Tứ Bất Tử Việt Nam là ai

Thứ hai, 19/07/2021, 22:33

Ðó là một huyền thoại về việc nhân dân ta tôn vinh và thờ phụng Bốn vị thánh không bao giờ chết (Tứ bất tử): Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Ðồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Kể cũng lạ, vì các vị thần thánh mà dân gian tôn sùng thì rất nhiều, vậy mà chỉ có bốn vị được đặt riêng ra, liệt vào hạng "siêu thánh".

tan-vien-son-thanh

Ảnh: Thantienvietnam.com

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ về mọi phương diện, chúng ta sẽ tìm ra được những căn nguyên sâu xa, vừa độc đáo, vừa giàu chất văn hóa sử thi của truyền thuyết dân tộc được lưu truyền bao đời nay trong dã sử.

Ðặc biệt, truyền thuyết này có nhiều điều liên quan tới địa danh và con người Hà Nội.

Con số bốn trong dân gian từ xưa đã có nhiều ý nghĩa mang tính triết lý: Bốn phương tám hướng, tứ hải giai huynh đệ, tứ trụ triều đình, tứ tuyệt... mọi cơ cấu giá trị vật chất tinh thần nhiều khi được bắt đầu bằng "bộ tứ".  Thánh Tản Viên được coi là vị thánh được nhắc tới đầu tiên. Có lẽ đây là vị thánh liên quan tới truyền thuyết về việc bảo tồn, giữ gìn đất nước trong cuộc đấu tranh đối chọi với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm của dân tộc.

Truyện kể về xung đột mang mầu sắc tình ái giữa hai vị thần tượng trưng cho hai thế lực đối chọi nhau: Thủy Tinh (Thần nước), là sức mạnh tự nhiên, biểu hiện của thiên tai lũ lụt, bão tố... mà hàng năm nhân dân ta phải gánh chịu, nhất là cư dân lưu vực đồng bằng sông Hồng (mà Thăng Long là vùng chịu ảnh hưởng khá nặng nề).

Còn Sơn Tinh (Thần núi), còn gọi là Thánh Tản Viên, đại diện cho sức mạnh vật chất, ý chí, sự thông minh, lòng quả cảm và sự đoàn kết toàn dân, đã chống chọi và chống chọi thành công với sức hủy diệt tàn phá của mọi thiên tai địch họa.

Thánh Gióng là một vị thánh quen thuộc với nhân dân ta. Truyền thuyết này gắn bó và lưu truyền với mọi thế hệ lớn bé già trẻ. Thông qua một câu chuyện một cậu bé lên ba rồi mà chẳng biết nói cười. Vậy mà, khi xuất hiện giặc Ân sang xâm lược thì cậu bé kia bỗng nhiên đổi khác, đứng dậy nói năng dõng dạc và mau chóng lớn thành một tráng sĩ. Vị tráng sĩ này cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, cầm gậy sắt... một mình xông ra giữa trận tiền. Ðánh tan giặc Ân, vị anh hùng bỏ lại tất cả, một mình một ngựa bay thẳng lên trời.

tuong-thanh-giong

Tượng Đức Thánh Gióng

Ðây có lẽ là bài ca hào hùng nhất về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Những con người bình dị, lớn lên từ nghèo khó, nhưng khi đất nước lâm nguy thì sẵn sàng xả thân, hy sinh vì nghĩa lớn. Lúc đó, họ trở thành một con người khác hẳn, có sức mạnh phi thường. Truyền thuyết sử thi giàu chất anh hùng ca này vẫn còn lưu giữ bằng các di tích rất phong phú tại làng Phù Ðổng (Gia Lâm), làng Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội.

Truyền thuyết thứ ba là truyền thuyết về Chử Ðồng Tử, lan truyền từ thế kỷ XV (Lê Ðức Thịnh, đã dẫn, tr.283). Ðây là câu chuyện về tình duyên giữa Công chúa Mỵ Nương Tiên Dung với chàng trai nghèo khổ Chử Ðồng Tử. Sự gặp gỡ có phần kỳ bí đã thêu dệt nên một thiên tình sử lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lạ lùng là ở đây có một tình yêu và quan niệm bạo dạn, tới mức dũng cảm, vượt qua tất cả mọi ranh giới. Nàng Tiên Dung dám yêu, dám lấy chàng Chử Ðồng Tử "khố rách áo ôm", bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc sang hèn trong xã hội.

Ðây là một nét đẹp đậm chất nhân văn nhất trong bốn vị Tứ bất tử. Câu chuyện thể hiện nguyện vọng xây dựng một cuộc sống phồn vinh vật chất trên nền tảng một tình yêu đích thực. Người ta đã thống kê có tới 72 làng lập điện thờ Chử Ðồng Tử, rải rác ở hai bờ tả ngạn sông Hồng. Trong đó, có một đền thờ lớn lập tại thôn Chử Xá, Văn Ðức, Gia Lâm, Hà Nội.

Vị cuối cùng trong bốn vị, có tên thật là Liễu Hạnh, sinh ra vào thời Lê (1557). Liễu Hạnh là một điển hình về sự khẳng định vai trò của người phụ nữ, dám nói lên tiếng nói phản kháng với triều đình phong kiến, còn mang nặng tư tưởng Nho giáo, không coi trọng vai trò của người phụ nữ. Liễu Hạnh được dân gian tôn sùng là Thánh Mẫu. Dân gian còn gọi một cách phổ biến là Bà Chúa Liễu. Câu ca: "Tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ" chính là một câu ca có ý tôn sùng bà như Người Mẹ chung cho tất cả.

Ngoài Phủ Dày (Vụ Bản, Nam Ðịnh), Ðền Sòng, Ðền Phố Cát (Thanh Hóa) thì Phủ Tây Hồ (Hà Nội) cũng có bàn thờ Thánh Mẫu rất bề thế, trang trọng. Và hàng năm thì Lễ hội Phủ Dày (Nam Ðịnh) còn được tổ chức rất linh đình suốt 10 ngày liền (từ mồng 1 đến 10-3 âm lịch).

Tục thờ Tứ bất tử là một tục lệ mang mầu sắc tín ngưỡng nhưng lại phản ánh đậm nét truyền thuyết lịch sử và có giá trị văn hóa rất sâu sắc. Ðây chính là nền tảng tư tưởng làm nên cốt cách của con người Việt Nam: Kiên trung, bất khuất, thông minh, sáng tạo, tình nhà nghĩa nước hài hòa. Chất nhân văn được kết tinh, chắt lọc trong bao chặng đường lịch sử đã làm nên biểu trưng hiển hách nhất của con người Việt Nam ta. Ðó là bề dày, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh từ xưa tới nay.

TS PHẠM VĂN TÌNH (nhandan.vn)

 

BÀI VIẾT KHÁC DO LAODONG.VN ĐĂNG TẢI

Người Việt như có sẵn một niềm tin thiêng liêng nào đó nên có một thứ tạm gọi là Đạo thờ phụng tổ tiên. Đó là thờ cha, mẹ, ông bà trong gia đình dòng họ, thờ thành hoàng, bản thổ, thờ người khai mở xóm làng, khai nghiệp khai canh. Rộng ra cả nước là thờ Hùng Vương.
 

chu-dong-tu-tien-dung


Lại có Đạo Tiên, xuất phát từ việc thờ cúng Chử Đồng Tử, người có nhiều pháp thuật, đã cùng hai bà vợ chữa bệnh cứu người. Rồi Đạo Mẫu, Đạo Tứ Phủ thờ các Mẹ Trời, Nước, Rừng... thờ Âu Cơ, Liễu Hạnh và rất nhiều vị thần khác có công với dân với nước. Còn Nội đạo tràng, cái tên như một sự khẳng định đây mới là đạo của riêng nước ta (nội đạo) để có thể phần nào đối trọng với những đạo khác. Đạo này có những nhân vật được gọi là Thánh như Tiền Quan thánh, Tả Quan thánh... 

1. Nhu cầu của đời sống tâm linh thôi thúc khiến cho người Việt một mặt tiếp thu những giáo lý, những cách thức sùng bái thần linh ở ngoài vào, một mặt lại sáng tạo ra những hình thức tín ngưỡng. Tuy nhiên, có thể thấy, những “đạo” của người Việt dường như chưa được xây dựng thành những học thuyết, chưa thực sự có một giáo chủ, một giáo lý hay những hệ thống kinh sách, quy phạm. 

Nhưng lại có một thực tế là ở nước ta có rất nhiều đền miếu thờ những vị được xem là thần - có thần sông thần núi, thần đất, thần cây... nhưng đa số đền miếu là thờ những con người thực, được tôn vinh theo quan niệm: Thông minh chính trực vị chi thần. Tục ngữ nói: Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ, thì đã thể hiện rõ cái thái độ xem tất cả vị này vừa là thần vừa là thánh. Người ta gọi các vị như Gióng, Sơn Tinh, Trần Hưng Đạo là Thánh Gióng, Thánh Tản, Thánh Trần... gọi các Mẫu là Thánh Mẫu, dưới đó là các thánh Cô, thánh Cậu, thánh Cả, thánh Hai... mà không gọi là thần. Khi khấn vái lại gọi chung là “chư vị Đức thánh”.

Chữ “Thánh” như vậy là để chỉ vào một bậc tài năng xuất sắc, đạo đức cao cả. Chữ “Thánh” được dùng cho nhà vua gọi là Thánh thượng, ý vua gọi là thánh ý, lời lẽ của vua là thánh dụ, thánh chỉ, ơn vua gọi là thánh trạch. Trong sinh hoạt dân gian, ai đó có một khả năng vượt trội, một phát hiện độc đáo, mới mẻ cũng được bạn bè xem là thánh, giỏi hơn thì còn gọi là “thánh sống”. Như vậy, thánh vừa rất thực lại vừa rất siêu trần. Mỗi vị thánh thường gắn với những huyền thoại nhưng đều đậm chất trần gian bởi họ xuất phát điểm đều từ những con người thực. Người thực nhưng không còn cái tôi nhỏ bé nữa mà đã đạt tới mức phi thường.

Ở tầm quốc gia, từ lâu, người Việt đã gắn bó với tín ngưỡng Tứ bất tử tôn thờ các vị Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh. Thực ra, hiểu cho thật đầy đủ diện mạo Thánh ở Việt Nam phải bao gồm nhiều dòng nữa là dòng các linh thánh (thường là các nhân vật lịch sử như Thánh Chèm - Lý Ông Trọng; Thánh Bưng - Lê Phụng Hiểu; Thánh Lưỡng - Trần Khát Chân; Thanh Lôi - Lữ Gia...), dòng các thánh mẫu (mẫu Cửu Trùng, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải, mẫu Thiên Y A Na...), dòng các thánh tổ, thánh sư (Không Lộ, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh...), dòng các vị thành hoàng... Phạm vi bài viết ngắn này chỉ xin đề cập tới dòng thánh Tứ bất tử.

2. Tứ bất tử là bốn vị thánh bất tử như đã nói là Đức Thánh Tản, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng và Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bốn vị thánh này là biểu tượng của sự trường tồn, bất diệt của dân tộc ta theo tâm thức dân gian.

Đứng đầu Tứ Bất Tử là thánh Tản Viên. Truyện cổ tích thần kỳ kể rằng ông chính là Sơn Tinh được làm rể vua Hùng và vì thế mà có mối thù truyền kiếp gây nên chiến tranh với Thủy Tinh “Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”. Sơn Tinh cũng được xem là đã làm vua Văn Lang và khuyên vua Hùng nhường ngôi cho vua Thục. Thần tích thì xem ông là vị Tổ đầu trong Bách nghệ tổ sư, cùng vợ là Ngọc Hoa dạy dân làm ruộng, săn bắt, dệt lụa, mở hội... 

Hình tượng Tản Viên thực chất là hình tượng người dân lao động Việt Nam từ thuở bình minh của lịch sử đã phải dũng cảm chống chọi với thiên nhiên đắp đê, chống bão lụt bảo vệ đồng ruộng mùa màng. Nếu Thủy Tinh là mưa lũ, bão nước, thì Sơn Tinh là đê điều, núi đồi ngăn nước, còn nàng Mị Nương xinh đẹp là đồng bằng Bắc bộ mầu mỡ cần được bảo vệ giữ gìn.

Vị thánh bất tử thứ hai là một anh hùng. Cậu bé làng Gióng ba tuổi vụt lớn lên thành dũng sĩ ăn hết bảy nong cơm ba nong cà, đòi nhà vua cho ngựa sắt, roi sắt để đánh giặc Ân. Roi sắt gẫy thì nhổ tre đuổi giặc. Đúng là:

Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn

Đằng vân do hận cửu thiên đê

(Cao Bá Quát)

Dịch là:

Giết giặc chẳng hiềm ba tuổi nhỏ

Bay chín tầng trời vẫn chưa cao

Thánh Gióng cũng là biểu tượng của người Việt ngay từ những ngày đầu mở mang đất nước đã phải lập tức chống với giặc ngoại xâm. Tản Viên và Thánh Gióng là những người dân Việt đầu tiên phải chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm để tồn tại.

Một vị bất tử nữa là Chử Đồng Tử. Chàng trai nghèo nhưng vô cùng hiếu thuận đã giành chiếc khố độc nhất chôn liệm cho cha, chịu khoả thân ngâm mình dưới nước kiếm tép tôm độ nhật. Tình cờ Chử Đồng Tử gặp được Tiên Dung nhưng vợ chồng chàng bị vua cha ruồng rẫy thậm chí cho là phản loạn. Họ học được phép tiên nên chuyên chữa bệnh giúp dân lành. Họ còn hiển linh giúp đất nước chống ngoại xâm và trở thành vị Tổ của đạo thần tiên được tôn vinh là Chử Đạo Tổ.

3. Vị bất tử thứ tư là công chúa Liễu Hạnh. Bà là con gái Ngọc Hoàng thác sinh vào nhà họ Lê. Theo luật trời, theo một kỳ hạn nhất định thì được trở lại thiên đình. Nhưng Liễu Hạnh không chịu theo luật này mà hai lần bà quyết tâm được sống ở trần gian. Bà sống vui vẻ hòa đồng với dân gian, trêu ghẹo người này, gia ơn cho kẻ khác, đàm đạo với danh sĩ, kết hôn với văn nhân... được tôn vinh ở cõi Nam Thiên Bất Tử, được xem là thánh Mẫu.

Tứ Bất Tử tiêu biểu cho những tấm gương sáng chói của một dân tộc khẳng định sự tồn tại của mình. Thực ra những tấm gương này trong xã hội Việt có rất nhiều nhưng cần có một lựa chọn phù hợp. Ý thức trường tồn bất khuất của dân tộc ta là một nét thường trực, một nhu cầu hàng ngày. 

Người dân Việt rất cần những biểu tượng sinh động thiêng liêng mà nửa thực nửa huyền thoại, mơ đấy nhưng phải thật gần gũi. Chính vì thế mà Tản Viên, thánh Gióng là những hình ảnh hay và đẹp, lại rất thực để minh chứng một cách sinh động cái tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tinh thần chiến đấu với ngoại xâm, để tồn tại, để khẳng định, để vươn lên. Đây mới thật là những tấm gương không cần đến việc phát thưởng, trao huân chương, chia đất làm nghĩa trang hay làm nhà thờ tưởng niệm. 

Hình ảnh Chử Đồng Tử là chứng minh một tấm gương bất tử về sự tự do, tự tạo lấy hạnh phúc cho mình, cả về sự gợi mở về những chuyến đi xa, về việc mở mang những đô thị mới, những vùng đất mới giao lưu với cộng đồng bên ngoài mở hướng phát triển của dân tộc. 

Ở nhân vật Liễu Hạnh lại mang một nét đẹp rất gần gũi. Liễu Hạnh biểu tượng cho một sự giải phóng. Liễu Hạnh là người phụ nữ biết yêu và tha thiết với tình yêu, một tình yêu ở phàm trần. Bà vừa là nghệ sĩ lại vừa là một chiến sĩ, bà gần gũi với mọi hạng người.

 Liễu Hạnh bộc lộ rõ phẩm chất nhân văn nên bà vừa là mẹ vừa là thánh Mẫu. Bà có cái ngang tàng nghịch ngợm mà lại có cái khuôn phép hiền lành. Người Việt thờ mẹ Cửu trùng, mẹ Nước, mẹ Rừng, nhưng mẹ Liễu Hạnh là bà mẹ gắn với đời thường hơn cả. Bởi thế, bà là người bất tử.

Có thể khẳng định Tứ bất tử chính là hệ ý thức nhân sinh Việt Nam đã được ký thác vào các biểu tượng thuần túy Việt Nam, vào các thần linh Việt Nam mà dân gian tôn là Thánh. Người Việt bao thế hệ nay đều suy tôn, thờ phụng các bậc thánh ấy bởi họ chính là tinh thần là sức sống, là sức mạnh Việt Nam.

Họ cũng tiêu biểu cho cách hiểu về đạo lý Việt. Đây là một niềm tin tâm linh hoàn toàn có cơ sở triết học và khoa học.

HOÀNG KHÔI


 

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng