Tam Quan Đại Đế là ba vị thần tối cao của Đạo giáo. Các ngài bao gồm: Thượng Nguyên Tứ Phúc Thiên Quan (thọ nhật ngày Rằm tháng Giêng – tháng khởi đầu mùa xuân); Trung Nguyên Xá Tội Địa Quan (thọ nhật ngày Rằm tháng Bảy – tháng khởi đầu mùa thu); Hạ Nguyên Giải Ách Thủy Quan (thọ nhật ngày Rằm tháng Mười – tháng khởi đầu mùa đông).
Tiên tượng Tam Quan Đại Đế
- Thiên Quan Đại đế: Thượng Nguyên Nhất Phẩm Cửu Khí Tứ Phúc Thiên Quan Diệu Linh Nguyên Dương Đại Đế.
- Địa quan Đại đế: Trung Nguyên Nhị Phẩm Thất Khí Xá Tội Địa Quan Đỗng Linh Thanh Hư Đại Đế.
- Thủy Quan Đại đế: Hạ Nguyên Tam Phẩm Ngũ Khí Giải Ách Thủy Quan Kim Linh Đỗng Dương Đại Đế.
Tam Quan Đại Đế là những vị “tất tế tôn thần”, nghĩa là nhất định phải phụng thờ, thân tấu trong các hoạt động tôn giáo của Đạo giáo. Há chẳng nghe câu: “Diệt tội tiêu khiên, ngưỡng lại Đạo Kinh Sư tam bảo; Khảo công hiệu lục, khải ly Thiên Địa Thủy tam quan?” đây ư? Địa vị của Tam Nguyên Thiên Tôn trong Đạo giáo và mở rộng ra là nền văn hóa Á Đông là điều không thể chối cãi.
Tam Quan Đại Đế sinh tự Vô cực, xuất tự Thái cực. Ngài từ chân khí kết thai, chu hồi trong Nguyên Thủy Thượng Đế mà tựu thành chí chân, hiển nhiên là các bật Tự Nhiên Tôn Thần. Trong hàng ngũ tiên ban, một số truyền thống tin nhận Tam Quan Đại Đế chỉ dưới Tam Thanh và Ngọc Hoàng.
Ở một số truyền thống, phàm khi khai khởi pháp hội từ ba hôm trở lên, đạo chúng buộc phải lễ tiến Tam Nguyên Triều Khoa, Tam Nguyên Ngọ Triều Khoa, Tam Quan Chân Kinh, Tam Nguyên Pháp Sám… Bất cứ các hoạt động tiếu sự cầu giải nhương tai ách, tứ phúc xá tội hay thậm chí là bạt độ u linh, cũng khó lòng mà tách rời Tam Quan Đại Đế, thường tín nhận các Ngài là thượng thần minh chứng vậy! Khi quy y truyền độ, hay quan căn xuất gia, hoặc thụ nhận kinh pháp cũng phải trình báo Tam Quan Đại Đế vậy!
Trong nền văn hóa Á Đông, tín ngưỡng Tam Nguyên và các dịp Tam Nguyên Tiết vốn đã có từ lâu đời. Tam Nguyên tiết được các nước đồng văn như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc… kính mừng. Tại Việt Nam, ta vẫn hay nghe những lưu truyền về lễ hội truyền thống này như: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Bảy”, “Tháng sáu buôn nhãn bán trâm/Tháng bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”, “Rằm tháng Mười, mười người mười quả”,… Từ những năm đầu Công Nguyên, việc tế tự Tam Quan đã xuất hiện trong đời sống vua chúa, kể cả thứ dân. Đời Đông Hán, Ngũ Đấu Mễ Đạo có Tam Quan Thủ Thư. Đời Võ Tắc Thiên, bà cũng là người đích thân đoan giản tế lễ Tam Quan. Cho đến thời hiện đại, thường trên một số nhà (phần đa là người Hoa) thường treo biển “Thiên Quan Tứ Phúc”, kỳ thức đó không chỉ là thờ kính riêng Thiên Quan, mà cũng là biểu trưng cho sự hiện diện của Tam Nguyên Thiên Tôn vậy! Những minh chứng gần gũi và sống động trên đã phần nào nói lên được vị thế cao trọng Tam Quan Đại Đế án ngự nơi đời sống quần sinh!