hiệp với sắc “Hồng” (Đất) thành ra sắc “Thái”. Cho nên Ngài lấy chỗ ban đầu của nhơn loại mà xưng danh là Thái Thượng, nghĩa là Người sanh ra trước hơn hết.

Trong kinh “Thiên Đàng Du Ký”, Phật sống Tế Công nói rằng: Đức Đạo Tổ là bực Thánh “Thượng Chân Kim Tiên Khai Nguyên” cho nên phải cầu Ngài chỉ dạy về cơ biến hóa vận chuyển của Trời Đất, và lẽ huyền vi của Tạo Hóa.

Lý do bài “Khai Kinh” đề cập đến “Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông là vì:

1. Ngài là Đấng “Tôn Chủ sáng lập thế gian”.
2. Ngài là Đức “Bàn Cổ Thuần Dương”, Người sanh ra trước hơn hết, là nguồn cội của Nhơn loài.
3. Ngài là bực Thánh “Thượng Chân Kim Tiên Khai Nguyên”.
4. Ngài là: Đạo cao Nhứt Khí, diệu hóa Tam Thanh, Pháp siêu quần Thánh, Đạo Pháp bao la, cửu hoàng Tỉ Tổ:

Nghĩa là Ngài từ Nhứt Khí hóa ra Tam Thanh. Đạo Pháp của Ngài siêu rỗi tất cả các bực Thánh Tiên Phật. Đạo Pháp của Ngài bao la, và chính Ngài là Ông Cửu Hoàng Tỉ Tổ, tức là nguồn gốc của nhơn loại.


4. Ra tay dẫn độ dày công giúp đời:

Vì Đức Thái Thượng Đạo Quân là Ngôi “Tôn Chủ sáng lập thế gian” là căn cội của loài người, cho nên việc độ đời của Ngài là vô cùng vô tận, công dày không kể xiết. Bởi vậy cho nên trong bài kinh “Tam Giáo” nhựt tụng mới có câu:

Đạo Pháp bao la
Cửu Hoàng Tỉ Tổ
Đại Thiên thế giái
Dương tụng từ ân
Vĩnh kiếp quần sanh
Ngưỡng kỳ huệ đức
Đại thần, đại thánh
Chí cực, chí tôn
Tiên Thiên Chánh Nhứt
Thái Thượng Đạo Quân
Chưởng Giáo Thiên Tôn.

Dịch:

Đạo Pháp bao trùm rộng lớn
Vị Cửu Hoàng, Ông Tỉ Tổ (Ông Thủy Tổ)
Trong cõi Trời Đất rộng lớn vô cùng
Đều xưng tụng ơn lành
Chúng sanh đời đời kiếp kiếp
Đều ngưỡng nhờ ơn đức huệ cố
Thần oai lớn, thánh đức lớn
Cao cả tuyệt vời, đáng tôn kính tột độ
Ngôi Tiên Thiên duy nhứt (có trước Trời Đất)
Đức Thái Thượng Đạo Quân (Ông Vua Đạo tột cao)
Vì Thiên Tôn chấp chưởng quyền giáo Đạo.


5. Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy,
6. Gốc bởi lòng làm phải làm lành

Tam Giáo tuy là Ba Đạo, có ba phương pháp dạy người độ đời khác nhau, nhưng chung qui cũng dẫn về một mối, cùng một lời khuyên dạy:

“Đạo do Tâm, gốc nơi Lòng làm phải làm lành” mà thôi.

Con người biết giữ Tâm cho trong sạch, luôn luôn làm phải, làm lành, thì chẳng những cuộc đời đặng hưởng phước mà cũng hạp Đạo Lý và thành Đạo nữa.


7. Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành:

Đạo Nho, Đức Khổng Tử dạy về Trung Dung. Trung Dung hay là Trung Thứ có nghĩa là không thái quá, không bất cập, không cao mà cũng không thấp, không thiện mà cũng không ác.

Nhắc lại sự tích của Đạo “Trung Thứ” như sau:

Đức Khổng Tử muốn truyền bí yếu Đạo Nho cho đệ tử hầu rồi truyền tôn chỉ cho đời sau. Trong hàng cao đồ của Ngài chỉ có Thầy Nhan Hồi là đạt tới trình độ tâm linh cao trổi, cho nên Ngài có ý muốn truyền “Tâm Pháp” lại cho Thầy Nhan Hồi. Nhưng chẳng may, thầy Nhan Hồi mất sớm, Ngài lấy làm buồn. Sau có thầy Tăng Tử tiến lên, trình độ cũng đạt tới mức ưu đẳng, cho nên Ngài mới cho gọi thầy Tăng Tử vào thư phòng mà dạy rằng:

– Sâm hồ! Ngô Đạo Nhứt dĩ quán chi!

Thầy Tăng Tử lãnh “Tâm Pháp” đắc ý, dạ một tiếng rồi lui ra, miệng cười chúm chím. Các vị đệ tử khác thấy Tăng Tử đắc ý bèn xúm lại hỏi han cớ sự.

Lúc đó thầy Tăng Tử có ý nghĩ rằng: Lý Đạo Nhứt dĩ quán chi cao xa quá, nếu nói thật ra cho các bạn đồng liêu nghe, sợ họ không lãnh hội nỗi mà phải hoang mang, nên thầy nãy ý nói trớ đi rằng:

– Phu Tử chi Đạo “Trung Thứ” nhi dĩ hỉ! Nghĩa là: Đạo của Đức Phu Tử chỉ là “Trung Thứ” mà thôi.

“Trung” nghĩa là trong lòng.
“Thứ” nghĩa là như lòng.

“Trung Thứ” không chi khác hơn là “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn“, nghĩa là: điều gì ta không muốn, không ưa, không thích, trái lẽ phải, trái công bằng, thì chớ nên đem ra mà thi thố đối với người khác. Đại ý câu này có nghĩa là cách đối xử với tha nhơn giống như đối xử với chính bản thân ta vậy. Tất cả đều do “Tấm Lòng“. Lòng ta ưa thích điều phải, thì nên lấy lẽ phải mà đối xử với người. Lòng ta không ưa điều quấy thì chớ nên lấy điều quấy mà đối xử với người. “Trong lòng” và “Như lòng” là Đạo “Trung Thứ“.

Trong Đạo Thiên Chúa, Đức Chúa Jésus cũng có dạy các môn đồ rằng:

– Ne faites-pas à autrui ce que vous ne voudriez pas qu’on vous fit: nghĩa là: Đối với người khác, ta không nên làm điều gì (trái lẽ) mà ý ta không muốn họ đối với ta như vậy.

Tư tưởng này chẳng khác gì Đạo Trung Thứ của Đạo Nho.

Nói tóm lại, trong hàng môn nhơn đệ tử của Đức Khổng Phu Tử có hai trình độ tu học:

1. Trình độ cao đẳng thì tu học theo “Hình Nhi Thượng” nghĩa là thượng thừa. Làm người đến bực thượng phẩm mới tiến lên học Đạo “Nhứt dĩ quán chi” mà tiến lên thang Cửu Phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật.

2. Trình độ trung đẳng thì tu học theo “Hình Nhi Hạ” nghĩa là trung và hạ thừa. Làm người đến bực trung phẩm chi nhơn thì phải năng hoàn chỉnh Nhơn Đạo rồi mới tiến lên từ “Trung Dung” qua “Nhứt Quán”. Nói tóm lại, muốn học làm Tiên Phật thì phải học cho thông cái Đạo Làm Người. Đạo Làm Người là điều kiện căn bản để tu học tiến hóa lên hàng siêu nhơn.


8. Từ Bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn:

Câu này có nghĩa là: – Đức Phật từ bi bác ái, dặn tín đồ phải có lòng thành và lòng nhơn. Đó là hạnh căn bản của người tu “Nhơn” học Phật.

Lòng thành: là lòng thành kính, ngay thật, đức tin kiên cố không giả dối không thái quá, không bất cập, thủy chung như nhứt không thay đổi. Chẳng những phải có lòng thành đối với Trời Phật, bởi vì “Tâm thành tắc hữu thần” mà đối với tha nhơn cũng phải có lòng thành, bởi vì “Lòng Thành” là đức tánh của bậc quân tử, của kẻ trượng phu.

Lòng nhơn: là lòng thương người giúp đời, bởi vì người chí nhơn là người giữ trọn “Tánh Trời” mới xứng đáng là đấng Làm Người trên thế nhơn thiên hạ.

Tiếng thông thường thì gọi là “lòng nhơn”. Nhà Phật thì gọi là “Từ Bi”, Tiên gia thì gọi là “Bác ái”.

Người tín đồ muốn giữ Đạo cho kiên cố thì phải theo lời Phật dặn, lập hạnh thành tín và từ bi bác ái . Đó là điều kiện căn bản để tiến hóa lên hàng siêu nhơn thánh triết.

Lòng thành hay lòng nhơn đều do “TÂM” cả. Đạo Phật dạy môn đồ quán “Tâm” mà ngộ Đạo và đắc Đạo. Đạo chỉ do nơi “Tấm Lòng” chớ không ở đâu xa cả.

Trong kinh “Đại Thừa Chơn Giáo“, THẦY có dạy như sau:


Đạo THẦY là ngọn Bửu Đăng,
Đạo soi sáng khắp như trăng đêm rằm.
Đạo thường ẩn núp nơi “TÂM”
Đạo đâu non núi mà tầm nhọc công.

Trong kinh “Vô Vi Pháp” có nói:

1. … Vào Đạo nghĩa là Đạo nhập “TÂM”
Đạo vào “Tâm Địa” khỏi sai lầm….

2. … Chữ “TU” ngoài miệng la rùm ỏi,
Ông “Phật” trong “TÂM” bỏ tối mò …

3. … Tu Phật, tu Trời, thêm rộn rực,
Tâm là Trời Phật, ở kề bên…


9. Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh:

Theo phép tu Tiên Đạo thì chú trọng về việc “Tu Chơn, dưỡng Tánh“.

Tu Chơn: Tu dưỡng Chơn Ngươn.
Chơn Ngươn: là Ngươn Tinh, Ngươn Khí, Ngươn Thần.

Trong kinh “Đại Thừa Chơn Giáo“, THẦY có dạy như sau:

Ngươn Thần, ngươn Khí, với ngươn Tinh,

Hiệp lại lâu lâu nó tượng hình,

Phá cửa Linh Đài vào bái Phật;

Ngũ Hành hiệp nhứt rất mầu linh.

Dưỡng tánh: tồn dưỡng cái “Thiên Tánh” của Trời phú cho tròn đầy, không biến sanh ra ma tánh, quỉ tánh, thú tánh, phàm tánh. Cái Tánh của Trời ban còn đầy đủ trọn lành, trọn giác gọi là “Thiên Tánh” hay là “Phật Tánh”. Kẻ phàm người thánh, kẻ tiên người tục, kẻ Phật người ma, chung qui chỉ khác biệt nhau vì cái “Tánh” mà thôi.

Người phàm thì tánh chất phàm phu, thánh hiền thì tánh chất thanh cao. Kẻ tiên thì thánh chất thanh tịnh nhẹ nhàng, người tục thì tánh chất động loạn nặng nề, kẻ Phật thì Phật tánh, người ma thì ma tánh. Tất cả đều lẫn lộn trong cõi trần gian này để học bài phân thanh khử trược. Cho nên mới có câu rằng:

“Ma Phật vò tròn viên Tạo Hóa.
Quỉ Thần nhồi lộn cục Càn Khôn“.

Tu Chơn dưỡng tánh phải làm như thế nào?

Trong kinh “Đại Thừa Chơn Giáo”, THẦY có dạy về phương pháp tu luyện. Tu chơn dưỡng tánh cũng có nghĩa là tu tánh luyện mạng.

Tu là gì?

THẦY dạy rằng:

– Tu là bồi bổ “TINH, KHÍ, THẦN” cho đầy đủ, đức tánh cho hoàn toàn, bỏ nhơn dục tầm đường Thiên Lý thuận mạng, giữ thanh tịnh ôn hòa, chỗ nào sức mẻ hư hao thì tô bồi cho đầy đủ.

Luyện là chi?

– Là trau giồi cho sáng suốt hoàn toàn, giủa mài rèn đúc cho trơn tru khéo léo. Tu mà không luyện thì chẳng khác chi một cục sắt không rèn làm sao thành một món khí giái. Luyện là rèn thì chẳng khác nào một cục sắt đó còn đương vô dụng. Luyện là phải nướng cho nó chảy, rồi đập, giủa rèn, đúc, cạo gọt cho thành một món khí giái. Người ta cũng vậy. Muốn cho huệ mạng tròn đầy sáng suốt thì cần phải phanh luyện, mài giủa ngày đêm cho thành Kim Thân Phật Tử. Ấy là phương pháp tu luyện.

Phép Tiên Đạo chú trọng về “Tu Tánh Luyện Mạng” nghĩa là phải tu cả hai phương diện “Tâm và Thân“.

Tu chơn: là luyện Mạng, bồi bổ chơn ngươn, luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hườn hư, luyện hư hườn Vô, hư vô tịch diệt mới thành chánh quả.

Dưỡng tánh: là tồn dưỡng “Thiên Tánh”. Thanh lọc phàm tánh trở lại Thiên Tánh. Thiên Tánh tròn đầy mới nên Tiên đắc Phật.


Muốn tu Tánh, luyện Mạng phải làm thế nào?

Trong kinh “Đại Thừa Chơn Giáo“, THẦY có dạy như sau:

“… Dễ gì làm đặng Phật Tiên!
Đặng là nhờ “Pháp bí truyền” mà thôi .
Ngoài ra thì khó mong rồi,
Tu không luyện mạng luân hồi hưởng an.
Dẩu nhiều công đức thế gian,
Sau này hưởng phước giàu sang với đời .
Dễ chi nhập đặng cửa Trời,
Dễ chi thoát khỏi luân hồi tử sanh.
Tại sao? Tại chẳng chí thành,
Kim Thân chẳng có, cao thanh khó về! …”

10. Một cội sanh ba nhánh in nhau:

Câu này có nghĩa là: Đạo Trời chỉ có “MỘT”, nhưng phân ra làm Ba Nhánh giống in như nhau.

In nhau: nghĩa là đồng nhau, không cao không thấp. Tuy là Ba Nhánh nhưng cùng “Một Cội“.

Một cội sanh ba nhánh là gì?

– Là: “Nhứt Khí hóa Tam Thanh”

Đạo từ nguyên thủy chỉ có Khí Hư Vô sanh ra ngôi “Thái Cực“. Thái Cực là Ngôi độc nhứt, Chủ Tể Càn Khôn vũ trụ.

Thái Cực phân ra Lưỡng Nghi để sanh hóa.
Thái Cực phân ra Tam Thanh để giáo hóa.
Thái Cực phân ra Ngũ Hành để dưỡng dục.
Thái Cực phân ra Bát Quái để biến hóa ra ngàn giống muôn vẽ trong càn khôn vũ trụ. Cho nên mới có câu:

“Nhứt Bản tán vạn thù.
Vạn thù qui Nhứt Bản”.

Có người hỏi rằng: Tại sao trên thế gian có trăm ngàn mối Đạo mà THƯỢNG ĐẾ chỉ qui có Tam Giáo?

Đáp: Xét về nguyên lý, trong Càn Khôn vũ trụ chỉ có “MỘT ĐẠO“. Cái Đạo đó là cái Đạo Nhứt Âm Nhứt Dương tạo dựng muôn loài vạn vật trong hoàn vũ. Cái Đạo đó được Đức Lão Tử mô tả như sau:

– “Có một vật hỗn hợp mà thành. Nó sanh ra trước Trời Đất, vừa trống rỗng, vừa yên lặng, đứng một mình mà không biến cải, trôi đi khắp mọi nơi mà không thôi, có thể làm Mẹ đẻ của thiên hạ. Ta không biết tên là gì, phải đặt tên Nó là ĐẠO, và gượng nói Nó là ĐẠI.”

ĐẠI ĐẠO lúc ban sơ là MỘT KHÍ. KHÍ vận chuyển tới mức tròn đầy thì Khí tự nhiên phân ra ba cõi Thanh gồm 3 ngành “PHẬT – THÁNH – TIÊN” có 3 vì THIÊN TÔN cai quản:

1. Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn (Đạo Tiên)

2. Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn (Đạo Thánh)

3. Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn (Đạo Phật)

Nói tóm lại, nguồn gốc của tất cả các Đạo ở thế gian là Phật – Thánh – Tiên, và nguồn gốc của Phật – Thánh – Tiên là THƯỢNG ĐẾ, hay là CHƠN LÝ tối thượng mà danh từ thường dùng kêu là ĐẠI ĐẠO.

Trong kinh “THIÊN ĐÀNG DU KÝ“, Đức Thái Thượng Đạo Quân giảng dạy như sau:

“Thời kỳ nguyên sơ chưa lập thành Càn Khôn Vũ Trụ, chưa phân ra Trời Đất, thì chỉ có một Khí Nguyên Thủy gọi là Tiên Thiên Hư Vô Hạo Nhiên chi Khí. Đó là thời kỳ hồng mông, hỗn mang hay hỗn độn. Vũ Trụ lúc đó chỉ còn là một khối mịt mờ trong Khí Tiên Thiên vô tận. Phật – Thánh – Tiên hoà hợp chung cùng một thể tỏa chiếu vô lượng hào quang xoay chuyển Hư Không, gọi là Người trên cõi mịt mờ, không tên, gọi là “Huyền Huyền Thượng Nhơn” hay là “Nguyên Thủy Thiên Vương“. Bởi địa vị tối cao đó nên còn được kêu là “THƯỢNG ĐẾ” thủy tổ của muôn loài vạn vật, hoặc CHA TRỜI, MẸ ĐẤT. Vì không biết tên nên gọi là “Huyền Huyền” (mờ mịt), vì không rõ gốc rễ nên gọi là “Nguyên Thủy” (ban đầu) tức là gốc của ĐẠI ĐẠO, của cõi KHÔNG TÊN.”

Hiểu tột Chơn Lý thì ĐẠO chỉ có MỘT. Một phân ra hai là ÂM và DƯƠNG gọi là THÁI CỰC phân LƯỠNG NGHI. Thái Cực phân ra Lưỡng Nghi để thể hiện quyền năng Tạo Hóa. Rồi lại phân ra ba gọi là Nhứt Khí hóa Tam Thanh để thể hiện quyền năng giáo hóa muôn loài.

– Nhứt Khí hóa Tam Thanh: một ĐẠI ĐẠO phân ra ba ĐẠO (Phật – Thánh – Tiên) là 3 cách giáo hóa và cứu độ chúng sanh để đem trở về nguồn gốc ĐẠI ĐẠO.

Ngày nay THƯỢNG ĐẾ qui ba mối ĐẠO về một gốc ĐẠI ĐẠO, là có ý dạy cho nhơn sanh qui về một gốc CHƠN LÝ, cùng nhìn nhận nhau một ĐẠO, một CHA, một NHÀ trong ĐẠI ĐỒNG nhơn loại.

Nói về mục đích và cứu cánh của ba Đạo thì:

1. Phật Giáo chú trọng về “Hư Vô Tịch Diệt“, dạy về “Bảo Trung Qui Nhứt” và nêu lên tôn chỉ “Tam Qui – Ngũ Giái“.

Tam Qui: Qui Y Phật, Qui Y Pháp, Qui Y Tăng (tức là Ngươn Thần, Ngươn Khí, Ngươn Tinh).

Ngũ Giái: nhứt bất sát sanh, nhì bất du đạo, tam bất tà dâm, tứ bất vọng ngữ, ngũ bất tửu nhục.

2. Tiên Giáo chú trọng về “Thanh Tịnh Vô Vi“, dạy về “Thủ Trung Đắc Nhứt” và nêu lên tôn chỉ “Tam Bửu – Ngũ Hành“.

Tam Bửu: Tinh – Khí – Thần (luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hườn Hư, luyện Hư hườn Vô, Hư Vô Tịch Diệt).

Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (trong thân người là Ngũ Tạng: Phế, Can, Thận, Tâm, Tì. Ngũ Tạng là Ngũ Hành có Ngũ Khí).

3. Nho Giáo chú trọng về “Tồn Tâm Dưỡng Tánh” dạy “Chấp Trung Quán Nhứt” và nêu lên tôn chỉ “Tam Cang – Ngũ Thường“.

Tam Cang: Quân Thần cang, Phụ Tử cang, Phu Thê cang (tức là Ngươn Thần, Ngươn Khí, và Ngươn Tinh trong bản thể).

Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Ba Đạo có ba cách dạy khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích và cứu cánh là độ dẫn nhơn sanh trở về nguồn gốc CHƠN LÝ tức là THƯỢNG ĐẾ vậy.


11. Làm người rõ thấu lý sâu;
12. Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.

Lý sâu: là Lý Đạo cao sâu mầu nhiệm.

Người học Đạo phải thông hiểu Giáo Lý để đạt tới Đạo Lý mà nhập vào Chơn Lý nếu không thì phải lầm lạc vào nẻo Bàn Môn Tả Đạo, hoặc là mắc vào tà kiến, rồi sanh tâm mê tín dị đoan.

Sửa lòng trong sạch: Lòng là “TÂM“. Người tu học phải qui Tâm ngộ Đạo nhưng trước tiên phải nhận biết TÂM là gì, nó ở đâu, phải sửa đổi cho Nó trong sạch, nhẹ nhàng, thanh tịnh, nhiên hậu mới phát sanh trí tuệ mà học Lý Đạo cao sâu mầu nhiệm của Tạo Hóa.

Sách có câu:

“Phàm tâm tử, Đạo tâm sanh.
Nhơn dục tịnh tận, Thiên Lý lưu hành.”

Người tu học phải nhận biết nơi mình, thế nào là “phàm tâm”? Thế nào là “đạo tâm”? Thế nào là “nhơn dục”? Thế nào là “Thiên Lý”? Hằng ngày phải giải tỏa cái phàm tâm để ứng dụng cái đạo tâm, lần hồi sẽ đạt Đạo giải thoát. Hằng ngày phải công phu thanh lọc cho nhơn dục tịnh tận thì cái Thiên Lý mới lộ bày. Hành đạo theo Thiên Lý thì mới gọi là giác.

Nếu con người cứ để cho phàm tâm lẩy lừng, nhơn dục chủ động thì thân tâm bế tắc, càng ngày càng đi xa Đạo Lý mà sa đọa trầm luân nơi sông mê bể khổ mãi mãi không lối thoát.

Tóm lại “Khai Kinh” là khai tâm mở tánh để cho trí đạo càng ngày càng mở mang phát triển. Chừng nào tụng kinh hiểu lý để tu hành cho đúng chánh lý thì sự đọc kinh mới thiệt bổ ích.

Trích: Kinh Tam Giáo Nhựt Tụng Diễn Giải
Biên Soạn: Thiện Trung Nguyễn Xuân Liêm

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng