Hỷ thần 喜神

Thứ tư, 22/02/2023, 21:08 GMT+7

Hỷ Thần 喜神, là vị thần cát tường huyễn tưởng trong tín ngưỡng dân gian Phương Đông. Nhưng Hỷ Thần không giống với các tục thần khác trong dân gian, không có miếu chuyên thờ. Hỷ Thầnlúc ban đầu rất trừu tượng, không có hình tướng cụ thể, so với minh tướng của các thần khác thì trống rỗng, tựa hồ mọi người khó mà sờ mó được. Về sau, Hỷ Thần có tôn dung của mình, nhưng hình dáng lại không có đặc điểm gì rõ ràng, hoàn toàn là phiên bản của Phúc thần Thiên quan, đại khái là tác phẩm xuất phát từ việc người đời căn cứ vào sự tưởng tượng tâm lí xu cát tị hung, truy cầu hỉ lạc của mình mà ra.

Nguồn: Thầy Chương Hưng

ảnh:internet

Hỉ thần 喜神 là vị thần không có hình tượng cụ thể, chủ về việc tốt đẹp. Do bởi không có hình tượng cụ thể nên cũng không có miếu thờ, một số tập tục hoạt động liên quan đến việc nghinh đón và đưa tiễn Hỉ thần lưu hành trong dân gian cũng không giống với việc tế tự một số thần khác.

Thời xưa trong dân gian, nam nữ kết hôn có tập tục “nghinh Hỉ thần”, đó là sau khi cô dâu lên kiệu, cửa kiệu phải quay đến hướng có Hỉ thần và dừng lại trông chốc lát, sau đó mới lên đường. Theo truyền thuyết, làm như thế cô dâu chú rể sẽ được hạnh phúc, cả đời luôn có những chuyện vui. Sự thực, đây chẳng qua là loại tín ngưỡng quan niệm trong tinh thần của mọi người. Mặc dù như thế, mọi người vẫn phải “nghinh”, đó là bởi vì mọi người luôn có quan niệm “mong có  được điều tốt đẹp”.

Trong xã hội cũ, nhất là ở khu vực phía bắc, vào sáng sớm ngày một một đầu năm, các kĩ nữ trong kĩ viện đều có tập tục “tẩu Hỉ thần phương” 走喜神方. Gọi là “tẩu Hỉ thần phương” chính là thuận theo hướng của Hỉ thần mà đi, đi gặp Hỉ thần. Theo truyền thuyết, gặp được Hỉ thần, cả năm sẽ được buôn may bán đắt, nếu không gặp được cũng chẳng sao, chí ít thân thể cũng được mạnh khoẻ, bình an vô sự. Vậy thì làm sao có thể xác định được phương vị có Hỉ thần vào sáng sớm ngày nguyên đán? Đó là thuận theo hướng mà gà trống gáy là được. Do bởi “Hỉ thần” là một vị “thần trừu tượng” không có hình tượng cụ thể, cho nên, bạn nghinh đón được hay không là dựa vào cảm giác của mình. Đương nhiên thực tế này chỉ có thể là một sự an ủi về mặt tinh thần, cũng chỉ là kết quả của loại quan niệm sai khiến “mong có  được điều tốt đẹp”.

Trong thần thoại thời thượng cổ có một vị cát thần tên Thái Phùng 泰逢, trong Sơn hải kinh – Trung thứ tam kinh 山海经 - 中次三经có chép, Thái Phùng hình người đuôi rắn, có thể động thiên địa, nổi mây mưa. Đó là vị thần linh chủ về việc tốt, đại khái xem như vị thần cát tường sớm nhất của Trung Quốc, truyền thuyết cho rằng người phàm có hỉ sự, thì có thể thấy được Thái Phùng, có mối quan hệ nguồn gốc hoặc nhiều hoặc ít với Hỷ Thần của đời sau.

Hỷ Thần ra đời lúc nào và ở đâu, hiện nay không thể khảo chứng, chỉ biết Hỷ Thần lưu truyền trong dân gian muộn hơn 3 vị thần Phúc, Lộc, Thọ. Hỉ thần không giống như 3 vị thần Phúc, Lộc, Thọ từ tinh tú diễn biến mà ra, cùng không có hình thần để phân biệt, đó là đặc điểm lớn nhất của Hỷ Thần

Hỷ Thầntrong truyền thuyết dân gian là một nữ thần, hơn nữa lại có bộ râu dài, nguyên bản là một cô gái bái Bắc Đẩu tinh quân để tu luyện. Lúc tu chân thành đạo, Bắc Đẩu tinh quân vì lòng thành của cô hiển hiện hình cô gái trước mặt, hỏi rằng cô có mong cầu điều gì, cô gái chỉ lấy tay vuốt miệng, cười không đáp. Bắc Đẩu tinh quân nhầm tưởng cô gái cầu xin bộ râu, bèn ban cho bộ râu dài, đồng thời lấy hình tượng lúc cô gái cười mà phong là Hỷ Thần, chỉ có điều nhân vì có bộ râu dài, không muốn để cho người phàm nhìn thấy diện mạo chân thực của cô. Từ đó, Hỷ Thần chuyên quản về hỉ khánh, nhưng lại không hiển hiện rõ thần hình.

Hỷ Thần là sự kí thác cuộc sống và tinh thần của người Nội Khâu 内丘 Hà Bắc 河北, vả lại Hỷ Thần được nhân cách hoá là nữ tính, mũi cao mắt lớn, tóc kết búi, ôm đàn tì bà, miệng nở nụ cười.

Thời trước mọi người khi ăn tết, bất luận là giàu nghèo, có một quyển sách cần phải mua, đó là sách lịch. Trong sách lịch từ mồng 1 đến mồng 5 tháng Giêng trong 5 ngày này dưới ô của mỗi ngày, trừ những hàng chữ nhỏ như Hoàng đạo, Hắc đạo, nên hay không nên tắm gội, nên hay không nên cưới hỏi v.v... còn dùng chữ lớn in “Hỷ Thần chính bắc” hoặc “Hỷ Thần tây nam”. Đó là báo cho mọi người biết ngày hôm đó là ngày nghinh Hỷ Thần mỗi năm một lần. Nghinh Hỷ Thần tuy thuộc tín tục, nhưng Hỷ Thần hoàn toàn không phải là vị thần linh tưởng tượng không có cơ sở, mà là dựa theo can chi và bát quái tính toán ra một loại phương vị, thế là dân gian sáng tạo ra phương vị mà Hỷ Thần mỗi ngày cư trú, theo can chi tính ra ngày giờ, theo bát quái định ra phương vị, xác định Hỷ Thần của ngày nào, giờ nào, ở phương vị nào, để tế tự cầu hỉ.

Hoàng đế Càn Long 乾隆 đời Thanh còn trịnh trọng hạ chỉ biên soạn bộ sách Hiệp kỉ biện phương thư 协纪辨方书liên quan đến việc tìm phương vị của Hỷ Thần, mục Nghĩa lệ – Hỷ Thần 义例 - 喜神 trong sách có chép việc nhận biết phương vị Hỷ ThầnHỷ Thần vu Giáp Kỉ nhật cư Cấn phương, thị tại Dần thời, Ất Canh nhật cư Càn (1) phương, thị tại Tuất thời; Bính Tân nhật cư Khôn phương, thị tại Thân thời; Đinh Nhâm nhật cư Li phương, thị tại Ngọ thời; Mậu Quý nhật cư Tốn (2)  phương, thị tại Thìn thời.
          喜神于甲己日居艮方, 是在寅时; 乙庚日居乾 (1) 方, 是在戌时; 丙辛日居坤方, 是在申时; 丁壬日居离方, 是在午时; 戊癸日居巽 (2) 方, 是在辰时. (Hỷ Thầnvào ngày Giáp Kỉ ở phương Cấn, tại giờ Dần; ngày Ất Canh ở phương Càn, tại giờ Tuất; ngày Bính Tân ở phương Khôn, tại giờ Thân; ngày Đinh Nhâm ở phương Li, tại giờ Ngọ; ngày Mậu Quý ở phương Tốn, tại giờ Thìn)

Trong Đạo thư có Lục thập hoa giáp tử Hỷ Thần phương, chỉ rõ phương hướng can chi mỗi ngày Hỷ Thần cư trú. Như Giáp Tí, Hỷ Thần đông bắc; Kỉ Sửu Hỉ thần tây bắc ... Có chuyên thư phân biệt rõ phương vị của Hỷ Thần này, sẽ biết được ngày nào giờ nào Hỉ thần ở phương vị nào, lúc nghinh Hỷ Thần cũng dựa theo sách tra phương vị của Hỷ Thần, cầu thần càng thêm thuận tiện.

Trong lịch thư tra rõ phương vị của Hỷ Thần, hoàng gia cần cử hành nghi thức, theo phương vị của Hỷ Thần đưa trâu thần ra ngoại ô nghinh Hỷ Thần. Trâu phải khoác vải đỏ, trổi nhạc để tống; vị quan coi về trâu đánh roi phát ra tiếng kêu, gọi đó là “tiên xuân” 鞭春, và suốt cả ngày vui vẻ. Cách làm đó đại khái là để mong người và súc vật được hưng vượng, ngũ cốc được mùa. Tại Tô Châu, mỗi năm trước và sau Lập xuân có hoạt động dân tục nghinh cúng Hỷ Thần long trọng. Đến giờ, quan viên địa phương thống lĩnh sĩ tốt trong quân doanh, một hàng nhân mã rầm rộ kéo đến thần đàn của miếu Thành Hoàng 城隍, cử hành long trọng nghi thức nghinh đón và tế tự Hỷ Thần. Thái Vân 蔡云đời Thanh trong Ngô Du 吴歈 có miêu tả việc nghinh đón và tế tự Hỷ Thần:
Nam lai hỉ khí viễn nghinh tương
Giáp đạo du nhân nhược đổ tường
Nhất trận hương phong tiếu thanh khởi
Hoạ lâu hà xứ bất tân trang
南来喜气远迎将
夹道游人若堵墙
一阵香风笑声起
画楼何处不新妆
(Hỉ khí từ phương nam đến, từ xa đã nghinh đón
Hai bên đường, người đi dạo chơi ken chật như bức tường
Một cơn gió thơm thổi đến, tiếng cười rộn lên
Lầu gác hoa lệ nào mà không trang trí lại cho mới và đẹp)

Thời trước không chỉ bách tính, giới mua bán, kĩ nữ nghinh Hỷ Thần, mà các lão gia làm quan cũng nghinh Hỷ Thần để mong điều cát lợi, nghinh Hỷ Thần đã trở thành một hoạt động dân tục lưu hành rất rộng.

Đón năm mới, ở phương bắc có nghi lễ “song Hỷ Thần” 双喜神, từ sáng sớm ngày mồng 1 tháng Giêng trở đi có trình tự nghinh Hỉ thần, tiếp Tài thần, dựa theo phương vị của Hỷ Thần, do gia trưởng chủ tế thắp hương xuất nghinh. Thành trấn phương nam thì lưu hành tập tục sáng sớm “tân Chinh” 新正 (mồng 1 tháng Giêng) “đâu Hỷ Thần phương” 兜喜神 , tức đi đến phương vị của Hỷ Thần tìm vận may của một năm. Người vùng Khê Khẩu 溪口 Chiết Giang 浙江 sùng thượng Tài thần, Hỷ Thần, có cặp đối:
Tài thần thường tiến cần kiệm trạch
Hỉ thần trường bạn thiện lương nhân
财神常进勤俭宅
喜神长伴善良人
(Tài thần thường đến với nhà cần kiệm
Hỷ Thần luôn làm bạn với người thiện lương)

Trong Trường Sa tân niên kỉ tục thi 长沙新年纪俗诗 có câu:
Xuất hành đô hướng Hỷ Thần phương
Linh đính quan ngoa bôn tẩu mang
出行都向喜神方翎顶官靴奔走忙
(Xuất hành đều theo hướng có Hỷ Thần
Quan lại đội nón có gắn đuôi công, mang ủng đi lại bận rộn)

Hỷ Thần rốt cuộc là như thế nào, hoàn toàn không có hình tượng cố định. Trong tranh tết dân gian, có Hỷ Thầntựa Thiên quan, có Hỷ Thần tựa Tài thần. Đời Thanh, tranh tết dân gian “Hỉ thần môn quan” 喜神门官 ở Bắc Kinh vẽ vị Thiên quan một tay cầm hốt, tay kia bưng chữ 囍, phía sau có hai đứa bé cầm cờ phan “song hỉ lâm môn” 双喜临门; còn “song hỉ long môn” 双喜临门 thì vẽ hai đứa bé một đứa tay cầm ngọc như ý, tay kia bưng chữ 囍; còn đứa kia tay cầm cành hoa, tay bưng quả Phật thủ. Cũng có tranh vẽ hai vị Tài thần tay ôm san hô, phía sau mỗi thần có một đồng tử, đồng tử ôm bảo bình, trong bình nổi lên chữ “song hỉ”. “Hoà Hợp nhị tiên” 和合二仙 cũng là Hỷ Thần dân gian. “Hỉ” được miêu hoạ trong tranh tết dân gian “Phúc Lộc Thọ hỉ” 福禄寿喜 chính là tranh mừng tân hôn dán nơi cửa tràn đầy hỉ khánh, tràn đầy không khí cát tường, trong chữ 喜có khảm hình Hoà Hợp nhị tiên.

Chú thích:
1- Ở đây trong nguyên tác in nhầm là chữ 干
2- Ở đây trong nguyên tác là chữ 撰                   
 

Thời cổ, giờ phút giở khăn trùm đầu của cô dâu, luôn là giờ phút cô dâu chú rể lần đầu tiên tương kiến. Chú rể dùng một thanh cây từ từ nhẹ nhàng giỏ khăn trùm đầu đỏ của cô dâu, dưới khăn đó là khuôn mặt của người vợ mà anh ta sẽ nắm tay nhau cùng chung sống.

Đó là tập tục trong lễ cưới dân gian Trung Quốc, đặc biệt là lễ cưới thời cổ. Ngày cô dâu xuất giá, không những phải đội hoa khoác áo đỏ ngồi kiệu, mà trên đầu còn trùm lên một chiếc khăn màu đỏ để bảo vệ cô dâu bình an nhập động phòng.

Tục này đã có từ rất lâu. Sớm nhất là vào thời Đường Tống, tập tục đó đã lưu hành rất rộng. Đỗ Hựu 杜佑 đời Đường trong Thông điển 通典, Ngô Tự Mục 吴自牧 đời Tống trong Mộng lương lục 梦粱录 đều có ghi chép về việc giở khăn trùm đầu của cô dâu lúc động phòng. Chu Thức 朱轼 đời Thanh trong Lễ nghi tiết lược 礼仪节略 cũng đã thuật lại một cách rõ ràng về hình chế của khăn trùm đầu dân gian. Khăn trùm đầu đa phần dùng một tấm lụa màu đỏ khoảng 4, 5 xích chế thành, 4 góc của khăn có buộc tiền đồng hoặc vật trang sức khác. Trước khi cô dâu lên kiệu hoa phải trùm khăn này lên đầu, 4 góc của khăn trĩu xuống, che toàn bộ khuôn mặt, đến sau khi bái đường mới do người khác dùng thanh gỗ gỡ xuống để lộ chân dung.

Cô dâu khi xuất giá tại sao phải đội khăn trùm đầu? theo truyền thuyết việc đó có liên quan Hỉ thần Trụ Vương 喜神纣王, trong đó còn có một câu chuyện thú vị. Tương truyền, khi Khương Tử Nha 姜子牙 phụng mệnh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn 元始天尊 đăng đàn điểm tướng phong thần, phong Trụ Vương là Hỉ thần, chuyên quản việc hôn nhân ở nhân gian, nhà ai kết hôn đều phải mời Trụ Vương tống hỉ, đại khái đó là nhân vì Trụ Vương háo nữ sắc. Nhưng Trụ Vương làm Hỉ thần lại không sửa đổi bệnh háo sắc của mình. Khi Trụ Vương đi tống hỉ, nhìn thấy cô dâu nào xinh đẹp liền đoạt lấy đem về làm vợ bé. Bách tính vô cùng giận, nhưng cưới dâu không thể không mời Hỉ thần. Mọi người không biết làm sao, đành cầu xin Khương Tử Nha tìm cách giúp. Khương Tử Nha bảo mọi người rằng: cho cô dâu đội khăn trùm đầu màu đỏ, khi cô dâu vừa bước vào cửa thì đốt pháo lên. Mọi người làm theo, quả nhiên Trụ Vương vừa thấy cô dâu đội khăn trùm đầu màu đỏ, lại vừa nghe tiếng pháo liền hoảng sợ vội cưỡi mây về trời.

Hoá ra, khi Vũ Vương phạt Trụ đã giương đại hồng kì tiến vào đô thành của Trụ Vương, Trụ Vương sau khi chết, đầu của Trụ Vương bị treo lên ngọn cờ. Còn khi quân hai bên giao chiến, Trụ Vương bị roi thần của Khương Tử Nha đánh, cho nên khi Trụ Vương thấy khăn trùm đầu màu đỏ, nghe tiếng pháo nổ tưởng đó là Khương tử Nha giương cờ tới, dùng roi thần đánh, sợ hãi chạy mất. Nhân đó, về sau khi cưới vợ, mọi người đều cho cô dâu đội khăn trùm đầu màu đỏ, lại đốt một dây pháo dài xua đuổi Trụ Vương, để cô dâu được đón về nhà bình an. Lâu dần, khăn trùm đầu đỏ trở thành bùa hộ thân của cô dâu, đó là câu chuyện mà bách tính khiên cưỡng gán ghép.

Các nhà Dân tục học cho rằng tập tục đội khăn trùm đầu đỏ của cô dâu có nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian cổ xưa. Vương Việp 王晔 đời Nguyên căn cứ vàò một số lượng lớn truyền thuyết đã viết vở tạp kịch Phá âm dương bát quái Đào hoa nữ 破阴阳八卦桃花女, đối với các nghi thức trong hôn lễ dân gian thời Tống Nguyên, lai lịch của tập tục và cấm kị cùng ý nghĩa của nó đều được miêu tả tỉ mỉ.

Chu Càn 周乾 mở một tiệm bói toán để sinh sống, rất giỏi xem quẻ, chiêm bốc linh nghiệm, mọi người gọi ông là Chu Công 周公. Nhưng chiêm thuật của ông nhiều lần bị Đào hoa nữ 桃花女 phá hoại, Chu Công bèn lập kế hãm hại Đào hoa nữ, giả thác là con của mình đến cầu hôn Đào hoa nữ. Đào hoa nữ tương kế tựu kế, bằng lòng hôn sự. Chu Công cố ý chọn ngày hung để nghinh hôn, lại bố trí các hung thần ác sát biến thành những cọc gỗ, đá lạ ngồi bên đường, đợi tập kích Đào hoa nữ. Đào hoa nữ sai người cầm một chiếc sàng đi trước Hỉ thần, tự mình dùng khăn đỏ trùm lên đầu rồi mới lên kiệu, lại dặn mọi người tống thân, trên đường gặp những cây cọc, đá lạ khả nghi, hãy lập tức dùng vải đỏ trùm lên. Hóa ra hung thần ác sát sợ những vật trấn áp như vải đỏ, cho nên không dám tiếp cận kiệu và cô dâu. Như vậy, Đào hoa nữ thuận lợi hoàn thành lễ bái đường thành thân, tiến nhập động phòng, cuối cùng khiến cha chồng đành bái thua cô dâu. Sự việc đó lan truyền ra, một số người muốn tổ chức hỉ sự nhưng lại sợ hung thần ác sát xâm tập, đã bắt chước theo biện pháp của Đào hoa nữ. Từ đó, cô dâu dùng khăn đỏ trùm đầu diễn hoá thành hôn tục lưu truyền trên đời.

Hỉ thần truyền thuyết - Cao Môi Nữ Oa

Nữ Oa 女娲 là vị nữ thần được dân gian Trung Quốc sùng bái từ lâu đời, bà được xem là sáng thế thần, thuỷ tổ thần, lại là hồng hỉ thần chuyên quản việc hôn nhân, tức vị Môi thần 媒神 (vị thần chuyên về mai mối hôn nhân) sớm nhất từ khi có sử đến nay.

Theo truyền thuyết, Nữ Oa có thể hoá sinh vạn vật, công tích vĩ đại của bà một là luyện đá vá trời, hai là nặn đất thành người. Nữ Oa dùng hoàng thổ và nước tạo ra con người, nghĩ đến người cần phải đời đời nối nhau, sinh sôi bất tuyệt, vì thế sáng lập ra chế độ hôn nhân, khiến nam nữ kết hợp sinh đẻ con cái, thế là Nữ Oa trở thành người mai mối đầu tiên, được đời sau tôn thờ là “Môi thần”, cũng được xưng là “Cao môi” 高禖. Điển lễ mà mọi người tế tự vị thần này rất long trọng. Sự xuất hiện của thần Nữ Oa đã phản ánh hôn nhân trong xã hội thị tộc mẫu hệ lấy nữ làm trung tâm, nữ tộc trưởng nắm giữ đại sự hôn nhân trong toàn tộc.

Nữ Oa, nữ đế thời thượng cổ, dân gian xưng là Nữ Oa Nương Nương 女娲娘娘, có danh khí rất lớn trong số chư thần viễn cổ được dân gian thờ kính. Hình tượng Nữ Oa được ghi chép trong Sơn Hải kinh 山海经 là mặt người thân rắn, một ngày có 70 lần biến hoá, thần thông quảng đại.

Trong Hoài Nam Tử - Lãm minh 淮南子 - 览冥có nói, thời thượng cổ, bốn trụ chống trời bị phế, cửu châu tách ra, trời không thể che toàn bộ, đất không thể chở toàn bộ. Khắp nơi đều là đại hoả hồng thuỷ, mãnh thú ăn thịt người, chim lớn cắp lấy người già và trẻ nhỏ để ăn. Lúc bấy giờ Nữ Oa đang luyện đá ngũ sắc để vá trời, liền bẻ lấy chân con ngao làm trụ chống, giết hắc long cứu Kí Châu 冀州, tích chứa tro của cỏ lô để ngăn nước lớn. Công lao của bà, trên có thể đến chín tầng trời, dưới có thể đến địa phủ.

Lại có truyền thuyết Nữ Oa nặn đất tạo ra con người mà nhà nhà đều biết. Truyền thuyết kể rằng, khi trời đất vừa mới từ hỗn độn tách ra, trên mặt đất không có người. Nữ Oa cho rằng có người, cuộc sống trên mặt đất sẽ tốt hơn, thế là bà dùng hoàng thổ nặn thành người. Công việc quá nhiều, bà quả thực rất bận, bèn dùng sợi dây thừng nhúng vào bùn đất, vết bùn văng ra thành con người. Con người được tạo ra phải thông qua hôn nhân mới có đời sau, nhân đó mà Nữ Oa không chỉ tạo ra con người mà còn quan tâm đến việc hôn nhân của con người.

Để cho nhân loại được kéo dài liên miên bất tuyệt, Nữ Oa đặt ra tính thị và chế định lễ chế hôn thú, sáng lập ra chế độ hôn nhân, khiến nam nữ tương ái kết hợp, kiến lập gia đình, sinh con đẻ cháu. Bà được tôn xưng là “Môi thần” 媒神, cũng xưng là “Cao môi” 高媒, “Cao môi” 皋媒, “Thần môi”神媒, “Nữ môi” 女媒... vị thần chuyên về ái tình, hôn nhân, sinh sản.

Mã Túc 馬驌đời Thanh trong quyển Dịch sử 绎史 đã dẫn Phong tục thông 风俗通, nói rằng, Nữ Oa trong miếu Thần, đảo cáo cầu xin thần cho bà làm “Nữ môi”. Được Thần hứa cho, Nữ Oa bèn sắp xếp việc hôn phối của nam nữ , từ đó mới có hôn nhân. La Bí 罗泌 đời Tống trong Lộ sử - Hậu phi nhị 路史 - 后妃二 nói rằng, Nữ Oa làm người mai mối, cho nên người đời sau khi kiến lập quốc gia, đã thờ bà làm Môi thần. Thời Tiên Tần, thiên tử đích thân chủ trì tế tự Môi thần, nghi thức long trọng, xét thực chất là hình thức biểu đạt tế bái tổ tiên. Trong Lễ kí 礼记 có chép, để tế tự Thần hôn nhân, mọi người tại vùng ngoại ô kiến lập miếu Cao môi 高禖, dùng lễ tiết long trọng nhất là tam sinh heo, trâu, dê nguyên cả con để dâng tế. Nữ Oa không chỉ tạo ra người Trung Quốc mà còn là vị thần hôn nhân của người Trung Quốc. Trong Chu lễ - Môi thị 周礼 - 媒氏 có nói: Tháng 2 Trọng Xuân, thanh niên nam nữ tập trung lại với nhau ca múa vui chơi. Nam nữ nào tâm đầu ý hợp, ra nơi đồng trống, lấy trăng sao trên trời làm màn, lấy cỏ xanh làm giường, tự do kết hôn, gọi là “thiên tác chi hợp” 天作之合, lúc bấy giờ không ai có thể can thiệp, việc tư bôn cũng không cấm chỉ, người mà không có con, cũng đến miếu Nữ Oa cầu xin, Nữ Oa nhân đó cũng kiêm luôn làm “Tống Tử Nương Nương” 送子娘娘.

 

Hỉ thần truyền thuyết - Hoà Hợp nhị tiên

Trong dân gian, khi tổ chức hôn lễ, phòng cưới thường treo tranh cát tường, vẽ hai vị đồng tử xoả tóc, miệng cười hớn hở rất đáng yêu, một mặc áo đỏ, một mặc áo xanh, một đồng tử tay cầm hoa sen còn đồng tử kia tay bưng chiếc hộp, từ trong hộp bay ra 5 con dơi. Cả hai đồng tử tương thân tương ái, nét mặt vui tươi hoan hỉ, mọi người mượn hình ảnh đó để chúc mừng cô dâu chú rể vĩnh kết đồng tâm, bạch đầu giai lão. Đó chính là Hoà Hợp nhị tiên 和合二仙 mà rất được dân gian yêu thích, cũng là Hồng hỉ thần 红喜神 mà dân gian Trung Quốc sùng bái, là Hoà Hợp hỉ thần 和合喜神 mà cô dâu chú rể lúc thành hôn cần tế bái.

Tây Hồ ngư ẩn chủ nhân 西湖渔隐主人 đời Thanh trong Hoan hỉ oan gia 欢喜冤家, ở hồi thứ 5 có miêu tả cô dâu chú rể bái Hoà Hợp hỉ thần. Vật phẩm mà Hoà Hợp hỉ thần cầm trong tay, từng món từng món đều có sự chú trọng. Hoa sen tượng trưng ý nghĩa “tịnh đế liên” 并蒂莲, chiếc hộp tượng trưng ý nghĩa “hảo hợp” 好合, còn 5 con dơi ngụ ý “ngũ phúc lâm môn” 五福临门, đại cát đại lợi. Trong bức Song bái hoa đường 双拜花堂 của Dương Liễu thanh niên hoạ 杨柳青年画 đời Thanh biểu hiện tập tục đương thời treo ảnh Hoà Hợp Nhị Tiên trong gian phòng cưới.

Hoà Hợp nhị tiên nguyên trong dân gian là Hoan hỉ thần Vạn Hồi Ca Ca 万回哥哥 , tượng trưng một nhà đoàn tụ hoà hợp, bình an hạnh phúc, về sau diễn biến thành Cát tường Thần Hàn San 寒山 và Thập Đắc 拾得, tượng trưng cho hôn nhân hoà hợp, phu thê hài hoà. Hoà hợp nhị tiên khởi nguồn tương đối sớm, nguyên là một người, nhục thân phàm thai, là tăng nhân Vạn Hồi 万回đời Đường.

Theo ghi chép trong Khai thiên truyện tín kí 开天传信记 của Trịnh Khể 郑綮 đời Đường, tăng nhân Vạn Hồi 万回 đời Đường tục tính là Trương 张, có một người anh đi lính ở An Tây 安西, đã lâu không có tin tức, cha mẹ rất nhớ, ngày đêm khóc mãi. Thấy tình hình đó, Vạn Hồi nói rằng: Cha mẹ chớ có nóng lòng, con sẽ đi thăm huynh trưởng.

Sáng sớm hôm sau, Vạn Hồi rời nhà, chiều tối đã về lại, nói cha mẹ rằng, huynh trưởng bình an vô sự. Lại còn mang về một phong thư, mở ra xem, đúng là bút tích của người anh. Trong một ngày mà Vạn Hồi đi về cả vạn dặm, cho nên mới được xưng là “Vạn Hồi”. Đời Tống, Vạn Hồi được xem là “Đoàn viên chi thần” 团圆之神, xưng “Hoà hợp” 和合, ý muốn nói:
          Duy hữu Hoà hợp, thuỷ đắc Vạn Hồi, duy kì Vạn Hồi, phương xưng Hoà Hợp.
          惟有和合, 始得万回, 惟其万回, 方称和合
          (Chỉ có Hoà hợp mới được Vạn Hồi; duy chỉ Vạn Hồi mới gọi là Hoà hợp)

Trong Tiền Đường di sự 钱塘遗事 quyển 1 của Lưu Nhất Thanh 刘一清 đời Nguyên, ở điều Vạn Hồi Ca Ca 万回哥哥 có nói: Vạn Hồi được tôn phụng làm Cát tường thần bảo hộ gia đình hoà hợp, bình an hạnh phúc, quan phương và dân gian thậm chí kĩ nữ không ai là không phụng thờ Vạn Hồi Ca Ca, mỗi khi đến lúc ăn cơm tất phải tế tự. Theo truyền thuyết, tế tự Vạn Hồi có thể khiến cho thân nhân nơi xa vạn dặm trở về đoàn tụ, ảnh thờ là một người xoả tóc, miệng cười hớn hở, mặc áo màu, tay trái giơ cao cái trống, tay phải cầm cây gậy, gọi là Hoà Hợp chi thần. Trong Tây Hồ du lãm chí dư 西湖游览志余 của Điền Nhữ Thành 田汝成 đời Minh, ở quyển 23 cũng có những ghi chép tương đồng, nhưng nói đời Minh “kì tự tuyệt hĩ” 其祀绝矣 (không còn phụng thờ).

 Đại khái vào cuối đời Minh đầu đời Thanh, Hoà Hợp nhị tiên dần từ 1 thần biến thành 2 thần, dân gian căn cứ hàm nghĩa hoà hợp cho rằng “hoà” là sự hài hoà của hai phương diện, “hợp” cũng là sự hảo hợp của hai phương diện, thế thì Hoà Hợp thần do 1 người đảm nhiệm là không thích hợp, dần đem Hoà Hợp thần từ 1 phân thành 2, nguyên là Vạn Hồi Ca Ca, vị thần hoà hợp của một nhà biến thành Hàn San và Thập Đắc hai vị thần hoà hợp trong hôn nhân. Cuối cùng quan phương cũng thừa nhận điểm này. Hoàng đế Ung Chính 雍正 đích thân phong Hàn San Đại Sĩ 寒山大士 là Hoà Thánh 和圣, Thập Đắc Đại Sĩ 拾得大 士 là Hợp Thánh 合圣, từ đó nổi danh khắp thiên hạ.

Hai chữ 和 (hoà) và 合 (hợp) trong giáp cốt văn và kim văn đã đơn độc xuất hiện, “hoà” chỉ âm thanh hoà nhau, “hợp” chỉ môi trên môi dưới hợp lại. từ “hoà hợp” 和合 được thấy sớm nhất trong Chu lễ - Địa quan 周礼 - 地官, lời sớ ở Môi thị” 媒氏 ghi rằng:
Sử môi cầu phụ, hoà hợp nhị tính.
使媒求妇, 和合二姓
(Để người mai mối tìm cô dâu, hoà hợp hai họ)

       Đây là sự giải thích chính xác về từ “hoà hợp”, hoà hợp là nam nữ hai họ kết hợp thành vợ chồng, hoà mục đồng lòng, hảo hợp hài hoà. Cho nên Hoà Hợp thần vốn là hoà hợp người trong nhà dần diễn biến thành Hoà Hợp thần trong hôn nhân; đồng thời nguyên là một vị thần xoả tóc, miệng cười hớn hở, giơ cao cái trống, cầm gậy, diễn biến thành 2 vị thần, một vị cầm hoa sen, vị kia bưng chiếc hộp. Cầm hoa sen tức “trì hà” 持荷, chữ 荷 (hoa sen) hài âm với chữ 和 (hoà hợp), bưng chiếc hộp cũng từ ý nghĩa này.

Trong dân gian lưu truyền một câu chuyện, Hàn San và Thập Đắc sống cùng một thôn, hai người thân nhau như anh em, lại đồng thời yêu một người con gái, nhưng cả hai không biết. Về sau Thập Đắc muốn kết hôn cùng cô gái nọ, Hàn San mới biết, thế là bỏ nhà đi đến Phong kiều 枫桥 ở Tô Châu 苏州 cạo tóc làm tăng. Thập Đắc sau khi biết được chân tướng, cũng rời bỏ cô gái đi đến Giang Nam 江南 tìm Hàn San. Biết được nơi ở của Hàn San, Thập Đắc liền bẻ một cành sen đem đến làm lễ gặp mặt. Hàn San vừa mới thấy, vội bưng hộp cơm ra đón. Hai người vui mừng cực độ, quyết định không xa nhau nữa, Thập Đắc cũng xuất gia. Hai người tại nơi đó khai sơn lập miếu gọi là Hàn San tự 寒山寺. Thế là, Hoà Hợp nhị thánh dần trở thành Hỉ thần nắm giữ việc hôn nhân, có biệt xưng là “Hoan Thiên Hỉ Địa” 欢天喜地.

 Tranh tết dân gian thường vẽ hai thánh Hàn San, Thập Đắc, một vị cầm hoa sen, một vị bưng chiếc hộp tròn, trong hộp đựng đầy châu báu, đồng thời có một đàn dơi bay ra, ngụ ý tài phú vô cùng vô tận. “Hà” 荷 (sen) và “hạp” 盒  (hộp) đồng âm với “hoà hợp” 和合, “Hoà Hợp nhị thánh” 和合二圣 ngụ ý phu thê hoà mục, tài lộc vô cùng, điều mà gọi là “gia hoà vạn sự hưng” 家和万事兴vậy.

Trong tranh tết dân gian, hình tượng Hoà Hợp nhị tiên cũng vẽ thành hai đứa bé giống Lưu Hải 刘海 (1), mỗi đứa bé tay cầm một chiếc hộp tròn, bên trong hé lộ một con cóc vàng (kim thiềm 金蟾) sắc xanh, hoặc từ trong hộp bay ra 2 luồng khí, trên 2 luồng khí nâng 2 đồng tiền vàng.
Vùng Nam Giản 南涧, Bảo Sơn 保山ở Vân Nam 云南, nhà có hôn lễ thường dán nơi cửa tranh “Hoà Hợp hỉ thần”, khác với Hoà Hợp nhị tiên ở nội địa. Hoà Hợp nhị tiên ở nội địa là 2 đồng tử miệng cười hớn hở, Hoà Hợp nhị tiên ở Bảo Sơn như là một đôi nam nữ , thân thể hợp nhau thành nhất thể, hai bên có 2 vị đồng tử; Hoà Hợp nhị tiên ở Nam Giản là một đôi nam nữ, nam khoác áo bào đội mũ, chân đi ủng; nữ đầu đội miện hoa, trang phục thêu như trong cung đình, thân thể hợp nhất, tả hữu 2 bên có 2 đồng tử, hình thức rất đặc biệt, càng tăng thêm nét thế tục hoá.

Hỉ thần truyền thuyết - Nguyệt Quang Bồ Tát

 Nguyệt thần 月神 còn được gọi là Nguyệt Quang Bồ Tát 月光菩萨, Nguyệt Quang Nương Nương 月光娘娘, Nguyệt Cung Nương Nương月宫娘娘, Thái Âm Tinh Chủ 太阴星主, Nguyệt Cung Thái Âm Thiên Tôn 月宫太阴天尊... là một trong những vị thần tiên lưu truyền rộng rãi nhất trong dân gian Trung Quốc. Sự sùng bái Nguyệt thần tại Trung Quốc có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ việc sùng bái thiên thể trong tín ngưỡng nguyên thuỷ, phản ánh khát vọng và sự yêu thích của người đời đối với ánh sáng mặt trăng.

 Mặt trăng loang lổ, âm u lúc tròn lúc khuyết khiến mọi người cảm thấy có sự thần bí. Trong đêm tối, mặt trăng mang lại ánh sáng, ánh sáng mông lung, lại khiến mọi người tưởng tượng xa vời, nhân đó mà nảy sinh nhiều giai thoại.

Truyền thuyết Nguyệt thần cổ xưa nhất xuất phát từ bộ Sơn hải kinh 山海经 nguồn gốc của thần thoại Trung Quốc. Thê tử của Đế Tuấn 帝俊 là Thường Hi 常羲 là nữ thần mặt trăng xinh đẹp, bà sinh được 12 cô gái mặt trăng, cư trú ở phía tây hoang dã. Thường Hi thường tắm cho các cô ấy.

Trong thần thoại về mặt trăng, nhà nhà đều biết câu chuyện “Thường Nga bôn nguyệt” 嫦娥奔月. Trong Hoài Nam Tử - Lãm minh huấn 淮南子 - 览冥训có chép, Thường Nga 嫦娥 là thê tử của Hậu Nghệ 后羿, nhân vì Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời, đắc tội với Thiên Đế, Thiên Đế biếm ông ta xuống nhân gian. Về sau, Hậu Nghệ có được thuốc trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu 西王母, sau khi Thường Nga lén uống linh dược đã bay lên trời. Thường Nga sợ bị thiên tiên chê cười nên đã trốn ở cung trăng, trở thành chủ nhân của mặt trăng. Thường Nga tiến vào cung Quảng Hàn 广寒 thành Nguyệt Thần, xưng là Nguyệt Quang Nương Nương月光娘娘.

Từ đó về sau, Nguyệt thần được thờ cúng trong dân gian tương đối phổ biến. Trung Quốc xem Thường Nga là Nguyệt thần, đại biểu cho cái đẹp, thiện lương cùng với những tính cách ưu mĩ đủ để đại biểu cho nữ tính.

Trong truyền thuyết dân gian về mặt trăng có Nguyệt Quang Bồ Tát月光菩萨, quản về việc hôn nhân tốt đẹp và phu thê đoàn viên. Lại có truyền thuyết Nguyệt thần thường hoá thành Nguyệt Hoa 月华, giáng lâm đến nhân gian, người gặp được, chỉ cần đến trước thành tâm bái cầu, lập tức có thể được phúc lộc. Nam nữ thời cổ ở Trung Quốc khi yêu nhau thường thề hẹn dưới trăng, bái cầu Nguyệt thần. Những người yêu nhau mà bị xa cách cũng bái cầu Nguyệt thần gởi gắm tâm tư, cầu xin được đoàn viên. Những người con trai đơn phương tương tư, thành tâm cầu bái Nguyệt Quang Bồ Tát, có thể sẽ được nhân duyên mĩ mãn; nếu nhân duyên có trắc trở, cầu xin Nguyệt Quang Bồ Tát chứng kiến và phân tích, cầu được công bằng. Phong tục bái trăng, bao hàm những tình cảm tốt đẹp, những nguyện vọng tốt đẹp, những truy cầu tốt đẹp.
          Để có được một tình yêu đẹp, việc cầu khấn Nguyệt thần trong một số lớn tác phẩm văn học đâu đâu cũng có. Đại hí kịch gia đời Nguyên Quan Hán Khanh 关汉卿 từng viết vở Bái nguyệt đình 拜月亭. Thôi Oanh Oanh 崔莺莺trong Tây sương kí 西厢记cũng chân thành thổ lộ tâm tình với Nguyệt thần hi vọng gặp được ý trung nhân. Ở hồi thứ 18 trong tác phẩm Tục Kim Bình Mai 续金瓶梅 của Đinh Diệu Kháng 丁耀亢đời Thanh có đôi si nam oán nữ Trịnh Ngọc Khanh 郑玉卿 và Ngân Bình 银瓶 sau khi lén ăn qua trái cấm, mở cửa cùng quỳ bái lạy Nguyệt thần thề rằng: Trong hai người nếu có một người phụ bạc sẽ chết dưới muôn ngàn đao kiếm. Điều thú vị là, một số nam nữ đơn phương tương tư cũng xin Nguyệt thần phân xử hoặc bày tỏ nỗi lòng.

Nhiều dân tộc thiểu số ở Trung Quốc cũng thịnh hành phong tục bái nguyệt. Như Miêu tộc 苗族 có hoạt động “khiêu nguyệt” 跳月, nam nữ thanh niên khi “khiêu nguyệt”, tìm kiếm người hợp với mình thổ lộ tình cảm vĩnh kết đồng tâm.

Thời Minh Thanh, hình tượng Nguyệt thần phát sinh sự biến hoá trọng yếu, lấy đồ cảnh nguyệt cung với Thường Nga mang sắc thái Đạo giáo của thời kì đầu làm chính, diễn biến thành hình tượng thế tục dung hợp đạo Phật với Nguyệt Quang Bồ Tát tồn tại cùng thỏ ngọc giã thuốc. Thời kì này, mọi người thờ cúng hình vẽ Nguyệt Quang Bồ Tát trên giấy, cũng gọi là Nguyệt Quang Mã Nhi 月光马儿, Nguyệt Cung Mã 月宫马. Phú Sát Đôn Sùng 富察敦崇đời Thanh có miêu thuật tỉ mỉ Nguyệt Quang Mã trong Yên Kinh tuế thời kí 燕京岁时记.

Ngày rằm tháng 8 Trung Thu là sinh nhật của Nguyệt thần, cho nên mỗi khi đến đêm Trung Thu, mọi người đều tế bái Nguyệt thần. Trăng tròn treo trên không, ánh sáng trải khắp mặt đất, nhà nhà đều đặt hương án trong sân, bày ra bánh và trái cây hợp mùa, hoa tươi, thắp lên đèn hương, phụ nữ và trẻ con hướng đến mặt trăng tế bái. Trong dân gian lưu truyền câu: “nam bất bái nguyệt” 男不拜月, cho nên bái nguyệt trở thành việc riêng của phụ nữ, chủ nhà phụ nữ bận rộn việc tế bái.

Hỉ thần truyền thuyết - Tổ tiên hoạ tượng

 Đời Tống gọi “hoạ tượng” 画像 (ảnh chân dung) là Hỉ thần, Hỉ thần là lời tục thường dùng đời Tống.
          Từ đời Tống trở về sau, Hỉ thần đa phần chỉ hoạ tượng tổ tiên. Sùng bái tổ tiên là sự kết hợp giữa quan niệm hồn quỷ và quan niệm huyết duyên, cho nên tổ tiên cũng xưng là Thần tổ, bài vị tổ tông cũng xưng là Thần chủ, di tượng tổ tông cũng xưng là Hỉ thần. Trong tổ tông được sùng bái, đối với việc lập nghiệp của gia tộc, sinh sôi phát triển có cống hiến đột xuất thì thuỷ tổ là chí tôn, thần cách tối cao, được thờ phụng làm thần bảo hộ của gia tộc tính thị huyết thống. Con cháu kiền thành thắp hương lễ bái, nhớ tới ân trạch cần cù khai phá của tiên nhân, cầu mong sự bảo hộ tổ linh vĩnh hằng bất diệt. Cho nên tế tổ, bái tổ trở thành đại sự của mọi người.
          Du Minh 俞明 trong Ngũ muội cựu mộng 五妹旧梦 có thuật lại thuyết vào năm mới tế bái Hỉ thần:
          Nhập tứ dạ hậu, trạch tử lí đáo xứ phi hồng quải thái, môn sảnh lí quải khởi tứ trản đại hồng đăng lung, hoàn hình sảnh thượng quải trước kỉ trản tẩu mã đăng. Cung trác thượng thỉnh xuất Hỉ thần, Hỉ thần tựu thị tổ tông thần thượng, chính trung nhất bức đại hồng hỉ tự, thị Hàm Phong đế tứ cấp Bành Khải Phong đích ngự bút.
          廿四夜后, 宅子里到处披红挂彩, 门厅里挂起四盏大红灯笼, 环形厅挂上著几盏走马灯. 供卓上请出喜神, 喜神就是祖宗神像, 正中一幅大红喜字, 是咸丰帝赐给彭启丰的御笔.
          (Sau đêm ngày 24, trong nhà khắp nơi treo lụa đỏ gấm màu, trong môn sảnh treo 4 chiếc đèn lồng đỏ lớn, trong sảnh hình tròn treo mấy chiếc đèn tẩu mã. Trên bàn cúng, thỉnh Hỉ thần ra, Hỉ thần chính là thần tượng tổ tông, chính giữa là bức chữ hỉ lớn màu đỏ, là ngự bút của hoàng đế Hàm Phong tặng cho Bành Khải Phong)
          Cuối đời Thanh, Ngô Nghiên Nhân 吴研人 trong quyển Nhị thập niên mục đổ chi quái hiện tượng 二十年目睹之怪现状, ở hồi thứ 79 “Luận tang lễ thống biếm lậu tục, chúc minh thọ nhạ xuất kì đàm” 论丧礼痛砭陋俗祝冥寿惹出奇谈 đã miêu tả:
Đến ngày đầu chính nhật, thiết lập thọ đường, Bá Minh đích thân chỉ huy đốc suất trần thiết thoả đáng, bèn nói với Nhã Cầm 雅琴: “Lúc này đây có thể thỉnh Hỉ thần lão bá mẫu ra.” Nhã Cầm hỏi: “Hỉ thần nào?” Bá Minh đáp: “Chính là chân dung”. Nhã Cầm mới hỏi: “Là như thế nào?” Bá Minh đáp: “Một người mất đi, dựa theo khuôn mặt của họ mà vẽ một chân dung, đến năm mới thì treo lên để thờ, bái âm thọ này không thể thiếu được.”
          Dân gian thời Minh Thanh cũng gọi tổ tông là Hỉ thần, thời trước nhà nhà đa phần treo vào lúc Trừ tịch, dùng hương đăng quả phẩm trà để dâng cúng, đồng thời dẫn người trong nhà đến bái, gọi là “bái Hỉ thần”. Cố Lộc 顾禄, người Thanh trong quyển Thanh gia lục – Chinh nguyệt – Quải Hỉ thần 清嘉录 - 正月  - 挂喜神 chép tập tục Tô Châu, nói rằng:
          Mồng 1 tháng Giêng năm mới âm lịch, nhà nhà đều treo hoạ tượng tổ tiên, trước thần vị tổ tiên thắp hương cúng bái, người trong nhà theo thứ tự lớn nhỏ kiền thành tế bái, gọi là bái Hỉ thần.
          Xuân tiết tế tổ là sự lưu truyền việc sùng bái tổ tiên từ thời viễn cổ, cầu âm linh tổ tiên phù hộ, giáng phúc cho mình, tự nhiên xem tổ tiên là Hỉ thần. Thái Vân 蔡云 người Thanh trong Ngô Du bách tuyệt 吴歈百绝 cũng nói:
Hữu kỉ nhân gia quải Hỉ thần
Thông thông bái tiết sấn thanh thần
Đông phì niên sấu sinh phân biệt (1)
Thượng tập Cơ gia kiến Tí xuân
有几人家挂喜神
匆匆拜节趁清晨
冬肥年瘦生分别
尚袭姬家建子春
(Có mấy nhà treo tượng Hỉ thần
Vội vàng lễ bái nhân lúc sáng sớm
Có sự phân biệt coi trọng Đông chí mà coi nhẹ tiết xuân
Theo tập tục nhà Chu lấy tháng 11 kiến Tí làm đầu năm)
Ghi chép rõ tập tục chủ yếu lúc Đông chí là bái tiết, kính thần, cũng cho thấy vị thần được kính đó là Tổ tiên Hỉ thần.
          Tập tục ở Thái Bình 太平 An Huy 安徽, tổ tông không chỉ được cả tộc tế tự trong từ đường của làng, mà còn được tế tự trong mỗi gia đình, ăn tết cùng con cháu. Ngày 24 tháng Chạp, là ngày tổ tông “hạ giá” 下驾, mỗi nhà trước đó mấy ngày phải dọn dẹp chính sảnh, lau chùi sạch sẽ, từ lầu gác cao nhất của cả nhà thỉnh Tổ tông Hỉ thần ra, từng bức từng bức treo lên. Phục trang của Tổ tông Hỉ thần, có từ mũ ô sa đai ngọc của triều Minh đến linh đới triều châu của triều Thanh, lại còn có “yến vĩ phục”, mũ đại lễ thời Dân Quốc. Nơi chính sảnh treo hoa đăng cung đình lụa đỏ, dưới trải thảm đỏ, bàn và ghế nhất loạt gắn màn đỏ, trên án thắp đuốc đỏ, có mâm son, nhìn thấy lung linh mãn nhãn, hỉ khí tràn trề.

Chú của người dịch
1- Tập tục vùng đất Ngô đa phần coi trọng Đông chí mà coi nhẹ tiết xuân, Đông chí đến nhà nhà đều sắm sửa lễ vật dâng cúng rất hậu, còn ngày tết thì ít hơn nên mới có câu “Đông phì niên sấu”.
          Người xưa lấy tháng có tiết Đông chí 冬至 (tháng 11 theo lịch nhà Hạ) làm tháng kiến Tí. Cơ gia 姬家chỉ triều Chu, lịch pháp triều Chu lấy tháng đó làm tháng đầu của năm, cho nên có thể gọi tuế thủ của Chu lịch là “kiến Tí xuân”.

admin
Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng