Dòng Họ Nguyễn Huy Hà Tĩnh - Trường Lộc, Huyện Can Lộc

Thứ bảy, 24/07/2021, 16:13

Ngày 16/10/2018, Hà Tĩnh công bố Hoàng hoa sứ trình đồ Di sản tư liệu ký ức thế giới. Sự kiện này thêm một lần nữa tô đậm những giá trị văn hoá độc đáo mà dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đóng góp cho nền văn hoá Việt Nam.

vien-sy-nguyen-huy-my

Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ

Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ với phóng viên Báo Hà Tĩnh về nguyện vọng xây dựng làng văn hoá Trường Lưu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của làng cũng như của dòng họ Nguyễn Huy.

Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu trong dòng chảy văn hoá dân tộc. Hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu cùng nhau ôn lại những đóng góp của ông cha đối với văn hoá, lịch sử dân tộc.

Làng Trường Lưu trong những ngày cận kề lễ rước bằng công nhận di sản tư liệu ký ức thế giới Hoàng Hoa sứ trình đồ như tất bật và thiêng liêng hơn trong công tác chuẩn bị, trong những hồi ức của những người con dòng họ về ông cha mình. Con cháu dòng họ ở phương xa có rất nhiều người đã trở về. Trong mỗi câu chuyện, trong từng hồi ức của họ đều lấp lánh niềm tự hào về những giá trị mà ông cha đã tạo dựng, đóng góp vào dòng chảy văn hoá dân tộc.

Giá trị đầu tiên mà dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đóng góp cho nền văn hoá Việt Nam là sự nghiệp dạy học của rất nhiều thế hệ. Từ vị tổ đầu tiên Nguyễn Uyên Hậu là một nhà giáo tại kinh thành Thăng Long, con cháu của dòng họ đã có rất nhiều người theo nghiệp dạy học và trở thành những người thầy nổi tiếng. Trong đó, sáng chói nhất là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh – hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ. Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu trong dòng chảy văn hoá dân tộc Thế hệ trẻ trên quê hương Can Lộc tìm hiểu về Mộc bản Trường Lưu được trưng bày ở UBND xã Trường Lộc.

Mặc dù giữ nhiều chức vụ lớn trong triều đình nhưng giá trị văn hoá mà Nguyễn Huy Oánh để lại cho dòng tộc, cho quê hương và đất nước lại là trong thời gian trí sỹ tại quê nhà. Tại quê hương Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh đã lập Phúc Giang thư viện và mở trường dạy học gọi là Trường Lưu học hiệu. Trường học này về sau được đánh giá là một trường có thư viện đầy đủ không thua kém những trường học tầm cỡ tại Thăng Long. Chỉ riêng một Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện đã khiến Trường Lưu nổi lên như một làng văn hiến văn vật. Và, họ Nguyễn Trường Lưu kể từ Nguyễn Huy Oánh trở đi cũng được liệt vào đại tộc đất Hồng Lam.

Cũng chính tại Phúc Giang thư viện, bằng việc cho khắc in gỗ các loại sách mà ngày nay Việt Nam có di sản văn hoá thế giới Mộc bản Trường Lưu. Hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu được đánh giá là đã vượt qua khuôn khổ của một dòng tộc và có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc.

Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu trong dòng chảy văn hoá dân tộc. Học sinh Trường Tiểu học Trường Lộc thích thú khi tìm hiểu về cuốn sách Hoàng Hoa sứ trình đồ. Ông Nguyễn Huy Quang – tộc trưởng chi 2 họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu cho biết: “Kế thừa truyền thống của dòng họ, hiện nay con cháu theo nghề dạy học rất nhiều. Những viện sỹ, tiến sỹ, giáo sư đầu ngành đang dạy học ở các ngôi trường danh tiếng trong và ngoài nước chính là niềm tự hào, tấm gương sáng, là động lực để con cháu dòng họ học tập và noi theo, tiếp tục đem tài năng, trí tuệ của mình hoà vào dòng chảy văn hoá dân tộc”.

Các thế hệ hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu còn ghi danh vào sự phát triển văn hoá dân tộc bằng sự nghiệp trước tác lừng lẫy. Với việc lập ra “Hồng Sơn văn phái” vang danh cả nước cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân), dòng họ Nguyễn Huy được đánh giá là một cự tộc về trước tác.

Ở lĩnh vực này, tên tuổi tiêu biểu nhất vẫn là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh với 40 quyển sách về nhiều vấn đề trong xã hội. Ông chính là người mở đầu cho văn học dòng họ Nguyễn Huy và là tác gia tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam thế kỉ XVIII. Trong đó, tác phẩm Hoàng Hoa sứ trình đồ ghi lại hành trình đi sứ Trung Hoa từ cửa ải đến Bắc Kinh, có giá trị về mặt địa lí hành chính và thể hiện tài hội họa của tác giả đã vừa được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.

Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu trong dòng chảy văn hoá dân tộc Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ với phóng viên Báo Hà Tĩnh về nguyện vọng xây dựng làng văn hoá Trường Lưu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của làng cũng như của dòng họ Nguyễn Huy.

Ngoài Nguyễn Huy Oánh, dòng họ Nguyễn Huy còn đóng góp rất lớn cho nền văn học trung đại Việt Nam bằng gia tài thơ Hán Nôm của Nguyễn Huy Quýnh, các truyện thơ Nôm “Hoa Tiên” của Nguyễn Huy Tự và “Mai Đình mộng ký” của Nguyễn Huy Hổ. Các tác phẩm “Hoa Tiên ký” và “Mai Đình mộng ký” đều được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học dòng họ Nguyễn Huy và đã tạo nên những dấu mốc quan trọng trong lịch sử truyện thơ Nôm Việt Nam, nhất là với truyện Nôm bác học.

Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ - Hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ, người từng giảng dạy tại Liên bang Nga cho biết: “Trải qua hàng trăm năm, những đóng góp của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đối với văn hoá, lịch sử của dân tộc đã và đang được các thế hệ hậu duệ bảo tồn và phát huy. Hiện nay, chúng tôi cũng tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, tiến hành lập quy hoạch xây dựng làng văn hoá Trường Lưu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của làng và dòng họ Nguyễn Huy”.

Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Trường Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh) đã đóng góp cho dân tộc 3 danh nhân văn hoá, 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và gần 40 viện sỹ, tiến sỹ, giáo sư đầu ngành. Những “tài sản” ấy không chỉ làm rạng danh dòng họ, quê hương mà còn góp phần to lớn vào các thời kỳ dựng xây đất nước.

Nguồn: Baohatinh.vn

 

Chuyện về một dòng họ, hai di sản thế giới

hoang-hoa-su-trinh-do

Có một dòng họ ở vùng quê thuần nông của Hà Tĩnh nhưng có đến 11 di tích văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, mới đây hai di sản của dòng họ này được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.
Đó là dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Lấy chữ trồng người

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé qua làng Trường Lưu của xã Trường Lộc để tìm hiểu về ngôi làng này cũng như về dòng họ nổi tiếng Nguyễn Huy.

Làng Trường Lưu nhỏ, được bao phủ bởi những rặng tre, xung quanh là đồng ruộng mênh mông. Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu là một dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt cao.

ho-nguyen-huy-ha-tinh
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh)

Dòng họ này có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dạy học của Việt Nam. Từ vị tổ đầu tiên Nguyễn Uyên Hậu là một nhà giáo tại kinh thành Thăng Long, con cháu của dòng họ đã có rất nhiều người theo nghiệp dạy học và trở thành những người thầy nổi tiếng như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh - hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ.

Tại quê hương Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh đã lập Phúc Giang thư viện và mở trường dạy học gọi là Trường Lưu học hiệu. Tại đây, ông còn cho khắc in gỗ các loại sách.

Trường học này về sau được đánh giá là một trường có thư viện đầy đủ không thua kém những trường học tầm cỡ tại Thăng Long. Chỉ riêng một Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện đã khiến Trường Lưu nổi lên như một làng văn hiến văn vật.

Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu có gần 40 viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ đầu ngành.

Ông Nguyễn Huy Lý, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trường Lộc, Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Huy chia sẻ: “Là con cháu của dòng họ Nguyễn Huy, chúng tôi không khỏi tự hào về tổ tiên, dòng họ của mình. Đây chính là động lực để con cháu dòng họ học tập và noi theo”.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Lý thì phương châm của dòng họ là lấy chữ trồng người.

“Trong 45 chi phái của dòng họ thì chi nào cũng có quỹ khuyến học. Đây là nguồn quỹ để hỗ trợ, động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn cũng như đỗ đạt. Khuyến học trở thành nét truyền thống của dòng họ rồi”, ông Lý cho biết.

Đến tinh hoa của nhân loại

Mộc bản Trường Lưu là bộ ván khắc dùng để in sách “giáo khoa” phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

ban-moc

 

Phần lớn các mộc bản của “Mộc bản Trường Lưu” được khắc 2 mặt, tờ đầu, lời tựa, tự, bạt, được trình bày chính giữa là tên sách, trang, tập, quyển; mỗi bản để lề trên 1-1,2 cm, dưới 1-1,2 cm, lề phải 1 cm và lề trái 1 cm.

Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn được lưu giữ ở Việt Nam. Di sản bao gồm 383 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 11 quyển) của Nho giáo và 01 quyển sách quy chế trường học: Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ.

Tháng 5/2016, Mộc bản Trường Lưu được Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới. Đây không chỉ là niềm vui của dòng họ Nguyễn Huy mà còn là niềm tự hào, hãnh diện của Việt Nam.

Tròn 2 năm sau (5/2018), một di sản khác của dòng họ Nguyễn Huy là “Hoàng hoa sứ trình đồ”, tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.

hoa-hoa-su-trinh

“Hoàng hoa sứ trình đồ” là cuốn sách cổ được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765 - 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông. Đây là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu.

Cuốn sách là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768, từ các tài liệu của các thế hệ đi trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Việc UNESCO công nhận hai di sản của dòng họ Nguyễn Huy là di sản tư liệu ký ức thế giới một lần nữa đã khẳng định những giá trị văn hóa mà dòng họ Nguyễn Tràng Lưu để lại cho hậu thế.

Chia sẻ với Dân trí, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc vui mừng: “Mộc bản Trường Lưu” và “Hoàng hoa sứ trình đồ” được công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới, đó không chỉ là niềm tự hào của quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh mà còn khẳng định, tôn vinh các giá trị văn hóa của Việt Nam ra khu vực và thế giới.

“Sau khi được công nhận là di sản ký ức thế giới thì chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các cuộc thi để người dân, các thế hệ trẻ hiểu, biết về di sản này. Đồng thời để bảo tồn cũng như phát huy giá trị của di sản thì huyện đã làm các phòng trưng bày, cũng như trích kinh phí cho công tác bảo tồn. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với dòng họ để quy hoạch lại”, ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Huy Cường thì hiện nay số lượng người hiểu biết và nắm rõ các giá trị về hai di sản này rất ít và thế hệ trẻ quan tâm đến di sản là hạn chế. Chính vì điều này, công tác bảo tồn và phát huy hết giá trị của di sản cũng gặp nhiều khó khăn.

Xuân Sinh ( Báo Dân Trí)

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng