Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ

Thứ sáu, 24/02/2023, 08:07 GMT+7

Dân gian thường nói: “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” nhằm để chỉ phương vị của Thanh  Long và Bạch Hổ trong Tứ Tượng. Ngay từ thời Tiên Tần, sách “Lễ Kí” đã chép: “Hành tiền Chu Tước nhi hậu Huyền Vũ; Tả Thanh Long nhi hữu Bạch Hổ”, “Chính Nghĩa” miêu tả thêm rằng: “Quân Minh sắp xếp quân đội dựa trên thiên văn. Trước nam, sau bắc, trái đông, phải tây tương ứng với Chu Tước, Huyền Vũ, Thanh Long và Bạch Hổ”. Chiếu theo Địa lý phương vị thì Thanh Long ở phía Đông, Bạch Hổ ở phía Tây, Chu Tước ở phía Nam và Huyền Vũ ở phía Bắc. Vì trong bản đồ, phương Bắc để ở bên trên. Khi xét vậy, lưng ta chính là phương Bắc nên thường gọi là “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ”.

Nguồn: Long Môn

Ảnh internet


Trong suốt lịch sử Trung Hoa, đặc biệt là nơi kinh đô Trường An vào thời nhà Đường, chúng ta vẫn từng nghe đến những cụm từ như “Chu Tước đại nhai”, “sự biến Huyền Vũ Môn”. Kinh thành Trường An cổ đại có bốn cổng. Cổng Chu Tước nằm ở phía Nam, cổng Huyền Vũ nằm ở phía Bắc, cổng Thanh Long ở phía Đông và cổng Bạch Hổ ở phía Tây. Các cổng này đã bị phá hủy trong các cuộc chiến loạn, sau đó nó bị thay đổi khi xây dựng lại. Thanh Long, hay nói chung đến biểu tượng con rồng được xem như là quyền lực tối thượng của triều đình phong kiến, đại diện cho hoàng đế. Bạch Hổ ở phía Tây mang ý nghĩa tang tóc, đặt tên cho cổng thành sẽ không mấy tốt lành. Vì hai lý do này nên các triều đại về sau không còn đặt tên các cổng thành là Thanh Long hay Bạch Hổ nữa. 

“Tam Phụ Hoàng Đồ”, quyển 3 có chép lại rằng: “Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, thiên chi tứ linh, dĩ chính tứ phương, vương giả chế cung khuyết điện các thủ pháp yên”. Nghĩa là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ là tứ linh trong cõi trời, nằm ở bốn phương, vương giả chế ra cung khuyết, điện các đều lấy đó mà làm theo. Thời xưa, cổ nhân chia bầu trời thành bốn phần Đông, Tây, Bắc, Nam, được hình thành bằng cách nối 7 ngôi sao chính ở mỗi phần. Vì vậy nên hình thành “Nhị thập bát tú” và “Tứ Linh”. Các tên gọi cũng được đặt tên theo hình dạng của chúng.

Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước là một khái niệm trừu tượng của thiên văn. Mãi đến thời nhà Hán, Đạo giáo tiếp thu và trở thành Tứ Linh. Với sự phát triển của tín ngưỡng dân gian, nó đã thâm nhập vào Đạo giáo, phong thủy, y học cổ truyền, kiến trúc và cả quân đội thời phong kiến. Trong số đó, Đạo giáo đã vận dụng Tứ Linh rộng rãi nhất.

Theo Đạo giáo: Thanh Long, hiệu là Mạnh Chương Thần Quân. Theo “Hoài Nam Tử”, Thanh Long có địa vị cao quý, đứng đầu Tứ Tượng. Thanh Long hành mộc, biểu trưng cho lòng nhân từ, đức hạnh, trấn phương Đông. Ngoài ra, ngài còn là biểu tượng cho mùa xuân, sinh khí và sức sống.  Bạch Hổ, danh hiệu trong Đạo giáo là Giám Binh Thần Quân. Bạch Hổ màu trắng, hành kim, tượng trưng cho phương Tây và mùa thu. Mùa thu có khí túc sát nên nhiều phạm nhận thời cổ đại cũng đều bị hành quyết vào mùa này. Đây được coi là nguyên nhân của truyền thống “Thu hậu vấn trảm” của cổ nhân (Thu hậu vấn trảm – thành ngữ - ám chỉ Xuân khánh Hạ thưởng; Thu phạt Đông hình). Vì vậy mà Bạch Hổ cũng được xem như vị thần của chiến tranh và chết chóc. 

Chu Tước, hiệu là Lăng Quang Thần Quân, hành hỏa. Đây là một vị thần trấn phương Nam, đại diện cho mùa hè. Nhiều người cho rằng Chu Tước là phượng hoàng, tuy nhiên nó lại hoàn toàn khác nhau. Chu Tước không tái sinh từ tro tàn, bản thân Chu Tước đã là một bậc bất tử. 
Huyền Vũ, danh hiệu là Chấp Minh Thần Quân, hành thủy, tượng trưng cho mùa Đông. Huyền Vũ là vị thần trấn phương Bắc.

Một số tài liệu khác cũng cho rằng biểu hiện khác của Tứ Linh vào thời Trung Hoa cổ đại là trong các công việc quân sự. Thời Chiến Quốc, đội hình hành quân bao gồm “Chu Tước ở phía trước, Huyền Vũ ở phía sau, Thanh Long bên trái, Bạch Hổ bên phải”. “Thập Tam Kinh Chú Sơ – Lễ Kí Khúc Lễ Thượng” nói: “Như điểu chi tường, như quy xà chi độc, long đằng hổ phấn, vô năng địch thử tứ vật”. Nghĩa là quân đội ấy linh hoạt như chim bay lượn, thiện chiến như rùa và rắn, mạnh bạo như rồng bay hổ lượn, không gì có thể địch lại bốn thứ ấy. Có thể thấy, vai trò của Tứ Linh được biểu hiện vô cùng to lớn.

Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước không đơn thuần là những vị thần trấn giữ bốn phương hay thần thú mà đó còn là những biểu tượng của cội nguồn văn hóa phương Đông nói chung và Trung Hoa nói riêng. Sức ảnh hưởng của Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước quả là to lớn vô cùng và nó đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ xưa đến nay. 
(Lược dịch từ: 道站)

admin
Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng