Quán Thế Âm Bồ Tát

Quán Thế Âm Bồ Tát

Quán Thế Âm Bồ Tát chính là một trong 4 vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại Thừa. Ngài với hạnh nguyện từ bi, cứu khổ cứu nạn, sẵn sàng cứu vớt tất cả mọi chúng sanh nếu niệm danh hiệu của Ngài và Quan Âm Bồ Tát thường đứng cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát bên cạnh Đức Phật A Di Đà.

Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

Hàm nghĩa xưng hiệu "Quan Thế Âm"

Quan Thế Âm 观世音, là dịch ý từ Phạm văn Avalokitesvara (A Bà Lô Kiết Đê Xá Bà La 阿婆卢吉低舍婆罗), còn dịch là “Quang Thế Âm” 光世音, “Quan Tự Tại” 观自在, “Quan Thế Tự tại” 观世自在. Thời Đường, vì tị huý Thái Tông Lí Thế Dân 太宗李世民, đã lược bỏ chữ “thế” 世, giản xưng là “Quan Âm” 观音, và được dùng cho đến hiện nay. “Quan Thế Âm” 观世音 là sáng tạo của phiên dịch gia Trung Quốc về kinh Phật. Vì sao họ lại tạo ra danh hiệu mà đã khiến người ta hao phí công sức để hiểu? Nguyên lai là họ đã căn cứ vào cách nói trong kinh Phật.

Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm 妙法莲华经 - 观世音菩萨普门品 có nói:  Quan Thế Âm dĩ hà nhân duyên danh “Quan Thế Âm”? Phật cáo Vô Tận Ý Bồ Tát: Thiện nam tử, nhược hữu vô lượng bá thiên vạn ức chúng sinh thọ chư khổ não, văn thị Quan Thế Âm Bồ Tát, nhất tâm xưng danh, Quan Thế Âm Bồ Tát tức thời quan kì âm thanh, giai đắc giải thoát.

          观世音以何因缘名 “观世音”? 佛告无尽意菩萨: 善男子, 若有无量百千万亿众生受诸苦恼, 闻是观世音菩萨, 一心称名, 观世音菩萨即时观其音声, 皆得解脫.

          (Quan Thế Âm vì nhân duyên nào mà có danh “Quan Thế Âm”? Đức Phật nói với Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử, nếu như có vô lượng bá thiên ức vạn chúng sinh chịu các khổ não, nghe được danh hiệu Quan Thế Âm, một lòng xưng danh, Quan Thế Âm Bồ Tát tức thời nghe được âm thanh đó, nên đều được giải thoát.)

Trong Chánh Pháp Hoa Kinh – Quang Thế Âm Phổ Môn Phẩm 正法华經 - 光世音普门品 nói rằng: Nhược hữu chúng sinh, tao ức bá thiên cai ….. (1) khốn ách, hoạn nạn, khổ độc vô lượng, thích văn Quang Thế Âm Bồ Tát danh giả, triếp hữu giải thoát, vô hữu chúng não.

          若有众生, 遭亿百千….. (1) 困厄, 患难, 苦毒无量, 适闻光世音菩萨名者, 辄有解脫, 无有众恼.

          (Nếu có chúng sinh, gặp phải ức bá thiên khốn ách, hoạn nạn, khổ độc vô lượng, nghe được danh hiệu Quang Thế Âm Bồ Tát, liền được giải thoát, không còn có các phiền não)

          Tăng Triệu 曾肇thời Đông Tấn trong Chú Duy Ma Cật Kinh 注维摩诘經nói rằng:

          Thế hữu nguy nan, xưng danh tự quy, Bồ Tát quan kì âm thanh, tức đắc giải thoát dã. Diệc danh Quan Thế Niệm, diệc danh Quan Tự Tại dã.

          世有危难, 称名自归, 菩萨观其音声, 即得解脫也. 亦名观世念, 亦名观自在也.

          (Đời nếu gặp lúc nguy nan, xưng danh tự quy hướng, Bồ Tát sẽ nghe thấy âm thanh, tức sẽ được giải thoát. Cũng gọi là Quan Thế Niệm, cũng gọi là Quan Tự Tại.)

Chính là nói, Quan Thế Âm thần thông quảng đại, lúc chúng sinh gặp khổ gặp nạn, xưng tụng danh hiệu của Ngài, Ngài sẽ “quan” 观âm thanh đó, lập tức đến giải cứu. Danh xưng “Quan Thế Âm” đã hiển thị một vị Bồ Tát đại từ đại bi, và thần thông vô biên. Thanh âm không cần nghe mà chỉ “quan” liền biết, là tuyệt chiêu của Quan Thế Âm, đó thuộc về công năng thần dị.

Dùng mắt để “quan” 观 âm (âm thanh), đối với thế tục mà nói là điều không thể lí giải, nhưng trong Phật giáo lại có lí luận “lục căn hỗ dụng” 六根互用, không những dùng mắt để quan âm thanh, mà còn có “quan” hương (mùi thơm), “quan” vị (mùi vị). Gọi là “lục căn” 六根 tức 6 cảm quan cùng công năng của 6 cảm quan đó, đó là nhãn 眼 (mắt), nhĩ 耳 (tai) tị 鼻 (mũi), thiệt 舌(lưỡi), thân 身, ý 意. “Căn” 根có nghĩa là “năng sinh” 能生, như “nhãn căn” 眼根 có thể nhận biết sắc, “nhĩ căn” 耳根 có thể nghe âm thanh, “tị căn” 鼻根 có thể ngửi mùi, “thiệt căn” 舌舌根 có thể nếm, “thân căn” 身根 có thể tiếp xúc …

Phật giáo cho rằng, “lục căn” tức gốc rễ của sinh tử, siêu thoát sinh tử, cần phải thanh trừ ô cấu của “lục căn”, tu trì bố thí, giữ giới … các loại công đức, để đạt đến cảnh giới “lục căn thanh tịnh” 六根清净. Lục căn đã thanh tịnh rồi, sẽ hiển phát các diệu dụng. Không những công năng của mỗi lục căn tăng cường, mà còn có thể tiến lên và đạt đến cảnh giới cao cấp “lục căn hỗ dụng” 六根互用. Tức bất cứ căn nào trong lục căn cũng đều có thể có tác tác dụng thay thế các căn khác. Như Lai Phật 如来佛 ở lục căn hỗ dụng đã đạt đến trình độ cực viên mãn. Trong Niết bàn kinh 涅槃经có chép:

          Như Lai nhất căn tắc năng kiến sắc, văn thanh, khứu hương, biệt vị, tri pháp. Nhất căn hiện nhĩ, dư căn diệc nhiên.

          如来一根則能见色, 闻声, 嗅香, 別味, 知法. 一根现尔, 余根亦然.

          (Như Lai Phật với một căn cũng có thể thấy sắc, nghe thanh, ngửi mùi, phân biệt vị, biết pháp. Một căn hiện, các căn khác cũng như vậy.) …..

Trong Đại Phật đính thủ Lăng Nghiêm kinh 大佛顶首楞严經 quyển 4 có nói đến công năng đặc biệt dị thường về lục căn hỗ dụng của mấy vị Bồ Tát:

          A Na Luật Đà vô mục nhi thị, Bạt Nan Đà Long vô nhĩ nhi thính, Cạnh Hà thần nữ phi tị nhi văn, Kiêu Phạm Bát Đề dị thiệt tri vị, Thuấn nhược đa thần vô thân giác xúc.

          阿那律陀无目而视, 跋难陀龙无耳而听, 殑河神女非鼻而闻, 骄梵鉢提异舌知味, 舜若多神无身觉触.

          (A Na Luật Đà không có mắt mà nhìn thấy, Bạt Nan Đà Long không có tai mà nghe được, Cạnh Hà thần nữ không có mũi mà ngửi được, Kiêu Phạn Bát Đề lưỡi khác lạ mà biết mùi vị, Thuấn như đa thần không có thân mà cảm giác được.)

          Nhưng bản lãnh của mấy vị Bồ Tát đó còn kém xa với Quan Âm Bồ Tát, Ngài dùng mắt mà quan sát được tiếng kêu cứu của chúng sinh trong trần thế gặp khổ nạn, liền tức thời đến giải cứu.

          Quan Âm Bồ Tát còn có danh hiệu là “Quan Tự Tại” 观自在. “Quan Tự Tại” có ý nghĩa gì?

          Phật giáo tuyên dương đại niết bàn có tứ đức là “thường lạc ngã tịnh” 常乐我净, tức cảnh giới vĩnh hằng, điềm tĩnh, tự tại và thanh tịnh.

          Phật Bồ Tát phá trừ liễu thế tục các chủng vô minh phiền não, danh vi “Đắc đại tự tại”.

          佛菩萨破除了世俗各种无明烦惱, 名为 “得大自在”.

          (Phật và Bồ Tát phá trừ được các loại vô minh phiền não, có danh hiệu là “Đắc đại tự tại”.

          Giải thoát được một cách triệt để những trói buộc, có thể chủ tể cái “ngã” 我 một cách đầy đủ, gọi đó là “tự tại” 自在, cũng tức là “ngã đức” 我德 mà tứ đức nói đến ở trên.

          “Quan Tự Tại” 观自在là cách dịch của ngài Đường Huyền Trang 唐玄奘. Như trong “Tâm kinh” 心經có nói:

          Quan Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn (1) giai không, độ nhất thiết khổ ách.

          观自在菩萨行深般若波罗密多时, 照见五蕴皆空, 度一切苦厄.

          (Bồ Tát Quan Tự Tại khi thực hành thâm sâu về Bát Nhã Ba la mật, soi thấy năm uẩn đều không, nên đã vượt qua được hết mọi khổ ách)

          Hàm ý “Quan Tự Tại” 观自在có hai tầng nghĩa:

          -Một là biểu thị “đại trí tuệ” 大智慧, hiển thị một cách đầy đủ công năng Ngài có thể hoàn toàn “tự tại” 自在mà “quan” 观sát  sự lí vô ngại.

          -Hai là biểu thị “đại từ bi” 大慈悲, Bồ Tát ứng cơ phó cảm, tầm thanh cứu khổ, tùng tâm sở dục, dứt hết mọi chướng ngại.

          Quan Âm Bồ Tát “thần” như thế, vậy thì lai lịch của Ngài như thế nào?

          Trong “Hồng lâu mộng” 红楼梦hồi thứ 50, Lí Hoàn 李纨 ra một câu đố:

Quan Âm vị hữu gia thế truyện. Đả “Tứ thư” trung nhất cú.

观音未有家世传. 打”四书”中一句

          (Chưa từng có truyện ghi chép về gia thế của Quan Âm. Hãy tìm một câu trong “Tứ thư”.)

          Đại Ngọc 黛玉cuối cùng đoán được, đáp án là:

Tuy thiện vô trưng.

虽善无征

          Câu này xuất từ thiên “Trung dung” 中庸trong “Lễ kí” 礼记:

Thượng yên giả tuy thiện vô trưng.

上焉者虽善无征

          Ý nói lễ chế của tiên vương tuy tốt đẹp nhưng không chứng thực. Chữ “trưng” 征ở đây nên giảng là “trưng nghiệm” 征验, “chứng thực” 证实. Ý của câu đố là chỉ lai lịch của Quan Âm, sinh bình không thể tra khảo.

          Sự thực xác thực như thế. Quan Thế Âm cũng giống như các vị Bồ Tát khác, là do tín đồ tạo ra. Nguyên mẫu ban đầu là vị Song Mã Đồng Thần 双马童神của Ấn Độ cổ.   (Hết)

Chú của người dịch

1-Ngũ uẩn 五蘊 / 五蕴: tức năm uẩn. Theo “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn, là năm món tích tụ, hoà hiệp lại làm thanh thân tâm của người ta, của chúng sanh. Chúng nó che khuất chơn lí, khiến chúng sanh luân hồi, thọ khổ. “Ngũ uẩn” là:

-Sắc: ngũ căn, ngũ trần và những vật hữu hình.

-Thọ: Đối cảnh, bèn thọ cái cảm vui sướng hoặc buồn khổ.

-Tưởng: Đối cảnh, nhận ra sự đen, trắng, nhỏ, to, dài, vắn, đờn ông, đờn bà.

-Hành: Đối cảnh vật, đem lòng ham muốn hoặc ghét giận.

-Thức: Đối cảnh, bèn hiểu biết, phân biệt sự vật.

 

Quán Thế Âm Bồ Tát có bao nhiêu danh hiệu?

Danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát rất nhiều, những danh hiệu này đều là danh hiệu phiên dịch, do các vị cao tăng Tây Vực, cao tăng Trung Quốc đến Ấn Độ thỉnh kinh, khi Phật giáo truyền sang phía đông. Các vị cao tăng đem những kinh điển Phạn văn của Ấn Độ có tương đối sớm dịch sang kinh điển Phật giáo. Từ những kinh điển này, chúng ta có thể thấy những danh hiệu khác nhau của Quán Thế Âm.

- Quán Âm 观音: xuất hiện trong Thành Cụ Quang Minh Định Ý Kinh 成具光明定意经 do ngài Chi Diệu 支曜 thời Hậu Hán dịch vào năm 185. Trong Pháp Hoa Kinh – Phổ Môn Phẩm 法华经 - 普门品 do ngài Cưu Ma La Thập 鸠摩罗什 thời Hậu Tần dịch vào năm 406. Trong Đại Phật Đính Thủ Lăng Nghiêm Kinh 大佛顶首楞严经 do ngài Bồ Đề Lưu Chí 菩提流志 thời Đường dịch vào năm 705, cùng trong Bi Hoa Kinh 悲华经, Hoa Nghiêm Kinh 华严经, Quán Âm Bồ Tát Thọ Kí Kinh 观音菩萨授记经.
- Khuy Âm 闚音: trong Duy Ma Cật Kinh 维摩诘经 do ngài Ngô Chi Khiêm 吴支谦 dịch vào khoảng năm 223 đến năm 253.
- Quán Thế Âm 观世音: trong Vô Lượng Thọ Kinh 无量寿经 do ngài Khương Tăng Khải 康僧铠 thời Tào Nguỵ dịch vào năm 252. Trong Pháp Hoa Kinh – Phổ Môn Phẩm 法华经 - 普门品 do ngài Cưu Ma La Thập 鸠摩罗什 thời Hậu Tần dịch vào năm 406. Trong Đại Phật Đính Thủ Lăng Nghiêm Kinh 大佛顶首楞严经 do ngài Bồ Đề Lưu Chí 菩提流志 thời Đường dịch vào năm 705, cùng trong Bi Hoa Kinh 悲华经, Hoa Nghiêm Kinh 华严经, Quán Âm Bồ Tát Thọ Kí Kinh 观音菩萨授记经.
- Quang Thế Âm 光世音: trong Chánh Pháp Hoa Kinh 正法华经 bản 10 quyển do ngài Trúc Pháp Hộ 竺法护 người Tây Vực dịch vào năm 286.
- Hiện Âm Thanh 现音声: trong Phóng Quang Bát Nhã Kinh 放光般若经 do ngài Vô La Xoa 无罗叉 thời Tây Tấn dịch vào năm 219.
- Quán Thế Tự Tại 观世自在: trong Pháp Hoa Kinh Luận 法华经论do ngài Bồ Đề Lưu Chi菩提流支 thời Hậu Nguỵ dịch vào năm 508.
- Quán Tự Tại 观自在: trong Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh 大般若波罗蜜多心经 do ngài Huyền Trang 玄奘 thời Đường dịch vào năm 663.

Ngoài ra, căn cứ đặc tính tu trì công đức, Quán Âm còn có những danh hiệu sau:
- Đại Bi Thánh Giả 大悲圣者: trong Quán Âm Bồ Tát Thọ Kí Kinh 观音菩萨授记经, hiển hiện từ bi cứu độ chúng sinh.
- Thí Vô Uý Giả 施无畏者: trong Lăng Nghiêm Kinh 楞严经 đệ lục, Thỉnh Quán Âm Kinh 请观音经, biểu thị Quán Âm có đủ công đức uy thần bảo hộ thế gian.
- Viên Thông Đại Sĩ 圆通大士: trong Lăng Nghiêm Kinh 楞严经, Quán Âm nhĩ căn viên thông, nên có danh hiệu như thế.
- Chánh Pháp Minh Như Lai 正法明如来: trong Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh 千手千眼无碍大悲心陀罗尼经, Quán Âm là pháp hiệu của Phật quá khứ.
- Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai 普光功德山王如来: trong Quán Âm Bồ Tát Thọ Kí Kinh 观音菩萨授记经, là danh hiệu thành Phật vị lai. 
- Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai 遍出一切光明功德山王如来: trong Bi Hoa Kinh 悲华经, đây là danh hiệu thành Phật vị lai của Quán Âm.
- Đại Tinh Tấn Quán Âm Tự Tại 大精进观音自在: trong Đại Nhật Kinh 大日经 của Mật Tông.
- Thiên Quang Nhãn 千光眼: trong Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh 千手千眼无碍大悲心陀罗尼经.
- Đại Bi Đại Từ Chủ 大悲大慈主: xuất hiện trong quy củ lễ pháp.
- Liên Hoa Thủ 莲华手: Quán Âm tay cầm hoa sen, cho nên gọi là “Liên Hoa Thủ” 莲华手hoặc “Bát Đàm Liên Hoa Thủ” 钵昙莲华手.
- Nam Hải Đại Sĩ 南海大士: tín đồ Trung Quốc cho rằng Quán Âm cư trú trên núi Phổ Đà 普陀 ở Nam Hải, nên gọi như thế.
- Từ Hàng Đại Sĩ 慈航大士: từ núi Phổ Đà nhìn xuống Nam Hải, Quán Âm có thể cứu những người gặp nguy nạn trên biển, nên gọi như thế.
- Phổ Môn Đại Sĩ 普门大士: uy thần của Quán Âm quán chiếu khắp mười phương, không hề trở ngại, cho nên được mọi người xưng tụng mĩ danh “Phổ Môn Đại Sĩ”.

 


THỦ THẾ THƯỜNG TRÌ CỦA QUÁN ÂM BỒ TÁT

Ý nghĩa thủ thế của Phật Bồ Tát. Thủ thế của Phật Bồ Tát có hai tầng ý nghĩa:
          1- Thủ thế 手势 (tư thế ở tay) của Phật Bồ Tát hoàn toàn không phải do người tạc tượng tuỳ ý tạo ra, mà là căn cứ vào quy phạm được ghi chép trong kinh điển, đều truyền đạt bi tâm và thệ nguyện vốn có của Phật Bồ Tát, có thể làm tiêu kí để tín đồ nhận biết Phật Bồ Tát.
          2- Thủ thế của Phật Bồ Tát cũng như thủ thế của người thường, là ngôn ngữ chi thể biểu đạt tâm ý, đem tâm nguyện truyền đạt cho chúng sinh ở thế giới Ta bà.
          Thủ thế của Phật Bồ Tát bao gồm thủ ấn 手印 và trì vật 持物. Thủ ấn cũng gọi là ấn khế 印契, là các loại tư thế vận dụng hai tay và các ngón tay kết hợp lại. Trì vật là pháp khí hoặc bảo vật đặc định cầm trong tay. Nếu chúng ta nhận biết được các loại thủ ấn và trì vật của Phật Bồ Tát, thì có thể giúp chúng ta phân biệt chư vị Phật Bồ Tát của thế giới Phật quốc; đồng thời lúc tu trì hoặc cầu nguyện, hiểu rõ tâm ý của bổn tôn Phật Bồ Tát mà có thể khế hợp với bổn tôn.

Thủ thế của Quán Âm đa biến hoá: Quán Âm Bồ Tát có những thủ thế nào thường thấy? Quán Âm một tay cầm hoa sen, một tay thí vô uý ấn, có thể nói  là mọi người rất quen thuộc. Thí vô uý ấn xuất phát từ Pháp Hoa Kinh – Phổ Môn Phẩm 法华经 - 普门品:
          Thị Quán Thế Âm Ma Ha Tát, vu bố uý cấp nạn chi trung, năng thí vô uý, thị cố thử Ta bà thế giới, giai hiệu chi Thí Vô Uý giả.
          是观世音摩诃萨, 于怖畏急难之中, 能施无畏, 是故此娑婆世界, 皆号之施无畏者
          (Quán Thế Âm Ma Ha Tát này, những ai trong lúc sợ sệt hoặc nạn gấp, Ngài có thể ban cho sự vô uý, cho nên trong thế giới Ta bà đều gọi Ngài là Thí Vô Uý)

Quán Âm hướng đến mọi người thể hiện tâm ý từ bi cứu trợ chúng sinh thoát li sợ hãi tai nạn, khiến chúng sinh được an định. Còn như hoa sen, trong Phật giáo đại biểu cho Bồ Đề tâm mà chúng sinh vốn có nhưng bị vô minh che lấp, Quán Thế Âm cầm hoa sen tượng trưng ý nghĩa sẽ giúp mọi người được khai ngộ.

Trì ấn thường thấy khác của Quán Thế Âm Bồ Tát còn bao gồm “dữ nguyện ấn” 与愿印, “an uý ấn” 安慰印; còn trì vật thường thấy có dương liễu và tịnh bình ... trong Thỉnh Quán Thế Âm Bồ Tát tiêu phục độc hại Đà La Ni kinh 请观世音菩萨消伏毒害陀罗尼经 lưu hành ở Hán địa, Phật Đà hướng đến mấy ngàn tì khưu và Bồ Tát giới thiệu Tây phương tam Thánh, khi nhắc đến Quán Thế Âm Bồ Tát, nói rằng:
          Tì Xá Li nhân, tức cụ dương chi tịnh thuỷ, thụ Quán Thế Âm Bồ Tát.
          毗舍离人, 即具杨枝净水, 授观世音菩萨.
          (Người ở thành Tì Xá Li, chuẩn bị nhành dương cùng tịnh bình, trao cho Quán Thế Âm Bồ Tát)
          Dương chi 杨枝cũng gọi là “dương liễu” 杨柳, tại cổ Ấn Độ là “xỉ mộc” 齿木dùng để đánh răng. Ấn Độ, Tây vực khi có khách dự yến tiệc, đa phần tặng dương chi và nước thơm, biểu thị sự thành khẩn thỉnh mời, nhân đó, trong Phật giáo, thỉnh Phật Bồ Tát cũng dùng dương chi tịnh thuỷ biểu đạt thành ý. Quán Thế Âm  Bồ Tát của Hán địa thường cầm dương chi, tịnh bình, tượng trưng công đức có thể tiêu trừ tai ách cho thế nhân.

Quán Âm Bồ Tát tuỳ theo sự biến hoá khác nhau mà triển hiện thủ thế khác nhau. Bốn tay của Lục Tự Quán Âm 六字观音 của Tây Tạng lần lượt cầm niệm châu, hoa sen trắng và ma ni bảo châu. Ngoài ra Lục Quán Âm  của Mật giáo, mỗi tượng đều có thủ ấn và trì vật đặc định mà kinh điển quy định.  Cho dù là 33 Quán Âm mà dân gian diễn sinh, tuy không có kinh điển, nhưng lại có thủ thế và tư thái mà mọi người đều quen thuộc.

 

Diệu pháp liên hoa kinh – Quán Thế Âm Phổ môn phẩm 妙法莲华经 - 观世音普门品 là một trong những bộ kinh diển rất quan trọng trong lịch sử phát triển về tín ngưỡng Quán Âm ở Trung Quốc, cho dù đến hiện nay, vẫn là kinh điển hấp dẫn mà tín đồ Quán Âm Trung Quốc tụng đọc.

          Bộ kinh này sớm nhất là vào cuối thế kỉ thứ 3, do ngài Trúc Pháp Hộ 竺法护 (1) phiên dịch truyền vào đất Hán, bản dịch thông hành trước mắt là bản dịch của  Đại dịch kinh gia ngài Cưu Ma La Thập 鸠摩罗什 (2) vào thời Hậu Tần 后秦 (3) thế kỉ thứ 6.

          Về việc “Phổ môn phẩm” 普门品 có thể lưu truyền phổ biến ở thế gian, nói ra còn có một câu chuyện linh cảm cảm động lòng người.

          Tương truyền tại Trung Quốc vào thời Nam Bắc triều, quân vương Bắc Lương 北凉 (4) Thư Cừ Mông Tốn 沮渠蒙逊 (5) bị một chứng bệnh quái lạ, các thầy thuốc đều bó tay không còn phương sách nào. Đương lúc nguy cấp, một vị xuất gia tinh thông y thuật từ Ấn Độ đến, ngài tôn giả Đàm Vô Sấm 昙无谶 (6). Tôn giả vừa thấy Tự Cừ Mông Tốn, liền nói bệnh của ông ta là “nghiệp chướng bệnh” 业障病, dược vật thông thường không thể chữa trị được. Nếu muốn khỏi bệnh, phải thành tâm niệm “Phổ môn phẩm” mới có thể khỏi.

          Trong lúc tuyệt vọng vì bệnh, Thư Cừ Mông Tốn theo lời chỉ dạy của tôn giả, thành tâm trì tụng “Phổ môn phẩm”, chưa đến 7 ngày, quả nhiên thoát li bệnh khổ, không thuốc mà khỏi. Nhân đó, “Phổ môn phẩm” phút chốc biến thành linh đơn diệu dược, phàm là bệnh nhân bị “nghiệp chướng bệnh”, không thuốc nào chữa khỏi, đều thành tâm trì tụng “Phổ môn phẩm”, vô cùng linh nghiệm. Từ đó, “Phổ môn phẩm” lưu truyền rộng rãi chốn thế gian.

          “Phổ môn phẩm” sở dĩ có thể đánh động nhân tâm các đời, là nhờ trong kinh có đề cập, mọi người chỉ cần nhất tâm xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát 观世音菩萨, nhất định có thể thoát li “bát nạn” 八难 (hoả nạn 火难, thuỷ nạn 水难, phong nạn 风难, la sát 罗刹, đao trượng 刀杖, quỷ 鬼, già toả 枷锁cùng oán tặc 怨贼), “tam độc” 三毒 (tham 贪, sân 嗔, si 痴), cho đến thoả mãn nguyện vọng “nhị cầu”  二求 (cầu nam 求男, cầu nữ 求女). Đồng thời ngài Quán Âm lại có thể nhân ứng vào nhu cầu của con người mà hoá hiện 33 hình tượng khác nhau thuyết pháp độ nhân.

Nguồn: Thầy Huỳnh Chương Hưng