Tam Tổ Đạo Giáo

Thứ sáu, 24/03/2023, 22:09 GMT+7

Đạo giáo là một tôn giáo cố hữu của Trung Hoa, nằm lòng trong dòng chảy văn hóa, lịch sử của người dân nơi đây từ rất lâu đời. Đạo giáo có mối liên hệ mật thiết với văn hóa bản địa Trung Quốc, mang đặc trưng văn hóa Á Đông và tác động sâu sắc đến nhiều phương diện. Đạo giáo tôn Hoàng Đế làm Thủy tổ, Lão Tử làm Đạo tổ và Trương Đạo Lăng thiên sư làm Giáo tổ. Ba vị ấy được gọi là “tam tổ” của Đạo giáo.

Nguồn: Long Môn

Tam Thanh Đạo Tổ

1. Đạo giáo Thủy tổ - Hoàng Đế:
Thủy Tổ Hoàng Đế họ Công Tôn, bởi vì sinh ra ở vùng gò Hiên Viên nên còn thường được xưng gọi Hiên Viên Hoàng Đế. Theo Sử Ký – Phong Thiện Thư, thuyết rằng Xi Vưu vốn cùng thời với Hoàng Đế, là kẻ bạo ngược vô đạo, ác tính hiếu chiến, khiến thiên hạ sinh linh đồ thán, chư hầu đề căm phẫn. Sau đó, Hoàng Đế đã chiến đấu với Xi Vưu ở Trác Lộc với sự hỗ trợ của Phong Hậu và Lực Mục. Cuối cùng Xi Vưu bại trận, thiên hạ từ đây được hưởng thái bình. Hoàng Đế kế đó thôi toán lịch pháp, dạy dân nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, gieo hạt, tạo tác văn tự, định can chi, sáng chế y liệu. Vì những công lao to lớn đó, ông được mệnh danh là “Nhân văn sơ tổ”.

Sau khi thiên hạ được thái bình thịnh trị, Hoàng Đế có lòng muốn tầm tiền cầu Đạo nên đã đến núi Không Động (nay thuộc thành phố Bình Lương, tỉnh Cam Túc) để thỉnh cầu Quảng Thành Tử (tục truyền là thần tiên từ thời cổ đại) giảng giải những điều chưa từng nghe, biết. Theo “Tiên giám” quyển thứ hai, Hoàng Đế hỏi về đạo trị thân, Quảng Thành Tử đáp: “Chí Đạo chi tinh, yểu yểu minh minh; Chí Đạo chi cực, hôn hôn mặc mặc; Vô thị vô thính, bão thần dĩ tĩnh; Hình tướng tự chính, tất tĩnh tất thanh; Vô lao nhĩ hình, vô diêu nhĩ tinh, nãi khả dĩ trường sinh”. Cùng lúc trao cho Hoàng Đế một tập “Tự nhiên kinh”. Đây được xem là vị thánh hiền đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa tìm đến Đạo và tu tập theo những gì tiên nhân chỉ bảo được ghi chép bằng văn tự. Vì vậy, ông cũng được Đạo giáo tôn làm “thủy tổ”.
Năm thứ 4720 Đạo lịch mà chúng ta thường đề cập (tức năm 2023 Công Nguyên) chính là cách tính năm dựa trên thời điểm Hoàng Đế bái phỏng Quảng Thành Tử.

2. Lão Tử - Đạo tổ của Đạo giáo:
Lão Tử, họ Lý, danh Đam, tự Bá Dương, sinh vào thời Xuân Thu. Ngài là một triết gia vĩ đại, khai sinh ra trường phái Đạo gia. Tư tưởng của ông có sức ảnh hưởng to lớn đến chính trị, triết học, quân sự, tôn giáo và cả dưỡng sinh. Đạo Đức Kinh là do Lão Tử truyền lại cho Doãn Hỷ lúc đi qua Hàm Cốc quan. Nay, Đạo Đức Kinh được dịch ra làm trăm thứ tiếng, trở một trong số thành điển tịch lưu hành rộng rãi nhất Trung Hoa, ảnh hưởng sâu sắc văn minh Hoa Hạ hơn 2000 năm. Lão Tử được tôn là khai sơn chi tổ của Triết học Trung Hoa. Tư Mã Thiên nói: “Đạo gia sử nhân tinh thần chuyên nhất, động hợp vô hình, thiệm túc vạn vật. Kì vị thuật dã, nhân âm dương chi đại thuận, thải Nho-Mặc chi thiện, toát danh pháp chi yếu. Dữ thời thiên di, ứng vật biến hóa, lập tục thi sự, vô sở bất nghi. Chi ước nhi dịch thao, sự thiểu nhi công đa” (Sử Ký – Thái sử công luận lục gia yếu chỉ). Tây Hán Vương Phụ (84-86) “Lão Tử Thánh Mẫu Bi” thuyết: “Lão Tử giả, Đạo dã. Nãi sinh ư vô hình chi tiên, khởi vu thái sơ chi tiền, hành ư thái tố chi nguyên, phu du lục hư, xuất nhập u minh, quan hỗn hợp chi vị biệt, khuy thanh trọc chi vị phân”. Đông Hán Trương Đạo Lăng đã nói trong “Lão Tử Tưởng Nhĩ Chú” rằng: “Lão Tử nhất tán hình vi khí, tụ hình vi Thái Thượng Lão Quân”.

3. Giáo tổ - Trương Đạo Lăng Thiên Sư:
Trương Thiên Sư tên Trương Lăng, sinh năm 35 CN (Công Nguyên), đến năm 90 CN ngài tới Vân Cẩm Sơn tu tập đan pháp. Ngài ở tại đây trong vòng 3 năm trời thì đắc đan. Tương truyền, phép đan ngài đạt được chính là Cửu Thiên Thần Đan của Hoàng Đế. Điển cố nhắc lại rằng khi ngài tu đan tại núi Vân Cẩm, năm đầu tiên vùng đó trỗi dậy những ánh sáng dị thường. Đến năm thứ hai thì trên núi có phảng phất hình Thanh Long, Bạch Hổ. Đến năm thứ ba, lúc ngài đắc đan thì trên núi hiện lên rõ rệt hình tượng Thanh Long, Bạch Hổ bay lượn. Dân chúng nhân đó mà đặt tên núi thành Long Hổ Sơn. 
Sau khi sở đắc, Trương Đạo Lăng muốn đi truyền giáo pháp rộng rãi trong chúng sinh. Đến năm 141, ngài lập Ngũ Đấu Mễ Đạo. Bởi cảm lòng thành kính của ngài, năm 142, Lão Quân hạ giới truyền Chính Nhất Minh uy phẩm, kể từ đây, Thiên Sư Đạo chính thức thành lập, Đạo giáo được khởi sinh. Lại nữa, đến năm 155, Lão Quân lại hạ giới truyền cho ngài Bắc Đẩu Kinh – yếu quyết của phép diên sinh. Tại đây có một điểm cần lưu ý, Trương Thiên Sư đắc đan nhưng chưa phải đắc Chân, về sau nhờ ơn Đại Đạo mở lượng hồng từ, ban cho yếu quyết nên mới đắc Chân. Lại nữa, Ngũ Đấu Mễ Đạo chưa phải là Đạo giáo, chỉ có thể xem là tiền thân về mặt hành chính mà thôi. Đạo giáo thật sự khởi phát phải nhờ vào những gì mà Lão Quân truyền thụ! Cụ thể, Lão Quân truyền cho Trương Thiên Sư: Chính Nhất Minh Uy Phẩm Lục, Lạc Dương Trị Đô Công Ấn và Nam-Bắc Đẩu Kinh, Đạo giáo ta nương vào đây mà khởi giáo vậy!
Trương Thiên sư là Tổ Thiên sư, chính từ thuở ngài lập giáo mà giáo pháp Đạo giáo được hình thành. Và cũng từ đó mà các vị thiên sư, chân nhân về sau mới có nên. Xưng tụng ngài là “giáo tổ” tức hợp lẽ thường vậy!

admin
Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng