Cô hồn dã quỷ

Thứ bảy, 19/08/2023, 17:23 GMT+7

Chúng ta vẫn thường hay nghe cụm từ “cô hồn dã quỷ” trong các dịp cúng tế và nhất là lễ Trung Nguyên. Có rất nhiều cách lý giải về cô hồn dã quỷ. 

Với quan niệm dân gian, một người sau khi thác, nếu được an táng nơi mộ phần tức được xem như đã an nghỉ. Ngược lại, những người không được an táng tử tế, thời như kẻ không nhà không cửa, phiêu du lãng dật, xưng cô hồn dã quỷ. Điều này có thể phần nào được lý giải vì phần đa người Á Đông đều trọng “địa táng”, người sau khi trút hơi thở cuối cùng phải “nhập thổ” mới “vi an”. Vốn người ta trọng Đất Mẹ, ăn trên đất, ở trên đất, mọi sinh hoạt và lao tác diễn ra trên đất đai. Vậy nên, “nhập thổ” là một cách trả ơn sinh giới, qua đó, “trả ơn” cũng là thể hiện một cách người đã khuất có thể yên tâm an nghỉ. Song, cách hiểu trên vẫn còn phần nào thiếu sót.

Đạo giáo quan niệm người có tam hồn: Thiên hồn, Địa hồn, Nhân (Chân) hồn. Sau khi tận số, Thiên hồn về Trời đầu cáo Bắc Đẩu, báo tử. Việc thượng thăng Bắc Đẩu để trình báo rằng mình đã tận số là điều hiển nhiên. Dù muốn hay không, sự trình báo này đều diễn ra, cũng từ thời điểm đó, đồng hồ hạn mức thời gian đi về Minh ti cũng bắt đầu, kẻ nào ở Dương thế càng lâu ắt càng thêm tội. Kế đến, Địa hồn nhập mộ hưởng hương hỏa. Địa hồn nhập mộ là bước chuyển tiếp để vong hồn có thể đi về Minh ti. Phía Nam núi Đông Nhạc có ngọn Hao Lý, tương truyền nơi đây có vị Hao Lý Trượng Nhân, chưởng quản mộ phần của đạo chúng. Chỉ khi Địa hồn chấp nhận nhập vào mộ phần với thi hài, Hao Lý trượng nhân chuẩn thuận, hồn thứ ba - Chân hồn lúc ấy mới có thể xuống Minh ti chịu phán xét và chuyển luân. 

Tuy nhiên, nếu hồn không nhập mộ vì chưa chấp nhận sự thật rằng bản thân đã chết, hoặc còn quá nhiều tham luyến trần thế, triền buộc bởi dục vọng chưa được thỏa mãn lúc sinh tiền, hoặc chịu sự khuyến hoặc của tà sư bại thánh mà khiến cho Chân hồn không xuống âm thành, không thể chuyển luân vãng sinh. Những kẻ đó gọi là “cô hồn dã quỷ”. Thuyết tam hồn không phải chia hồn ta ra làm ba phần riêng biệt nhưng đang mô tả những hoạt động của Chân hồn, quá trình diễn tiến của một người sau khi mất vậy.

Với một phàm nhân sau khi qua đời, trừ Thiên hồn đầu cáo Bắc Đẩu là điều hiển nhiên thì việc Địa hồn nhập mộ hay Chân hồn về Minh phủ đều hoàn toàn là lựa chọn của người quá cố. Đạo giáo không tin nhận rằng sẽ có quỷ sai đến trói xích, bắt bớ hay ép buộc vong linh đến nơi Minh phủ. Lựa chọn đối diện, chuộc lại lỗi tội bằng sự phán xét, thụ hình hay trốn tránh bằng cách không nhập mộ, chẳng về Minh phủ đều phụ thuộc ở nơi họ. Như vậy, “cô hồn dã quỷ” hoàn toàn là một sự lựa chọn của vong linh.

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng