Tứ Ngự

Thứ bảy, 07/10/2023, 22:58 GMT+7

Tứ Ngự tức nói đến Thiên Hoàng Câu Trần Đại Đế, Bắc Cực Tử Vi Đại Đế, Nam Cực Trường Sinh Đại Đế và Hậu Thổ Nương Nương. Tổng xưng các vị là Tứ Ngự Tứ Hoàng Thượng Đế Kim Dung Ngọc Tướng Thiên Tôn.

1/Thiên Hoàng Câu Trần Đại Đế:

Thiên Hoàng Câu Trần Đại Đế ngự tại Đại La Thiên Thiên Cung. Trong Thiên Hoàng bảo cáo có đề cập thêm về “Câu Trần Thiên Cung”, kì thực Câu Trần thiên cung chỉ đơn thuần mô tả Thiên Hoàng ở nơi chòm sao Câu Trần. Ngài chính là tinh ba của 6 ngôi sao trong chòm ấy. Câu Trần Thiên Cung còn được gọi với danh xưng Nam Cực Giáng Tiêu Thiên Cung.

Có đoạn chép về uy quyền của Câu Trần Đại Đế rằng: “Thượng đô cửu thiên, nhật nguyệt tinh thần. Chung thống ngũ nhạc, thành hoàng uy linh. Hạ thông hà hải, thập nhị tuyền cục. Bắc phong cửu lỗi, thủy lục dương minh”. Thiên Hoàng Đại Đế cai quản Thiên - Địa - Nhân tam tài. Ngài thống chế “Lưỡng cực” Nam – Bắc. Nhờ đó, Ngài cũng có quyền cai quản tinh tú, chủ chấp lôi đình. Ngài cùng Tinh Chủ cai quản ngũ lôi, vận hành nhật nguyệt tinh cùng vạn hữu. Truyền thống văn hóa dân gian quan niệm Thiên Hoàng cai quản binh cách, chiến sự. Trong Đạo giáo, nơi Đại la Thiên có ba cửa thành. Bức thành trong cùng được quan niệm là do Thiên Hoàng Đại Đế chấp quản. Sớ văn thượng đạt Đấng Trời, phải thông qua ba cửa thành ấy vậy. Cho nên tiến trình trình sớ văn, có câu đề cương: “Cổ đả tam thông thiên môn khai/Phủng sớ đồng tử hạ dao giai/Phách khai tam bả hoàng kim tỏa/ Thỉnh xuất thánh giá sớ văn lai”.

2/Bắc Cực Tử Vi Đại Đế:

Tử Vi Đại Đế, ngự tại Tử Vi Tinh Cung, nơi Đại La Thiên Khuyết. Ngài là đấng ngự ở vị trí cao quý nhất nơi Bắc Cực. Nơi ngài ngự mang những tên gọi thông dụng như: Bắc Cực Tử Vi Trung Cung; Bắc Đế Khu Tả Viện (viết thành ấn dùng trên phù văn – là một ấn quan trọng của Chính Nhất); Tinh Chủ Thái Hư Cung.

Việc báo ứng nhân quả của con người thuộc quyền uy của Lôi Đình – thể hiện thông qua Lôi ti, Ôn bộ. Vả lại, Tử Vi Đại Đế là đấng “thống lĩnh ngũ lôi”, thế nên Ngài cũng chủ chưởng việc phán xét thời kì báo ứng của việc thiện ác chúng sinh. Đồng thời, Tử Vi Đại Đế hóa thân thành Phong Đô Huyền Khanh Đại Đế, chưởng quản Minh ti và Địa ngục. Nhân đó, đạo chúng mới tán thán Ngài là đấng: “Thượng thống chư thiên, Trung ngự vạn pháp, Hạ trị Phong Đô”. Quyền uy của Ngài có ở khắp thảy vậy.

3/Nam Cực Trường Sinh Đại Đế:

Nam Cực Trường Sinh Đại Đế là một trong 9 hóa thân của Nguyên Thủy Thiên Tôn trong hệ thống Cửu Tiêu. Ngài ngự tại Ngọc Thanh Thiên, Cao Thượng Thần Tiêu Phủ, Ngưng Thần Hoán Chiếu Cung. Nam Cực Trường Sinh Đại Đế nương nhờ Nguyên Thủy Tổ Khí mà phân chân, Ngài là đấng tự nhiên cao chân, dùng chính Diệu Đạo Hư Vô khai hóa quần phẩm. Điển cố tương truyền Nam Cực Trường Sinh Đại Đế giáng thánh lục cho Vương Văn Khanh Tổ sư, kế đó lập ra Thần Tiêu Phái. Thánh lục này chính là Thần Tiêu Ngọc Lục, nên nương tên ấy, Tổ sư đặt ra tên phái là Thần Tiêu. Trong một số truyền thống cổ lão có quan niệm Nam Cực Trường Sinh Đại Đế thống trị Cửu Tiêu, vậy nên Ngài cũng nắm giữ Lôi Đình. Điều này vẫn được công nhận và mang nhiều ý nghĩa riêng biệt.

Nam Đẩu lục tinh quân là các vị quản lý thế gian nhất thiết nhân, yêu, linh, thần, tiên đẳng sinh linh. Một số truyền thống cho rằng Nam Cực Trường Sinh Đại Đế Ngọc Thanh Chân Vương là vị quản hạt nam đẩu lục tinh quân. Vì vậy lục cung của Nam Đẩu đều thuộc thẩm quyền của Nam Cực Trường Sinh Đại Đế.

4/Hậu Thổ Nương Nương:

Trong các văn khấn dân gian, ta thường nghe “Hoàng Thiên Hậu Thổ”, “Hoàng Thiên” có thuyết nói là Ngọc Hoàng, lại có người truyền là Thiên Hoàng Đại Đế. Song, “Hậu Thổ” tuyệt nhiên chính là Hậu Thổ Hoàng Địa Chi.

Hậu Thổ ngự nơi Cửu Hoa Ngọc Khuyết cung, Thất Bảo Hoàng Phòng. Trong Hoàng Lục Đại Tiếu Lập Thành Nghi có ghi: “Hoàng dã, vạn sắc chi tổ dã”, màu vàng là trung tâm, là tổ tông của vạn sắc, nhằm biểu thị sự tôn quý của sắc này. Cửu Hoa Ngọc Khuyết hay Thất Bảo Hoàng Phòng đều là danh từ mỹ miều, ám chỉ sự tôn quý của vị tôn thần chủ quản nơi ấy - Hậu Thổ nương nương. Ngài là chủ tể, án ngự nơi đất đai này vậy!

Hậu Thổ nương theo Đức của Trời mà hành sự, lại chủ chấp quyền bính của âm dương trong tay. Ngài được xem như là vị tôn thần cai quản giao thoa của âm và dương. Bởi lẽ, nơi đất đai này, có âm dương giao hòa, vạn vật mới sinh dưỡng khắp cùng, hoa lá triển nở, thú vật sinh sôi. Sự chủ chấp âm dương mô tả Đức chan hòa và nuôi dưỡng chúng sinh. Như thế, Hậu Thổ có đức nhu thuận (nương theo Trời) nhưng không hẳn là thấp kém, mà đủ đầy uy nghiêm, vĩ đại, nuôi dưỡng vạn vật.

Nguồn: Long Môn

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng