Lữ Tổ bảo cáo mạn đàm

Chủ nhật, 08/10/2023, 10:40 GMT+7

Lữ Tổ bảo cáo là một bảo cáo thông dụng đối với Toàn Chân đạo. Bảo cáo nói về Hưng Hành Diệu Đạo Thiên Tôn –được thế gian biết đến với tên Lữ Động Tân, một trong bát tiên của Đạo giáo. Lữ Động Tân tên húy là Lữ Nham, tự Động Tân, hiệu là Thuần Dương Tử (ngài sinh tháng tư Âm lịch, thuộc quẻ thuần Kiền nên lấy hiệu như thế). Ngoài ra, ngài còn có một hiệu khác gọi là Hồi (回)đạo nhân (một lối chơi chữ từ chữ 呂 mà thành) với ý tứ là một người trở về với Đại Đạo. Ngài sinh ngày 14 tháng 4 năm Bính Tí, tức đời Đường Đức Tông niên hiệu Trinh Nguyên thứ 12 (ngày 4 tháng 5 năm 796 Tây Lịch) tại làng Chiêu Hiền, huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung, Châu Bồ (nay là thôn Chiêu Hiền, xã Vĩnh Lạc, huyện Nhuế Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Lữ Tổ bảo cáo là một áng văn nói qua về cuộc đời, phương thức tu tập cũng như chính thánh hiệu của ngài

Cáo viết:

Ngọc Thanh nội tướng, Kim khuyết tuyển tiên
Hóa thân vi tam giáo chi sư
Chưởng pháp phán ngũ lôi chi lệnh
Hoàng lương mộng giác, Vong thế thượng chi công danh
Bảo kiếm quang huy, Tảo nhân gian chi yêu quái
Tứ sinh lục đạo, Hữu cảm tất phu
Tam giới thập phương, vô cầu bất ứng
Hoàng hạc lâu đầu lưu thánh tích
Ngọc Thanh điện nội luyện đan sa
Tồn đạo tượng vu nham từ,
Hiển tiên lộ vu vân động
Xiển pháp môn chi hương hỏa
Lí huyền tự chi thê hàng
Đại bi đại nguyện, Đại thánh đại từ
Khai sơn khải giáo, Linh ứng Tổ sư
Thiên lôi thượng tướng, Linh bảo chân nhân
Thuần dương diễn chính
Cảnh Hóa Phu Hựu Đế Quân, Hưng Hành Diệu Đạo Thiên Tôn

Lời bàn:

Ngọc Thanh nội tướng, Kim khuyết tuyển tiên
Ngọc Thanh ám chỉ Ngọc Thanh cảnh, nơi mà Nguyên Thủy Thiên Tôn hằng ngự trị. Tại nơi ấy, bên cạnh Nguyên Thủy Thiên Tôn có một người phụ tá luôn kề bên, đó là Lữ Tổ. Lữ Tổ ở trên kim khuyết, thay Tam Thanh, Ngọc Đế tuyển lựa các vị tiên thánh, liệt vào tiên ban. Song, việc ghi tên kẻ thành tiên trong tiên tịch vốn do Đông Hoa Đế Quân nắm giữ. Điều này nhằm nhắc đến chuyện Đông Hoa Đế Quân Vương Huyền Phủ tổ sư truyền đạo cho Chung Ly Quyền, Chung Ly tổ truyền cho Lữ Động Tân. Vì thế, ở một phương diện nào đó, Lữ Tổ cũng phụ giúp công việc của Đông Hoa Đế Quân – tổ sư gốc gác của mình. Đồng thời, điều đó cũng nói đến nguồn gốc của Lữ tổ là kế thừa từ giáo pháp của Đông Hoa Đế Quân. Hoặc ở đây còn có thể giải thích phẩm tiên của Lữ tổ cao trọng nên mới xưng tụng là “tuyển tiên”.

Hóa thân vi tam giáo chi sư
Chưởng pháp phán ngũ lôi chi lệnh
Toàn Chân Bắc tông chú trọng tiên tính hậu mệnh. Thế nên khi viết bảo cáo nói về Lữ Tổ, các tiền nhân cũng dụng ý không nhỏ. Câu đầu tiên nói về sự tu tính của ngài. Cái học của Lữ Tổ là cái học mang tính tam giáo, tư tưởng gần như tiếp thu tinh hoa, sự hòa hợp của tam giáo để hướng chúng sinh tu tập về tâm tính. Nho, Đạo, Thích đều có phép tu tâm tuyệt hảo, ngài đã khéo léo vận dụng và để lại cho hậu thế nhiều bản kinh chuyên bàn về tu tâm, tiêu biểu có thể nhắc đến chính là “Lữ Tổ Tâm Kinh”. Lữ Tổ cũng dặn dò: “Tu đan mà không tu tính chính là thiên hạ tu hành đệ nhất bệnh”.
Đến câu tiếp theo, tiền nhân ám chỉ đến việc tu mệnh của ngài. Nếu dịch sát nghĩa câu văn thì nó biểu thị Lữ Tổ là vị quan có quyền hành khiển ngũ lôi chính pháp. Vốn ngũ lôi có thể hiệu triệu tam giới, nhưng ngài là người phàm tu hành đắc đạo, vốn không thể nắm giữ lôi đình. Nhưng ở đây ám chỉ ngài đã đắc được pháp tu tập về mệnh của mình. Pháp ấy trong đả tọa luyện đan có phần: an lô lập đỉnh và thải dược. Người có sẵn tinh khí thần là thứ thuốc quý. Lại hay Lữ Tổ lấy tinh hoa trời đất trong ngũ khí – ngũ hành, cũng từ tinh khí thần, thân tâm ý để đắc đại đan. Ở đây tuyệt nhiên chính là nói về nhân lôi bên trong ngài, cũng là nhắc đến công pháp luyện đan của ngài. Hai câu này rõ ràng biểu thị tư tưởng “Tiên tính hậu mệnh” của Bắc Toàn Chân. Ngoài ra, một số tông phái khác cũng sẽ có những bảo cáo khác về ngài.

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng