Tam Quan Kinh

Thứ hai, 13/11/2023, 18:18 GMT+7

Giới thiệu khái quát về “Tam Quan Kinh” và “Sám hối”. Bất cứ ai tin vào Đạo giáo cũng đều phải biết rằng Tam Quan Đại Đế là những vị thần vô cùng quan trọng. Thiên Quan tứ phúc, Địa Quan xá tội, Thủy Quan giải ách. Trong các kinh điển của Đạo giáo, “Tam Quan Kinh” được xem như là lời truyền thụ chỉ dẫn đạo sĩ cùng tín chúng đến với việc kiền thành sám hối về những tội lỗi của mình. “Tam Quan Kinh” như một sự khai thị của các Ngài chỉ dẫn cho thế gian về một con đường đến với vô thượng Đại Đạo.

Nguồn: Vô Danh Tử

Tiên tượng Tam Quan Đại Đế

Trước khi đề cập về “Sám hối”, chúng ta nói sơ qua về “trai tiếu”:
Trai tiếu, có thể lý giải theo hai phương diện. “Trai”, có nghĩa là “ngay ngắn”, “tịnh”, tức là giữ cho bản thân mình trong sạch bên trong lẫn bên ngoài, ngăn tham dục và cả việc thực hiện ăn chay. Về “Tiếu”, ám chỉ sự tiến cống, đồng thời bày tỏ sự cung kính đối với bề trên. “Tiếu” là một phương thức trọng yếu hướng đến việc sám hối. Thuở xưa, trước khi tiến hành tế lễ, người chủ lễ cần phải tắm rửa sạch sẽ, thay y phục áo mão chỉnh tề. Đồng thời, trước buổi tế lễ diễn ra, người đứng chủ lễ không được ăn rượu thịt, không gần với nữ sắc trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này biểu thị người hiến tế phải tôn trọng các đấng thần linh trước và trong quá trình tế lễ. Với Đạo giáo, có một trai kì diễn ra trong vòng 10 ngày. 7 ngày đầu gọi “tán trai” và 3 ngày sau gọi “trí trai”. Trong ngày thứ nhất của 7 ngày đầu, đạo chúng thực hiện khai đàn. Còn 3 ngày cuối cũng chính là khi đạo chúng đã chìm đắm trong sự thinh lặng và yên tĩnh 7 ngày. Số 7 biểu trưng cho “thiếu dương”, giống như việc mô tả sau khi chìm đắm trong tĩnh lặng, đạo chúng như được khởi sinh một con người mới. Sau đó, họ lập pháp hội diễn ra trong 3 ngày cuối. Điều này biểu đạt rằng đạo chúng sau 7 ngày sám hối và tĩnh lặng, thì họ đã có đủ tư cách để diện kiến chư Chân. Việc tu trai không chỉ là để tích đức hay duy trì tuổi thọ cho bản thân mình, mà nó còn tạo dựng mối tương quan lâu dài với các đấng thần minh.

Về việc “Sám hối”, “Sơ chân giới thuyết” ghi rằng: “Sám giả, sám kì tiền khiên, tòng tiền sở hữu thập ác đẳng nghiệp, ngu mê chấp trứ, kiều cuống tật đố đẳng tội, tất giai tận sám cấm chỉ, vĩnh bất phục khởi. Hối giả, hối kì hậu quá, tòng kim dĩ hậu sở hữu thập ác đẳng nghiệp, ngu mê chấp trứ, kiều cuống tật đố đẳng tội, kim dĩ giác ngộ, tất giai vĩnh đoạn, canh bất phục tác”. (Nghĩa là:  Việc sám là ăn năn, hối ngộ về những lỗi lầm trước đó, tất cả tội lỗi như thập ác, si mê chấp trước, ghen tị cùng các tội khác, đều phải ăn năn và bị ngăn cấm, không được khởi  sinh trở lại. Việc hối là hối lỗi sau khi làm điều sai trái, tất cả các tội từ trước đến nay như thập ác đẳng nghiệp, ngu mê chấp trước, ganh ghét đố kị, nay đều giác ngộ, hết thảy đều vĩnh đoạn, không làm trở lại nữa).

Theo một số mô tả, Đạo giáo thuở ban đầu đã có tiền lệ về việc sám hối gắn liền với Tam Quan Đại Đế. Vào những ngày đầu tiên thành lập Thiên Sư Đạo, Trương Đạo Lăng Thiên Sư đã đặt ra những quy định về các nghi lễ cho tín đồ của mình. “Tam Quốc Chí – Trương Lỗ truyền” có chép lại rằng: đương thời, Thiên Sư Đạo có phép cầu đảo gọi là “Tam quan thủ thư”: “Thư bệnh nhân tính tự, duệ phục tội chi ý. Tác tam thông, kỳ nhất thượng chi sơn, trứ sơn thượng, kỳ nhất mai chi địa, kỳ nhất trầm chi thủy”. Điều này có nghĩa là nếu một tín đồ bị bệnh, người đó cần phải viết ba lần tội lỗi của mình đã phạm phải trước đây. Một phần đem vứt bỏ ở trên núi, một phần vùi trong lòng đất và một phần nhấn chìm xuống nước, sau đó thì tật bệnh có thể toàn tiêu. Như vậy, có thể thấy, “một phần trên núi, một phần dưới đất và một phần trong nước” cũng biểu thị mối tương quan, gắn kết mật thiết của việc sám hối và Tam Quan Đại Đế. Việc điều trị bệnh bằng cách viết ra tội lỗi của mình để bẩm cáo đến thần minh đích thị là hình thức tự sám hối sớm nhất của tín đồ.

Với sự đa dạng, cũng như các kế thừa và phát triển liên tục của các kinh điển Đạo giáo, đồng thời với sự phát triển của hệ thống thần tiên và việc khôi phục, cử hành các khoa nghi trai tiếu, “Tam Quan Kinh” được xem như là một kinh điển vô cùng quan trọng đối với Đạo giáo. “Tam Quan Kinh” noi theo lời Tam Nguyên Tam Phẩm Tam Quan Đại Đế từ bi tế thế công đức, dần dà trở thành kinh điển trọng yếu mà các đạo sĩ trì tụng trong các lễ trai tiếu, sám hối. Đồng thời, “Tam Quan Kinh” cũng là  một trong “Huyền Môn Tứ Phẩm Kinh” được Toàn Chân truyền bá phổ biến. “Tam Quan Kinh” có tên đầy đủ là “Thái Thượng Tam Nguyên Tứ Phúc Xá Tội Giải Ách Tiêu Tai Diên Sinh Bảo Mệnh Chân Kinh”. Như thế, mục đích của việc trì tụng kinh này cũng được phần nào đề cập trong tên kinh.
“Tam Quan Kinh” hướng đến việc khuyên răn đạo chúng tránh sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối và cả việc say sưa rượu chè. Đồng thời, “Tam Quan Kinh” hướng đạo chúng đến việc tu trai lễ sám, nuôi dưỡng tâm tính thiện lương, quý trọng sinh mệnh của vạn vật. Trong kinh có viết rằng: “Bất tuất kỉ thân, bất tu phiến thiện” (không biết thương bản thân mình, không tu lấy thiện lương - Thả buông cho nó bị dày vò trong các thói xấu của thế gian), điều này ắt hẳn sẽ khiến cho thiên địa sở oán. Phần đầu kinh văn nói đến những tội chướng của thế gian, Thiên Tôn nói những ác quả này đều là do con người tự tạo nên. Để có thể tiêu trừ tai chướng, Tam Quan Đại Đế từ bi thuyết cho chúng thiện nam tín nữ nên quy y tam bảo, giữ lấy trai giới, trì tụng chân kinh, dũng dược sám hối, thì những ác nghiệt đeo bám có thể xá trừ.

Tuy nhiên, sự sám hối không đơn thuần là quỳ phục, lễ bái, mà sám hối cũng như bất kì một khoa nghi nào, việc thành tâm đến tột cùng là một điều kiện tiên quyết được chú trọng. Giải ách chú có đoạn: “Tam Nguyên thần cộng hộ, vạn thánh nhãn đồng minh, vô tai diệc vô chướng, vĩnh bảo đạo tâm ninh”. Đạo tâm an ninh là mục tiêu mà người tu hành nào cũng mong đạt được, và đó cũng là kết quả mong thấy được của những người cầu nhương tai kì phúc. Sự sám hối phải thành tâm, sau đó mới có thể ứng cảm và đón nhận được những phước lành, công đức không thể luận bàn “quyển quyển cú cú tiêu tai chương, hành hành tự tự  diệt tội diên”. Đồng thời, Đạo kinh cũng chép rằng: “Phàm tụng kinh giả, thiết tu trai giới, nghiêm chỉnh y quan, thành tâm định khí, khấu xỉ diễn âm, nhiên hậu lãng tụng. Thiết vật khinh mạn, giao đàm tiếp ngữ. Vụ tại đoan túc, niệm niệm vô vi, tùy nguyện đảo chúc, tự nhiên cảm ứng”. Trước mỗi bộ kinh đều có phần lưu ý như vậy. Phần này chủ đích đề cập đến những yêu cầu đối với người tụng khi trì tụng kinh điển để bày tỏ sự kính trọng Tam Bảo và sự thành tâm của chính mình vậy.  Với niềm tin rằng “tâm thành tắc linh”, khi cử hành khoa nghi, lễ bái sám hối thì đạo chúng cần phải có lòng “hiếu đạo cầu linh” thì mới có thể bày tỏ lòng thành và cảm thấy được thanh tĩnh. Và lòng thành nào cũng cần có sự phù hộ độ trì thì mới có thể cảm hóa tâm hồn đạo chúng.

Trì tụng và làm theo “Tam Quan Kinh” là một trong những bước quan trọng của việc tu hành theo Đạo giáo. Trước khi trì tụng, người tu hành phải tụng qua các thần chú để thanh lọc tâm, thân, khẩu, ý. Điều này biểu thị lòng thành kính của kẻ tu Đạo đối với thần linh, đồng thời cũng là một phước lành cho sự tu dưỡng thân mình. Chỉ khi thân tâm của con người minh mẫn, an thái và thanh tịnh, thì người ta mới có thể nhận ra yếu quyết của con đường diên sinh. Đạo kinh có câu “tẩy tâm sám hối”, chính là dạy cho các thế hệ hậu học có thể noi theo các vị Tổ Sư, kiền thành sám hối, lấy lòng từ bi mà cầu được đại nhân duyên diện kiến chư Chân, xưng thần với Đại Đạo vậy. Vì tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của “Tam Quan Kinh”, kinh điển này không được tự ý trao truyền và không được giảng dạy cho người “sơ học” và ngoại đạo. Điều đó là một lẽ hiển nhiên, vì kinh điển nguồn gốc từ Đạo giáo và không phải ai cũng có thể hiểu hay lý giải đúng đắn theo như giáo lý của Đạo giáo. Giảng kinh sai là một tội lớn, truyền kinh mà không lý giải cho người được truyền về nội dung kinh cũng là một tội lớn. Biết tội còn phạm phải vì lý do an thân về phần vật chất, hay tư lợi cá nhân cũng là một sự bất kính đối với Tam Bảo vậy.

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng