Giống và khác nhau giữa Trì Chú và Niệm Phật

Thứ tư, 21/07/2021, 11:09

GIỐNG VÀ KHÁC NHAU CỦA VIỆC NIỆM PHẬT VÀ TRÌ MINH CHÚ [Bài tham khảo rất hay cho hành giả Tịnh Độ tông]

Nguồn: Facebook Bạch Vân Sơn
 

bach-van-son

Ảnh: Face Bạch Vân Sơn

1. Có bạn nhắn với Lam thắc-mắc, thay vì dành thời gian niệm 100 biến Chú Vãng Sanh thì dành thời gian đó niệm được 10.000 câu Nam mô A Di Đà Phật. Câu Nam mô A Di Đà Phật ngắn hơn, dễ nhiếp-tâm, và thành-tựu hơn.

Thường thì các đồng-tu Tịnh độ hay dùng lời như vậy để nói. Thậm chí còn có đường lối bỏ luôn cả chữ Nam mô, nói rằng danh hiệu Phật là tên Phật. Tên Phật A Di Đà là A Di Đà, không cần phải "Nam mô" và bỏ luôn Nam mô, chỉ niệm A Di Đà Phật.

Lý luận đưa ra là ngắn dễ nhiếp-tâm.
Đúng là ngắn dễ nhiếp-tâm.
Nhưng không có nghĩa là dài không nhiếp-tâm.
Thực tế khi bạn niệm dài mới dễ nhiếp-tâm hơn.
Nếu bạn niệm câu Kinh dài, Minh-Chú dài, bạn quên là bạn biết mình quên, bạn liền ngay đó tỉnh-giác.

Tu học là "bất phạ niệm khởi, đản phạ giác trì" có nghĩa là không sợ niệm bạn khởi lên, chỉ sợ bạn nhận-thức, phát-giác ra chậm.
Là phàm phu, sao nói không có tạp-niệm được. Tu học là để lắng tạp-niệm, đó là công phu lâu dài, đâu phải một ngày một bữa mà đặng.

2. Kinh có nói trong hồng danh "Nam mô A Di Đà Phật" có chứa đầy đủ tam tạng, mười hai bộ Kinh, không cần hành hay niệm thêm gì khác cũng vẫn thành tựu. Lời Phật nói vậy không sai.
Nếu bạn đi sâu hơn thì Tam Tự Tổng Trì Chơn Ngôn "Om - A - Hum" cũng là tổng nhiếp vạn Pháp.
Lại, sâu hơn nữa thì trong chữ "A" tổng tiếp tất cả.
Vậy nếu muốn niệm cho ngắn, thì mỗi ngày bạn chỉ cần niệm "A A A A A A..." là được, đó là thật ngắn rồi, chỉ có một âm, một chữ còn ngắn hơn cả bốn chữ A Di Đà Phật nữa. A đó cũng là Phật A Di Đà, nhớ mỗi chữ A, nguyện cầu vãng sanh thì cũng sẽ vãng sanh!

3. Nên nếu dùng lý-luận niệm ngắn dễ nhiếp-tâm để so đo tính toán trong Phật giáo là không triệt-để.

4. Nếu thậm chí niệm ngắn cũng không nhiếp-tâm thì sao? Không lẽ Phật không đến tiếp dẫn bạn vãng sanh?
Trong Niệm Phật Tông Yếu, Pháp Nhiên Thượng Nhơn có dạy, không phải mình nhiếp-tâm hay chánh-niệm hay đạt được nhứt-tâm-bất-loạn Phật mới đến tiếp-dẫn. Mà chánh yếu là Phật đến tiếp-dẫn nên mình được chánh-niệm, mình được nhiếp-tâm, được nhứt-tâm-bất-loạn. Việc của bạn là niệm Phật, tiếp-dẫn là chuyện của Phật.

5. Trong Kinh nói vãng-sanh hay không là do mười niệm trước lúc lâm chung.
Lý luận này được dùng để đưa đến lý luận của sự thực hành ngắn thì nhiếp-tâm, vì cho rằng ngắn lúc lâm chung dễ niệm, dễ niệm được mười niệm, như vậy sẽ được vãng sanh.

6. Nhưng, nếu bạn không nhiếp-tâm, lúc lâm chung bạn không vãng sanh liền thì sau đó bạn vẫn có cơ hội vãng sanh trong khoảng thời gian bardo - thân trung ấm. Bardo có thể kéo dài vài ngày, đến bốn mươi chín ngày, thậm chí có thể đến nhiều năm sau đó nếu bạn không tỉnh giác trong bardo và biết rằng cơ thể đã chết chỉ còn linh hồn. Bạn đều có thể vãng sanh trong bardo chứ không phải chỉ có lúc lâm chung mười niệm vãng sanh, hãy hiểu thêm về điều này để an-tâm mà tu học.

7. Vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới là chuyện kì-đặc, bạn dùng cả đời này tu-hành để về Cực-Lạc bằng mọi cách; mục-đích là để chấm-dứt sanh tử luân hồi, để thành Phật và sau là hóa-độ chúng sanh. Phát tâm như vậy mới là đúng.
Không phải vãng sanh Tây Phương để hưởng-thụ, để lánh xa Ta-bà khổ hải. Nghĩ vậy cũng được, nhưng phát tâm vãng sanh như vậy là chưa viên, chưa mãn.

8. Chú Vãng Sanh dễ dàng trích lục nhứt là từ Kinh Niệm Phật Ba La Mật. Phật Thích Ca Mâu Ni, Quán Thế Âm Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát dạy về oai đức của Thánh hiệu Nam mô A Di Đà Phật ở các phẩm đầu rồi, sau đó là đến phẩm cuối cùng Phổ Hiền Bồ-tát và Quán Thế Âm Bồ-tát cùng nhau tuyên-thuyết Chơn-Ngôn để hỗ trợ thêm cho chúng sanh.

Nếu Chú Vãng Sanh không quan trọng, vậy Phổ Hiền Bồ-tát nói thêm làm gì?
Giống như trong phẩm đầu của Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Phật đã dạy về sự thù thắng của việc niệm Phật, nếu chỉ cần Phật nói nhiêu đó thôi thì đã đủ tu rồi, đã có thể niệm Phật rồi. Nhưng sau đó Phật lại nói tiếp về mười tâm thù thắng,... các phẩm tiếp theo lại giảng giải rộng hơn. Kinh Phật một chữ cũng không nên bỏ sót, Phật, Bồ-tát nói ra lời nào đều là có lý do trong đó.

Ngày nay nếu cứ dùng lý luận giảng lược, ngắn thì tiện, như vậy dần dần chính Kinh điển Tịnh độ lại bị người tu Tịnh độ diệt trước tiên!
Diệt Kinh chính là không tu học Kinh điển, không nghiên-cứu Kinh điển, không hiểu Kinh điển từ đầu chí cuối liền mạch mà cắt-ghép, một bề bám chấp ở một chương, một phẩm.

Pháp môn Tịnh độ là cao tột, muốn tu học Tịnh độ, hoằng-dương Tịnh độ cho sâu thì càng phải hiểu rộng, học nhiều. Xem xét các vị Tổ xưa nay, các vị Tổ Tịnh Độ Tông đều là các bậc quán thông Kinh điển, đều đã tu học các môn khác rồi quy về Tịnh độ, nào phải đâu là bác bỏ tất cả, một lòng đề xướng Nam mô A Di Đà Phật, rồi cho đến bỏ luôn cả Nam mô chỉ niệm A Di Đà Phật.

9. Câu đầu tiên của Chú Vãng Sanh chính là "NAM MÔ A DI ĐA BÀ DẠ, ĐA THA DÀ ĐA DẠ" tiếng Phạn có nghĩa là "NAMO AMITĀBHĀYA TATHĀGATĀYA". Câu này chính là Thánh hiệu của Phật A Di Đà, tương đương với câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT tiếng Việt.
"NAMO AMITĀBHĀYA TATHĀGATĀYA" có nghĩa là "Con quy mạng, kính lễ Đức Như-lai Vô Lượng Quang".
Các phần còn lại của Chú Vãng Sanh là sự khẩn cầu, có thể được xem như lời nguyện cầu sau khi gọi tên Phật A Di Đà.

10. Nếu bạn niệm Nam mô A Di Đà Phật, 10 niệm hay 100 niệm, 1000 niệm thì có nghĩa là bạn đang gọi điện thoại đến Phật A Di Đà, Phật A Di Đà phóng quang gia hộ cho bạn.

Còn nếu bạn niệm Chú Vãng Sanh thì có nghĩa là bạn cũng gọi Phật A Di Đà, nhưng sau đó bạn sẽ nói lên thêm vài nguyện ước cho Phật A Di Đà rõ biết.
Ví dụ như bạn nhắn tin cho Lam mà bạn nhắn là "Lam ơi, Lam ơi, Lam ơi". Giả sử trước đó Lam có phát nguyện là nếu ai gọi "Lam ơi" thì Lam sẽ gởi cho bạn đó một ngôi ngọc ma-ni - giả sử vậy. Nên khi bạn gọi Lam ơi thì Lam liền gởi cho bạn một ngôi ngọc ma-ni. Vì đã quy ước sẵn, nên bạn gọi "Lam ơi", thì Lam biết là Lam cần làm gì, bạn không cần nói thêm gì cả.

Nhưng nếu bạn nhắn cho Lam là "Lam ơi, nhờ Lam gởi thêm Ngọc Xá Lợi, gởi thêm Pháp dược, gởi thêm Cát Mandala" thì như vậy, Lam sẽ hiểu là ngoài việc Lam gởi cho bạn ngọc Ma-ni như lời hứa nguyện Lam hứa ban đầu thì Lam sẽ gởi thêm cho các bạn những thứ mà các bạn yêu cầu để hỗ trợ các bạn.

Ví dụ như vậy để bạn có thể hình dung chút ít về việc niệm Nam mô A Di Đà Phật và niệm Chú Vãng Sanh.

Niệm Chú Vãng Sanh đã bao gồm niệm thánh hiệu A Di Đà Phật trong đó rồi bạn ạ.
Và sau đó còn là lời khẩn nguyện thiết tha hơn nữa.
Bây giờ, bạn hiểu hơn một chút về Chú Vãng Sanh rồi, bạn có thể quyết-định là chỉ niệm Phật thôi hay niệm thêm Chú Vãng Sanh.

11. Tôi cung-kính Thượng-nhơn Tuyên-Hóa là bậc nhứt, Ngài dạy cả Thiền, Giáo, Luật, Tịnh, Mật đầy đủ. Ai thuận duyên nào Ngài dạy tu Pháp đó, đối với Ngài các Pháp đều là đệ-nhứt.

Có một số Thầy hiện tại hay nói về cư sĩ tu Tịnh tông, cho rằng tu Tịnh tông hiện tại là phần nào diệt đi Phật giáo. Lời nói này nghe có vẻ hơi khó nghe, nhưng ngẫm ra lại chính phải là như vậy. Bởi đa số Phật tử tu Tịnh tông hiện tại đều học theo tôn chỉ chỉ niệm A Di Đà Phật, mà ít có nghiên-cứu các Kinh điển khác. Nghe theo như vậy, một bề cố chấp, thì là bản thân tu có lợi, nhưng muốn phát triển Phật giáo thì thật khó khăn.
Trong Kim Cang Thừa, Phật A Di Đà là một Bổn Tôn như các Bổn Tôn. Tây Mật niệm Minh-Chú "Om A Mi Đê Qua Si, Đông Mật niệm Minh-Chú "Om A Mi Ta Ba Ri" trong đó bỏ đi âm đầu và âm cuối, thì phần giữa chính là danh hiệu Phật A Di Đà, niệm vậy không phải niệm Nam mô A Di Đà Phật như chúng ta vậy họ có vãng sanh không, vì họ không niệm giống bạn?

Nhưng mấy trăm năm, cho đến hơn một ngàn năm nay biết bao người vãng sanh Cực Lạc từ Tây Mật và Đông Mật bạn nào có biết chăng?

Xin hãy suy nghĩ thêm, và học hỏi thêm để cùng nhau phát triển.

Và đến cuối bài này rồi, bạn muốn niệm Nam mô A Di Đà Phật thuần-nhứt hay muốn niệm Chú Vãng Sanh phụ thêm thì đó là sự lựa chọn của bạn.
Bạn niệm thế nào nếu hành đúng thì vãng sanh, hành không đúng thì không vãng sanh chứ không phải niệm cái này hay hơn cái kia.

Nếu cầu thị, học hỏi bạn sẽ học được thêm nhiều điều. Nếu cố-chấp, bám-chặt thì học Phật sẽ khô cứng, bản thân mình sẽ khó "tùy thuận chúng sanh" theo đúng nguyện Phổ Hiền.

Lam Sơn Trang,

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng