Ngũ Huân là gì ? Quan điểm Ngũ Huân của người tu Đạo

Thứ sáu, 01/03/2024, 23:29 GMT+7

Quan điểm ngũ huân của người tu Đạo: Có rất nhiều bạn học Đạo và khi nghe tôi giảng bài có hỏi rất nhiều về ngũ huân và mong muốn tôi nói về quan điểm ngũ huân của Phật giáo và Đạo giáo. Để trả lời câu hỏi của các bạn, hôm nay tôi xin nói về ngũ huân với quan điểm từ Phật giáo và Đạo giáo rất ngắn gọn và xúc tích mong rằng sẽ thỏa mãn những vấn đề của các bạn đã hỏi. Huân thái là ám chỉ một số loại thực vật có vị cay mùi hăng. Phật giáo cổ xưa cho rằng ăn những loại thực vật này sẽ ảnh hưởng đến tính tình và sinh ra ham muốn và dục vọng nên không nên ăn.

Đạo sỹ Vương Long Hoa ( Chính Nhất Phái)
 

Ngũ Huân

Chủ yếu có năm loại huân thái gọi chung là ngũ huân hoặc ngũ tân. Ngũ huân trong Phật giáo và Đạo giáo có ý nghĩa khác nhau. Gần đây, các món ăn phục vụ có thành phần động vật thường bị gọi nhầm là huân thái, thực chất thời xưa những món này được gọi là tinh có nghĩa là tanh. Cái gọi là huân tinh chính là sự kết hợp của huân thái và tinh mà thành.

1. Quan điểm của Phật giáo về ngũ huân.


Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 8 đoạn Khai Thị Ba Tiệm Thứ có nói:
Thế nào là ba bước tiệm thứ? Một là tu tập, dứt trừ “trợ nhân”; hai là chân tu, nạo sạch “chính tánh”; ba là tăng tiến, ngược dòng “hiện nghiệp”. Thế nào trợ nhân? Này A Nan! Mười hai loài chúng sinh trong thế giới không thể tự bảo toàn mạng sống, mà phải nhờ bốn loại thức ăn để được sinh tồn; đó là đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực. Vì vậy Như Lai nói: Tất cả chúng sinh nhờ ăn mà sống còn. A Nan! Chúng sinh ăn các thứ bổ ích cho thân tâm thì sống; ăn các thứ độc hại cho thân tâm thì chết. Cho nên những chúng sinh cầu chính định thì phải trừ bỏ năm loại rau cay nồng ở thế gian. Năm loại rau cay nồng này, ăn chín thì khởi lòng dâm, ăn sống thì tăng lòng giận. Ở thế giới này, những người ăn rau cay nồng ấy, dù có tài giảng thuyết mười hai bộ kinh, chư thiên trong mười phương cũng chê là hôi hám, không muốn tới gần; những loài quỉ đói thấy người ăn những thứ đó thì đến liếm môi liếm mép, thành ra người đó thường ở chung với quỉ, phúc đức ngày càng hao tổn, lâu ngày không còn chút lợi ích gì. Người tu chánh định mà ăn năm thứ rau cay nồng ấy, chư vị Bồ tát, thiên tiên, thiện thần trong mười phương không đến ủng hộ; thiên ma Ba-tuần lại được thế, hiện ra thân Phật đến thuyết pháp cho họ nghe, hủy báng sự chấp trì cấm giới, tán thán ba nghiệp độc dâm dục, sân hận, si mê, khi chết tự trở thành quyến thuộc của ma vương, hưởng hết phúc ma thì đọa địa ngục vô gián. Này A Nan! Người tu đạo Bồ đề, hãy vĩnh viễn trừ bỏ năm loại rau cay nồng.

Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, ngũ huân của Phật giáo là năm món gia vị có mùi cay nồng gồm: Hành (cách thông) hẹ (từ thông), tỏi (đại toán), kiệu (lan thông) và hưng cừ tên khoa học là Allium fistulosum là loại gia vị có hình dáng và mùi vị tương tự củ nén không có ở Trung Quốc và Việt Nam.
Hay trong kinh Phạm Vọng mục 48 điều giới khinh, mục Giới ăn ngũ tân có nói:

Nếu Phật Tử, chẳng được ăn loại Ngũ tân loại hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ. Loại ngũ tân này gia vào trong tất cả các thực phẩm đều không được ăn. Nếu cố ăn, PhậtTử này phạm khinh cấu tội.
Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, qua quá trình địa phương hóa, một số giới luật đã được sửa đổi, ví dụ, ăn thịt hữu tình chúng sinh có khả năng tri giác năng lực được coi là sát sinh. Vì vậy, hầu hết các tông phái ngoại trừ Mật tông đều không cho phép ăn thịt gà, vịt, cá và các chúng sinh khác. Phật giáo Bắc tông ngày nay, tức là những người theo Phật giáo Đại thừa, đều cấm ăn thịt.
Tất nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt, tăng sĩ có thể ăn thịt. Ví dụ, trong trường hợp khai giới tùy hỉ. Tuy nhiên, các điều kiện phải thật viễn mãn và thuần thục, thay vì lấy cớ này mà sát sinh một cách bừa bãi.
Theo Đại Đường Tây Vực Ký của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang thì: Các nhà sư ở Tây Vực, nếu người nào bị bệnh nặng, theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc phải dùng Ngũ vị tân thì tạm được dùng nhưng phải ở riêng một chỗ, biệt lập. Sau khi hết bệnh, phải tắm gội sạch sẽ, thay đổi y phục, mới cho vào ở chung với chúng Tăng.

2. Quan điểm của Đạo giáo về ngũ huân.


Căn cứ vào Nhĩ Nhã Dực có ghi: Tây phương dĩ đại toán, tiểu toán, hưng cừ, từ toán, cách thông vy ngũ huân, đạo gia dĩ cửu, toán, vân đài, hồ tuy, giới vy ngũ huân. Tức là Tây phương có hành, hẹ, tỏi, kiệu, hưng cừ gọi là ngũ huân, Đạo gia có hẹ, tỏi, rau vân đài, rau mùi, kiệu. Mà rau vân đài ngày nay chính là cải dầu.

Trong Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân có ghi: luyện hình gia lấy hẹ, tỏi, rau vân đài, rau mùi, kiệu làm ngũ huân. Mà luyện hình gia chính là một phái thuộc đạo Đạo gia. Trong Tôn Chân Nhân Vệ Sinh Ca Quyết có ghi rằng:
Dưỡng thể tu đương tiết ngũ tân,
Ngũ tân bất tiết tổn nguyên thần.
Mạc giáo dẫn động hư dương phát,
Tinh kiệt thần khô định táng thân.

Tức là:
Kẻ tu dưỡng thể bớt ngũ tân
Ngũ tân chẳng giảm hại nguyên thần
Chớ làm dẫn động dương hư phát
Tinh kiệt thần khô ắt mất thân

Trong Bản Thảo Bị Yếu có ghi: hẹ cũng là hành đông, hành cũng là hành núi, hưng cừ là rau tây vực, vân là rau mùi. Có thuyết nói rằng hưng cừ chính là hành tây.

3. Quan điểm của S. H. Lorna Wong I.
Trong The Unfolding Truth of Man and the Universe tác giả S. H. Lorna Wong I., có nói đến tác hại của ngũ huân cụ thể như sau:
Hành củ (onions) tán nguyên khí của yếu tố Kim, hại phổi
Tỏi (garlic) tán nguyên khí của yếu tố Hoả, hại tim
Tỏi tây (leeks) tán nguyên khí của yếu tố Địa, hại tỳ
Hẹ (chives) tán nguyên khí của yếu tố Mộc, hại gan
Hành lá (green onions) tán nguyên khí của yếu tố Thuỷ, hại thận.

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi thấy, sau khi ăn ngũ huân, trong miệng sẽ có mùi khó chịu, không có lợi cho việc giao tiếp với người khác. Từ góc độ thực tế, nó không có lợi cho việc giao thông với các vị thần tiên, thay vào đó, nó sẽ thu hút ma quỷ, điều này không có lợi cho sự tu vi và thành trưởng của bản thân người học Đạo.

Tuy nhiên, với phương diện là một bác sỹ tôi thấy ngũ huân có chứa nhiều hoạt chất làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, được dùng để phòng và trị bệnh. Những nghiên cứu mới nhất của tổ chức sức khỏe thế giới ( WHO) về tỏi và hành rau mùi có khả năng chữa các thứ bệnh cảm cúm, tim mạch và ung thư …Do vậy, nếu vì mục đích ngăn ngừa hay chữa trị bệnh, thì ở một chừng mực nào đó, chúng ta có thể dùng được ngũ huân. Nhiều người cũng hòi tôi rằng tại sao ớt và gừng cũng cay mà không thuộc ngũ huân?
 

Xin thưa rằng:  Chủ yếu là vì hai thứ này sau khi ăn không có mùi hăng nồng. Thực vật được sinh da do khí thiên địa bất chính có mùi hăng nồng độc hại, ăn vào sẽ gây tổn thương ngũ phủ lục tạng. Người tu Đạo lấy tâm bình khí hòa làm chính, lấy thanh đạm làm chủ, không nên coi trọng khẩu vị, người tu Đạo nếu gìn giữ kiêng cử không ăn ngũ huân, thì đó cũng là điều rất tốt.

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng