Chung Ly Quyền tổ sư

Chung Ly Quyền tổ sư

Ngày 15 tháng 4 âm lịch, thánh đản Chung Ly Quyền tổ sư. Ngài là một trong Bắc Ngũ Tổ. Đệ tử nổi bật của ngài là Lữ Tổ - Lữ Động Tân và Lưu Tổ - Lưu Hải Thiềm.  Hán Chung Ly 汉钟离, tục gọi là “Chung Li Quyền” 钟离权, theo hệ truyền họ phức là Chung Li 钟离, tên Quyền 权, tự Vân Phòng 云房, .., hiệu Chính Dương Tử, còn gọi là Hòa Cốc Tử, là người Hàm Dương, nhà Hán. Tổ sinh nhằm triều Đông Hán nên còn gọi Hán Chung Ly. Tổ thân hình phi phàm, văn võ toàn tài, thân cao tám xích, làm quan đến Đại tướng quân. Sau Tổ vào núi Chung Nam, tương ngộ Đông Hoa Đế Quân, từ đó được truyền thụ Đạo pháp. 

Nguồn: Long Môn

ảnh internet

Sau đó, Tổ ẩn cư trong Dương Giác sơn, Tấn Châu, tự xưng “Thiên hạ đô tán Hán Chung Ly Quyền”, ý là “Thiên hạ đệ nhất nhàn tán hán tử”. Toàn Chân Đạo tôn Ngài là Bắc Tông Đệ Nhị Tổ. Ngài cũng là một trong Bát Tiên của Đạo giáo Chung Ly Quyền được Đông Hoa Đế Quân thụ dĩ xích phù ngọc triện, kim khoa linh văn, đại đan bí quyết, chu thiên hỏa hầu, thanh long kiếm pháp. Sau Tổ gặp Hoa Dương Chân Nhân, được thụ Thái Ất Đao Khuê, Hỏa phù kim đan, đốn ngộ huyền huyền chi đạo. Cuối cùng, tại Không Động sơn, Tổ trong một hang động đắc ngộ Hiên Viên Hoàng Đế sở tàng ngọc hạp bí quyết, toại bậc chân tiên. Về sau, Tổ du ngoạn Lư Sơn, độ Lữ Động Tân, truyền thụ Thiên độn kiếm pháp, Long hổ kim đan bí văn. Hậu hình thành Chung Lữ Kim Đan Phái, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của Đạo giáo thời Tống, Nguyên. Chung Ly Tổ thụ độ Lữ Động Tân xong, quay trở lại Lư Sơn, lên tam cấp hồng lâu mà nghiễm nhiên phi thăng. Có thơ tán viết:
“Thiết địch tằng vân khóa hổ tiên
Kim đan thân hướng đế quân truyền
Lâm hành phó dữ Thuần Dương Tử
Tam cấp hồng lâu thượng bích thiên”.

Tổ để lại các tác phẩm “Hoàn đan ca”, “Phá mê chính đạo ca”. Nguyên Thế Tổ phong hiệu “Chính Dương Khai Ngộ Truyền Đạo Chân Quân”. Nguyên Võ Tông gia phong “Chính Dương Khai Ngộ Truyền Đạo Trọng Giáo Đế Quân”.
Chung Ly Tổ độ Lữ Động Tân:

Lữ Nham vốn là một kẻ thuộc dòng dõi nho gia, từ sớm đã thông tường tư tưởng bách gia. Ấy vậy, chí hướng của Ngài lại lạ đời, truy cầu Đạo học. Tuy Ngài tài tình là vậy, nhưng lên kinh ứng thi nhiều bận mà chẳng đỗ đạt.
Năm kỷ mão 859 ( lúc đó ngài 64 tuổi), khi từ Trường An dự thi trở về, dừng chân tại một quán nhỏ ven đường, Ngài thán rằng: "Ngày nào mới đắc đệ ( thi đỗ) để thoả lòng mẹ cha, ngày nào mới đắc Đạo để thoả lòng ta?". Bên cạnh có một vị lão đạo, nghe vậy bèn nói: " Anh đây là có ý thoát tục sao?". Lữ gia quay sang thì thấy một đạo nhân tư chất bất phàm, phục trang có phần dị biệt.  Cũng lúc đó, lão đạo thản nhiên ngâm 4 câu thơ:
"Toạ ngoạ thường huề tửu nhất hồ
Bất giáo song nhãn thức hoàng đô
Càn khôn hứa đại vô danh tính
Sơ tản nhân gian nhất trượng phu"

Thấy ý thơ đẹp đẽ, Lữ gia chấn động đứng dậy mà hỏi quý danh. Lão đạo đáp Ngài họ Chung Ly, tên Quyền, tự hiệu Vân Phòng, lại còn cười kêu Lữ gia đối lại thơ mình. Trầm ngâm một hồi, Lữ sinh bèn trần tình:
"Sinh nhật nho gia ngộ thái bình
Huyền anh trùng trệ bố y kinh
Thùy năng thế thượng tranh danh lợi
Thần sự Ngọc Hoàng quy Thượng Thanh."

Vân Phòng nghe vậy cười thầm, nhân đó mang gạo Hoàng Lương (hạt kê) bèn ngỏ ý tự nấu mời Lữ gia. Đồng ý, Lữ gia ngồi cạnh đó mà nhìn khói lửa, thiếp đi vào mộng lúc nào chẳng hay. Trong mộng, Lữ gia mơ rằng mình được sinh ra lần nữa. Đến năm 40 thi cử đỗ đạt, quan lộ hanh thông, đã thế còn có vợ đẹp con khôn sum vầy. Đang độ hưng thịnh, thì bị tội nặng, truất phế quan chức tiền tài, vợ con ly tán, một thân bơ vơ trở thành kẻ hành khất. Đang trong cơn đói khổ cơ hàn, Ngài thấy có mùi Hoàng Lương thơm ngát, bèn tự nhiên tỉnh mộng. 
Vân Phòng cười nói: 
" Hoàng Lương do vị thục, 
Nhất mộng đáo hoa tư". 

Chưa hết ngạc nhiên vì Vân Phòng biết mình mơ, Tiên sinh lại tiếp: "Anh trong mộng 50 năm đã thấy rõ hồng trần rồi chứ? Tất là đều là một giấc mộng. Mộng là thực, thực cũng là mộng vậy!"
Lữ Động Tân từ đó bái Chung Ly tổ sư làm thầy mình, đi theo ngài mà học tập lẽ Đạo.

Chung Ly Quyền độ Lưu Hải Thiềm: Lưu Hải Thiềm Tổ Sư là người Yên Sơn – Bắc Kinh ngày nay. Năm 17 tuổi, Tổ thi đỗ Giáp khoa, quan lộ hiển đạt, thăng đến chức Thượng tướng trở thành người chỉ dưới quyền của vua lúc bấy giờ. Tuy ngài tinh thông nho học, quan trường hiển đạt, nhưng lại hiếu bàn Chân Đạo. Thường xuyên có các đạo sĩ, tán nhân qua lại viện phủ bàn luận Đạo pháp cùng ngài. Đến một hôm, có Đạo nhân hiệu Vân Phòng đến tá túc, Lưu gia tiếp đón nồng hậu, lại bỏ thời gian để ngồi lại và đàm đạo cùng. Bỗng Vân Phòng tiên sinh yêu cầu Lưu gia mang đến cho ông mười quả trứng và mười đồng xu. Đoạn, y lần lượt xếp chồng xu và trứng lên nhau thành một cột. Thấy vậy, Lưu gia hoảng hốt mà cảm thán: “Thật nguy hiểm”.  Vân Phòng tử bèn nói: “Ông cũng biết như vậy là nguy hiểm sao? Gia tộc ông cũng đang trong hoàn cảnh này vậy”. Sau đó, Vân Phòng cẩn thận gỡ trứng xuống đặt lên bàn rồi bẻ đôi các đồng xu mà ném ra ngoài sân. 

Đêm hôm đó, Lưu gia nghĩ đi nghĩ lại về dụ ngôn này trong lòng. Tới sáng ngài quyết tâm mang ấn, mũ trả lại cho triều đình mà từ quan. Đến nhà, vợ con hay tin thì khinh chê hắt hủi. Nhưng Tổ không quan tâm, giả thành kẻ điên, dùng vẻ ngoài lôi thôi tệ hại mà ngao du khắp nơi như dạng thất cái. Sau lại ẩn cư ở núi Chung Nam được Lữ Động Tân tổ sư truyền thụ đan pháp, nhờ đó mà tu chứng huyền công. Lưu tổ thần hóa đa đoan, tế dân cứu khổ vô số.
Ngẫm ngợi một chút về câu chuyện đồng xu và quả trứng. Nếu phải xếp mười quả trứng thẳng đứng lên nhau thì có được không? Không, tất nhiên. Nhưng ở mỗi quả trứng ta lại xếp một đồng xu, chẳng mấy chốc là lại xếp được cả mười quả. Nhưng khổ nỗi thay, cách xếp này không thể giúp mười quả trứng ấy đứng một cách vững vàng. Nó có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, hậu quả tất yếu là sẽ bể vài quả trứng hoặc vỡ tất cả nếu kém may mắn. Thực tế một chút, nếu quả trứng tượng trưng cho tính mệnh của con người, đồng xu lại tượng trưng cho tất cả các phù vinh nơi nhân thế. Khởi đầu là một quả trứng, nhưng ta thích sự ngưỡng mộ của kẻ khác, thích những điều trào phúng của thế gian, nó thúc đẩy ta cố gắng đi lên một điểm cao hơn, ta chồng thêm một quả trứng khác lên mình. Ta cứ cố gắng, càng cao, càng tốt. Ta vịn vào những giá trị giả tạm, những giá trị mà ta không thể hoàn toàn kiểm soát được sự còn mất, thật ảo. Để rồi một ngày, những đồng xu không còn, điểm tựa đã mất, trứng kia sẽ vỡ, vậy tính mệnh ta phải chăng sẽ nguy hại hay như quả trứng kia?

Thân lạy đức Chính Dương Tổ Sư! Khi xưa Ngài lấy hương Hoàng Lương mà thức tỉnh Lữ Tổ trong cơn mê, lấy tiền xu điểm hóa Lưu Tổ như thế nào thì nay, khấn xin Ngài cũng khơi dậy Đạo Tâm trong chúng đệ tử như vậy. Xin cho hồn xác chúng đệ tử trở nên làm một với Đạo là Đấng mà Ngài hằng ấp ủ và chúng đệ tử hằng ước ao. 
______________________________________
Chính Dương Bảo Cáo
Chí tâm quy mệnh lễ

Hoàng nha đắc đạo, bạch tuyết thành chân
Phối thủy hoả vu nhất khí chi trung
Vận âm dương vu tam hoa chi đỉnh
Vô vô hư tịch, miểu miểu ngưng huyền.
Thai tức đao khuê, thục ngộ bản lai chi thể
Anh nhi sá nữ, thùy tri linh phủ chi thai
Độ chúng sinh vu dục hải chi ba
Tứ nhụy châu vu vân tiêu chi biểu
Hoành nguyện bất cùng, hiếu sinh thường niệm
Đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ
Chính dương kế phái, 
Chung Nam động thiên đế chủ, Phi Hành Cứu Kiếp Thiên Tôn