Tìm thầy học làm đạo sỹ

Thứ bảy, 07/10/2023, 06:50 GMT+7

Ngày nay, các video tụng kinh xuất hiện với số lượng nhiều đáng kể trên Internet. Điều này rất thuận tiện cho mọi người khi tìm hiểu, học hỏi kinh điển. Một số tín đồ muốn tiếp cận Đạo giáo có thể tìm hiểu qua. Tuy nhiên, vì không có tính truyền thừa và truyền dạy, cho nên các kinh điển này thâm sâu khó lường, ý nghĩa cũng không thể tường minh, rất dễ nhầm lẫn, thậm chí là nhầm lẫn tai hại. Một số ý kiến cho rằng tín đồ tại gia có thể đọc tụng, một số cho rằng không có sư phụ truyền dạy thì không nên đọc.

Nguồn: Long Môn

 

Vậy cần hiểu sao cho đúng, đặc biệt là đối với những người đang mới bắt đầu tìm hiểu Đạo giáo?
Có thể đọc kinh mà không có thầy? Kỳ thực vấn đề này không phải cá biệt, thuở xưa, nếu không có thầy mà muốn tìm hiểu kinh điển, chư Tổ đã từng chỉ điểm cho.  Thái Thượng Ngọc Kinh Ẩn Chú viết: “Phù đạo kinh bất sư thụ, tắc thần bất hành hĩ. Nhược thế vô pháp sư, hựu vô kinh truyền giả, đương dĩ pháp tín đầu tĩnh trị, hoặc khả mật thất khải huyền sư Lão Quân. Bắc hướng Tam bái, nhiên hậu dĩ vật bố thí ư cơ phạp chi nhân, bình đẳng nhất tâm, nhi dụng kinh dã. Thế hữu sư, bất tu án thử pháp dã”. Nghĩa là nếu đạo kinh không có thầy truyền, thì thần minh không cảm ứng. Nếu thế gian không có pháp sư nào, lại không có kinh truyền, nên lập nơi mật thất khải huyền thờ Lão Quân. Nơi hướng bắc bái 3 lần, sau đó bố thí tài vật cho chúng nhân, bình đẳng nhất tâm. Tuy nhiên, trên đời có thầy, nên không cần đến phương pháp này.  Chúng ta có thể diễn giải lời chỉ điểm của các Tổ theo cách trên. Phương thức đơn giản, nếu không có sư phụ, không có khoa nghi truyền thụ kinh điển, có thể trong mật thất hoặc trước bàn thờ lý giải rõ rành. Sau đó day phương Bắc lạy 3 lạy, bố thí chúng nhân, giữ lòng thiện lương ngay thẳng. Đó là một phương pháp đơn giản, nhưng vô cùng thiêng liêng và dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, trong lời diễn giải có một câu rất hay “Thế hữu sư, bất tu án thử pháp dã”. Vì thế gian có thầy, nên chẳng cần đến phương pháp này. Câu này đặt trong từng điều kiện, hoàn cảnh mà nói. Tam Phong tổ sư nói: “Bất ngộ chân sư, thả tiên độc thư”. Chưa tìm được chân sư, thì nên học tập qua sách vở trước. Kinh điển là con đường giác ngộ, chân sư là ánh sáng soi đường. Không có ánh sáng, ắt lọ mọ tăm tối khốn đốn vô ngần. Không có đường, há chẳng phải không có lối giải thoát hay sao? Vậy nên, trước khi đủ cơ duyên gặp được chân sư, mỗi người phải có lòng trau dồi cá nhân, nhất là những điểm cơ bản, vừa để nâng cao tri thức, vừa để phân biệt được thật-giả ở đời.

Không có thầy thì không học Đạo được chăng? Đương nhiên, không thầy như đường tối không được soi rọi, nhưng mọ mẫm trong bóng tối một cách cẩn trọng thì ít ra cũng tiến bộ được phần nào. “Bất ngộ chân sư, thả tiên độc thư”. Nhưng cốt yếu phải tìm thầy đặng học tập. Vì Đạo vô Kinh bất thụ, vô Sư bất truyền. Không có thầy dạy, làm sao biết đường ngay nẻo phải? Đọc sách chỉ là đang xây dựng một nền mống cơ bản cho bản thân để hỗ trợ quá trình học tập từ thầy sau này.
Nhiều người mới bắt đầu học theo thầy sẽ có tư duy mù quáng. Sau khi nghe kinh nhiều lần và hiểu kỹ, bạn cũng phát hiện rằng thầy mình có những lỗi lầm trong quá trình tụng kinh. Điều này không quá quan trọng (kì thực cũng rất đáng để tâm, vì sư phụ niệm sai kinh điển là một tội) vì ai cũng mắc sai lầm, chỉ là vấn đề về xác suất mắc phải. Nếu không noi theo kinh sách mà mù quáng theo lỗi lầm đó quả chẳng phải là sai ư? Cho nên đọc, tụng kinh thì trí tuệ phải sáng suốt, ấy là trên hết. Khi tâm hài hòa, trí tuệ sáng suốt, thì không vướng vào gông cùm nào. Nhưng nói vậy chẳng phải là “phản thầy”, mà đích thị là phải quán chiếu kỹ lưỡng, phải thành thật hỏi, cởi mở trao đổi vấn đề mình còn hoài nghi với thầy để cùng xem xét, sửa chữa nếu cần. Tìm một vị chân sư là một thử thách gian nan trên đường cầu Đạo vậy! 

“Vô thượng bí yếu” dẫn “Đỗng huyền không đỗng linh chương kinh” rằng: “Thiện tín nam nữ, hương đăng cung dưỡng, kiến thế quang minh, thân nhập vô vi, thụ phúc tự nhiên”. Ngay cả tín đồ bình thường, chỉ cần có lòng kính tín Tam Bảo, hương đăng cung dưỡng cưỡng, nuôi dưỡng thiện tâm, cũng có thể nhận được hồng ân. Tụng kinh sám hối là một cách tạo thiện duyên. Bản thân cần chuyên tâm trong quá trình trì tụng. Tụng kinh là một sự tu hành cá nhân, công đức nhân là do Đạo mang. Làm tốt việc trước mắt, ắt tự nhiên sẽ có kết quả lành hảo.

Với tín đồ mà nói, khi gặp ma khảo trong cuộc đời, chỉ cần trì tụng sám hối, thực hành kinh sách, có thể khai ngộ, soi sáng chính mình và sửa chữa khuyết điểm. Kinh là đường tắt đến với Đạo vậy! Muôn vạn kinh điển Tổ truyền là ánh sáng trong tâm, chớ nên sợ hãi hay chùn lòng trước con đường phía trước. Kẻ không biết không có tội, kẻ không hiểu kinh sách, nhưng muốn tìm kiếm kinh sách Đạo gia, đây cũng là phương thức để họ gần gũi với Đạo và tiếp dẫn Pháp. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, chư Tổ đã lập pháp cứu nạn cho chúng nhân, sẽ luôn có những pháp môn khác nhau dành cho chư vị.

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng