Đông Trù Ti Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phúc Thần Quân

Chủ nhật, 12/02/2023, 12:24 GMT+7

Táo Thần danh xưng đầy đủ là: Đông Trù Ti Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phúc Thần Quân, tục xưng là Táo Quân, hoặc xưng Táo Quân Công, Ti Mệnh Chân Quân, Cửu Thiên Đông Trù Yên Chủ, Hộ Trạch Thiên Tôn hoặc Táo Vương. Người ở Đài Loan tôn Ngài là một trong ba “Ân chủ”, là vị thần của nhà bếp. Ngọc Đế sắc phong cho Ngài là: Ngọc Thanh Phụ Tướng Cửu Thiên Đông Trù Ti Mệnh Táo Vương Chân Quân. Lại có hiệu Đông Trù Ti Mệnh Định Phúc Chân Quân hoặc Cửu Thiên Ti Mệnh Hộ Trạch Thiên Tôn. Đông trù là chỉ chung cho tất cả các nhà bếp.

Nguồn: Chính Nhất Phái

Ảnh: Trường Chân Môn

Cung nghênh thánh đản Đông Trù Ti Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phúc Thần Quân - Táo Quân.

Thờ Táo Thần là một tập quán có từ xa xưa của Trung Quốc. Nó có nguồn gốc rất sớm, từ đời nhà Thương trong dân gian đã thờ phụng rộng khắp. Trong sách Chu Lễ đã ghi tên vị thần có tên là Táo Thần.

Đến đời Tần, Hán thì được đưa vào làm một trong đối tượng thờ phụng. Gồm:- Môn Thần (thần giữ cửa nhà), Tỉnh Thần (thần giếng), Xí Thần (thần nhà cầu), Thần Trung Lựu (giữ nhà) và Táo Thần. Năm vị thần linh này phụ trách việc gìn giữ sự bình an hạnh phúc cho một gia đình, thuộc về “thần trong gia đình”.

Đời Đông Hán, Khổng An Quốc  viết: “Táo Thần có chức trách ghi chép công và tội của người trong nhà để tâu lên thiên đình, thờ phụng Ngài để có phúc lành”. Như vậy, nhiệm vụ của Táo Thần rất quan trọng, ngoài việc quản lý về bếp núc tức sự ăn uống để sống của con người, còn có thêm nhiệm vụ theo dõi việc thiện ác của con người nữa!

Tại Trung Quốc, đa số các gia đình thường treo một tấm hình Ông Táo ngay trên vách bếp, hoặc một bài vị bằng gỗ viết “Đông Trù Ti Mệnh Định Phúc Táo Quân Chi Thần Vị” hay “Định Phúc Táo Quân”. Hai bên có hai câu liễn: Thượng thiên ngôn hảo sự-Hạ giới bảo bình an”. Hình ảnh Táo Thần tùy nơi mà vẽ khác nhau. Thường thì vẽ hình hai vợ chồng gọi là “Táo Vương Gia” và “Táo Vương Nãi Nãi”. Lại có những nơi chỉ họa một vị thôi, gọi là “Độc Tọa táo Vương”.

Ở nông thôn thưở xưa, nhà nào cũng có thờ Ông Táo, bởi vì “Dân lấy ăn làm trời” mà. Trong xã hội nông nghiệp, có những nhà ba đời, bốn đời thậm chí năm đời cùng sống chung (ngũ đại đồng đường). Mỗi ngày có đến ba bữa cơm đều từ nhà bếp cung ứng, làm sao không giữ địa vị quan trọng cho được?

Đạo giáo cho rằng Táo Thần ở trên Cửu Thiên giữ sổ sách xuất sinh của con người, nên tôn là “Cửu Thiên Ti Mệnh Chân Quân”.

Thánh đản của Ti Mệnh Táo Quân là ngày mùng ba tháng tám âm lịch, dân gian có tục cúng Ngài bằng “mì chay và trà”, đốt giấy tiền vàng bạc.

Vật phẩm để cúng tế Táo Thần thường là những thức vừa ngọt vừa dẻo như là: Dưa hấu, kẹo mạch nha, kẹo kéo, bánh da lợn…Dụng ý là để cho thức ăn còn dính vào miệng của ông Táo, khi Táo Thần về trời chỉ tâu những điều tốt lành “ngọt ngào” của người nhà thôi! Thế nên có câu: “Ngật điềm điềm, Thuyết hảo thoại” hay: “Hảo thoại truyền thượng thiên, Hoại thoại đâu nhất biên. Ngoài ra, cũng để “trám miệng” ông Táo, người ta cũng thường cho ông uống một loại rượu đặc sản, dùng riêng cúng ông Táo, gọi là “Túy Ti Mệnh”. Mục đích là cho ông Táo say mèm, quên đầu quên đuôi, chẳng nhớ gì mà tâu trình! Do đó, cúng tế Táo Thần có ý nghĩa là “cầu phúc tránh họa” vậy.

Đại đa số hình tượng Táo Quân đều rất trung hậu đoan chính, mặt mày to mập, có màu đỏ. Điều đó ngầm ý nói rằng Ngài thích ăn nhiều và coi về “lửa” nên mới như thế.

Bếp ăn, từ ngàn xưa đã được người cổ đại sùng bái, sau trở thành biểu trưng của sự no ấm thịnh vượng của mỗi gia đình, là đà phát triển tất yếu của con người. Việc cầu Táo Quân ban cho phước lộc cũng là điều dễ hiểu.

Sở dĩ Táo Thần được nhân gian kính trọng là vì, ngoài bổn phận cung cấp thức ăn để nuôi sống con người, Ngài còn có chức trách theo dõi sinh hoạt tốt xấu của người trong nhà nữa. Thế nên, Ngài có hai vị phụ tá, một vị là “Thiện Quán” (xem xét việc tốt), một vị là “Ác Quán” (xem xét việc xấu) của con người để ghi chép lại. cuối năm tổng kết cho Táo Quân về trình tấu với NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ. Ngày 24 tháng chạp thì Táo Thần sẽ trở về thiên đình để tâu trình kết quả của mỗi nhà trong năm đó. Cho nên, dân gian có tục “Tiễn Ông Táo” vào chiều ngày 23 tháng chạp.

admin
Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng