Đạo của nước theo tư tưởng Lão Tử

Thứ sáu, 01/03/2024, 23:35 GMT+7

Lão Tử là hóa thân của Lão Đạo Tổ Thái Thượng Lão Quân là nhà tư tưởng vĩ đại và là nhà triết học vĩ đại được thế giới công nhận. Đạo Đức Kinh được gọi là vạn kinh chi vương, là một cuốn sách nổi tiếng về độ sâu rộng, chính xác, đại diện cho trí tuệ cao nhất của văn minh Trung Quốc. Không chỉ ảnh hưởng đến sự tiến bộ của nền văn minh Trung Quốc hàng nghìn năm mà còn thu hút nhiều học giả phương Tây đến nghiên cứu.

 

Đạo Đức Kinh diễn giải nguồn gốc sự huyền bí của thế giới và vũ trụ, bao hàm những quy luật tự nhiên của trời đất, lời nào trong đó ngôn từ nào trong đó cũng đúng. Thời gian trôi nhanh giống như con bạch mã lướt qua, quá trình tu hành chạy theo thời gian khiến cho ta nhớ rằng khi ta mới bắt đầu bước vào Đạo giáo, cái ta cần học và ta cần hiểu đó là từng con chữ trong Đạo đức kinh, dưới sự hướng dẫn của tôn sư mình ta dần học được nhiều thứ theo năm tháng. Hôm nay chúng ta sẽ chia sẻ với nhau về các ước nguyện tu hành trong đó chúng ta cần nói đến năm ước nguyện lớn nhất mà người tu hành cần đạt được.

Người dân ở các quốc gia đồng văn (bao gồm các dân tộc ở bốn quốc gia có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đều quan niệm rằng Cha là Trời, Mẹ là Đất nhưng như vậy là chưa đủ diễn hoá ra sự sống vì theo Đạo giáo thì “tam sinh vạn vật” nên Thuỷ là chất giao hoà, dung dưỡng và sinh dục vạn vật. Theo khoa học thì Nước chiếm 75%  cơ thể con người, 71% Trái Đất và hiện diện ở bất cứ nơi nào có sự sống. Chúng ta biết được rằng sinh vật có thể sống một thời gian dài nếu không có thức ăn, nhưng chỉ có thể tồn tại một thời gian ngắn nếu thiếu nước.

Tất cả các nền văn hoá Á Đông đều có liên quan tới nước, các thành bang cổ đại đều được xây dựng dọc các bờ sông như nền văn hoá Lưỡng Hà bên dòng sông Tigris, nền văn hoá các tôn giáo Ấn Độ bên bờ sông Hằng, hay nền văn minh sông Dương Tử kéo dài trên hơn 5000 năm. Các thành thị cổ nhất đều được xây dựng dọc theo các bờ sông và nương nhờ vào sông nước để phát triển cho đến ngày nay. Người xưa khi chưa có xe và các phương tiện giao thông cùng kỹ thuật để dựng đường, mở núi thì việc nương nhờ vào hệ thống sông ngòi của thiên nhiên ban cho là phương pháp hữu hiệu nhất để phát triển thương nghiệp. Ở những quốc gia có các nền văn hoá ảnh hưởng bởi Hindu giáo sẽ tổ chức lễ hội lớn để tôn vinh nữ thần mẹ của các dòng sông và nguyên tố nước tuần hoàn trong cơ thể. Còn đối với các quốc gia với niềm tin Phật giáo thì cho rằng đức Phật khi xuất gia đã để búi tóc trên thiên đường nên ngày 15 tháng 10 âm lịch hằng năm nữ thuỷ thần sẽ giúp các đệ tử của Ngài dẫn đường lên trời để đến nơi đức Phật đặt búi tóc của mình, vì họ tin rằng các dòng sông đều chảy xuống từ trên thiên đường.

Đối với Đạo giáo thì mỗi năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch là ngày thánh đản của Thuỷ Quan Đại Đế, một trong Tam Quan Đại Đế, có trách nhiệm tiêu tai, giải ách cho nhân gian. Mỗi năm vào ngày thánh đản thì Ngài sẽ giáng trần xem tội phước của nhân gian, tiêu trừ tai nạn cho loài người. Có thuyết lại cho rằng Tam Quan có liên quan tới Tam Tài là Kim, Thổ và Thủy diễn hoá thành Càn, Khôn, Khảm tức Thiên, Địa, Thuỷ mà diễn sinh ra sự sống cùng sinh mạng trên cõi đời này. 
Có lẽ không có gì mềm hơn nước, và không có gì thắng được nước. Bởi vì nước mềm nên không bị vỡ hay bị hư hỏng, không có hình dạng nên không cần cố định, nó luôn thay đổi theo thời gian và biến dạng theo nơi chốn. Nước tuy rất nhu hòa nhưng đôi khi nó lại phát ra những lực rất mạnh làm thao túng thiên nhiên. Sóng có thể đi từ yên tĩnh đến dữ dội, một dòng sông êm đềm có thể biến thành lũ lụt cuốn trôi mọi bờ. Trong cuộc sống con người cũng vậy, “biết mềm và cứng, biết lo mà lường, biết lùi và tiến, biết yếu và mạnh, cứng như núi đá, biến hóa như âm dương.” (Gia Cát Lượng). Đây là sự phát triển thuần túy, vô vi, thái độ của một “đứa trẻ nhỏ”, chưa trở thành bất cứ thứ gì và có khả năng trở thành mọi thứ. Đó còn là sức mạnh thích ứng với mọi thay đổi, cho phép nước được là chính mình và thích ứng với mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi mà không phải lo lắng về bất cứ điều gì.

Đạo Đức Kinh chương 8 có ghi: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo.” Tức là: Bậc thượng lành thì giống như nhược thuỷ. Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nên gần Đạo. Lão Tử dạy chúng ta rằng đặc tính tự nhiên của nước là chảy xuôi, chảy từ trên xuống là hợp với Đạo, nếu đã hợp với Đạo thì bất tử mà không bao giờ tuyệt diệt. Con người nên nương theo cái gương của nhược thuỷ mà bỏ cái không thể, trái Đạo để tìm về cái chánh Đạo, thượng lành. Nước được coi là hình ảnh độc đáo để truyền tải một triết lý sống và cũng là một nghệ thuật sống lý tưởng. Ngài chỉ ra rằng lối sống tự nhiên giống như dòng nước chảy: trong cuộc sống chúng ta thích sự thâm tình, trong tình yêu chúng ta thích tình yêu sâu sắc, trong các mối quan hệ chúng ta ưa sự nhân từ, trong lời nói chúng ta thiên về sự thật, trong đời sống chúng ta hướng về cuộc sống yên bình, công việc thì phù hợp với tài năng, hành động phù hợp đúng lúc. Đức tính của nước là mang lại lợi ích cho mọi người mà không tranh giành, xa xỉ. Khi thiếu thì chảy vào, khi thừa thì chảy ra, ở đời thì tạo mưa, trên mặt đất thành sông suối. 
Lão Tử nhận thấy ưu điểm của nước là vị tha, bao dung và có ích cho mọi người. Nước  còn có tính Nhu hòa mà ôm lấy vận mạng của cả dân tộc, cung cấp tài nguyên và chứng kiến thịnh suy của các triều đại. Đồng thời khi ta nhìn vào tài nguyên nước của một quốc gia thì ta cũng biết được sự cường thịnh của một thời đại. Đây dòng nước sông chảy vô tận, dù có mang theo bao nhiêu rác rưởi thì nó vẫn luôn trong sạch. Kia là nước biển, là nơi sinh sống của hàng nghìn con tôm, cá nhưng không bao giờ cạn. Vì vậy, Đạo của Nước là Trí tuệ không dừng lại ở những chi tiết nhỏ nhặt, Tâm trí không bị thu hút bởi cái tôi nhỏ bé, giới hạn; Giống như Chí phải thoát ra khỏi lũy tre làng. Tâm phải bao la mới phù hợp với tự nhiên, tức là phải thoát khỏi cái bản ngã vi nhất mà mở nó ra như sự vô hạn của nước.
Người theo Đạo không phải chịu thua một câu nói, một tiếng cười là vinh hay nhục, vì nước là gần với Đạo thì dù có phải chảy vào chỗ thấp bẩn, miễn là hợp với tự nhiên thì cũng là gần với Đạo. Người theo Đạo thì nên noi theo cái gương của nhược thuỷ mà tu thân, có như thế thì mới có thể tìm được cái bản chất chân thật của chính mình mà hợp với dòng chảy của Đạo. Nước chỉ có thể chảy xuôi chứ không thể chảy ngược, khi nước ngược dòng thì lúc đó là các tai hoạ đều sẽ xảy ra mà không kể sao cho hết được.
Phúc sinh vô lượng thiên tôn.

Nguồn: Nick Tran ( Việt Nam Chính Nhất Phái)

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng