Bàn Cổ Khai Thiên

Thứ sáu, 03/09/2021, 19:46

Tại mấy vạn ức năm về trước, hỗn độn chưa khai mở, âm dương chưa phân hoá, lúc bấy giờ thiên địa nhật nguyệt đều chưa hình thành, cả thế giởi ở trong trạng thái tăm tối, giống như một cái trứng gà hỗn độn huyền hoàng. Trong niên đại cách ngày nay vô cùng xa đó, có Bàn Cổ Chân Nhân 盘古真人, thọ bẩm tinh hoa của thiên địa nhật nguyệt mà sinh ra, đồng thời vận hành rong ruổi trong vũ trụ huyền hoàng hỗn độn.
         

ban-co-khai-thien

 

Bàn Cổ Chân Nhân hiệu xưng là Nguyên Thuỷ Thiên Vương 元始天王, ông so với trời đất còn thần thánh hơn, trong khoảng trời đất, một ngày chín lần biến đổi. Tay trái ông cầm đục, tay phải ông cầm rìu, bửa đục bên trái bên phải, tách rời chỗ nối liền của trời đất, thế là trời đất bị tách ra. Sau khi trời đất bị tách ra, bắt đầu có sự phân hoá âm dương; khí dương nhẹ bay lên làm thành trời, khí âm nặng bay xuống làm thành đất. Bàn Cổ ở giữa trời đất, dùng thân mình duỗi lên, trời liền cao lên, đất liền tụt xuống. Bàn Cổ vươn cao một trượng, trời cũng theo đó mà cao thêm một trượng. Như vậy cả vạn ức năm, trời đất dần xa ra cách nhau ba vạn sáu ngàn dặm.
         

Trung tâm của trời đất có ngọn núi Ngọc Kinh 玉京, trên núi có một toà cung điện, kim bích huy hoàng, phú lệ đường hoàng, đây chính là “Đại la thiên cảnh” 大罗天境 nơi Bàn Cổ trú ngụ. Nơi đây, Bàn Cổ ngẩng lên hít tinh khí trên trời, cúi xuống uống thể tuyền trên đất, tiêu dao tự tại, rất là vui sướng.
         

Chính vào lúc đó, có Thái Nguyên Ngọc Nữ 太元玉女, thiên tư diễm tuyệt, cũng đã vận hành rong ruổi trong khoảng trời đất, bà xưng hiệu là “Thái Nguyên Thánh Mẫu” 太元圣母. Một ngày nọ, Bàn Cổ đang vân du trong trời đất, bỗng phát hiện Thái Nguyên Thánh Mẫu đang ngẩng lên hít thiên khí, bèn tiến đến hỏi thăm. Bàn Cổ khiêm tốn hỏi Thái Nguyên Thánh Mẫu có phải là muốn cùng lên núi Ngọc Kinh, sinh dưỡng thiên địa tạo hoá, sinh linh, vạn vật? Thái Nguyên Thánh Mẫu đáp rằng:
         - Trong khoảng trời đất vũ trụ, chỉ có một âm thì bất sinh, chỉ có một dương thì bất trưởng, cùng với ông tạo dựng biến hoá trời đất, sinh và dưỡng vạn vật cũng là nguyện vọng của tôi.
         

Hai người bèn cưỡi mây lướt gió, thông khí kết tinh, cùng trở về Đại la thiên cảnh trên núi Ngọc Kinh. Từ đó, hai khí âm dương trời đất giao hợp, hoá dục cõi mông lung, điều hoà vạn vật.
         

Bàn Cổ và Thái Nguyên Thánh Mẫu trải qua một kiếp (1), hoan ái một lần, trước sau sinh được một nam một nữ. Trước triên sinh một nam là Thiên Hoàng 天皇, Thiên Hoàng có 13 cái đầu, chính là “Phù Tang Đại Đế Đông Vương Công” 扶桑大帝东王公, hiệu “Nguyên Dương Phụ” 元阳父, là Nguyên Thuỷ Thiên Tôn 元始天尊; sau sinh một nữ là Cửu Quang Huyền Nữ 九光玄女, xưng là “Thái Chân Tây Vương Mẫu” 太真西王母, hiệu “Tây Hán Phu Nhân” 西汉夫人.
         

Thiên Hoàng lại sinh ra Địa Hoàng 地皇 có 10 cái đầu, là “Linh Bảo Thiên Tôn” 灵宝天尊; Địa Hoàng lại sinh ra Nhân Hoàng 人皇 có 9 cái đầu, là “Thái Thượng Đạo Đức Thiên Tôn” 太上道德天尊. Tam Hoàng mỗi người trị lí thế giới ba vạn sáu ngàn năm. Tam Hoàng hoá sinh Tam Thanh chi tôn 三清之尊, cảnh giới mà Tam Tôn trú ngụ là “Tam Thanh thánh cảnh” 三清圣境,  tam thập lục thiên chi hạ, tam thập tam thiên chi thượng, tức Ngọc Thanh cảnh 玉清境, Thượng Thanh cảnh 上清境 và Thái Thanh cảnh 太清境. Nguyên Thuỷ Thiên Tôn cư ngụ tại Ngọc Thanh cảnh, Linh Bảo Thiên Tôn cư ngụ tại Thượng Thanh cảnh, Đạo Đức Thiên Tôn cư ngụ tại Thái Thanh cảnh.
         

Sau khi Bàn Cổ Chân Nhân qua đời, khí hô hấp biến thành gió mây, thanh âm biến thành sấm sét, mắt trái biến thành mặt trời, mắt phải biến thành mặt trăng, tứ chi ngũ thể biến thành tứ cực ngũ nhạc trên mặt đất, huyết mạch biến thành giang hà, gân mạch biến thành sơn mạch trên mặt đất, thịt biến thành ruộng đồng, tóc biến thành sao, da lông biến thành cây cỏ, răng và xương biến thành kim thạch, tỉnh tuỷ biến thành châu ngọc, mồ hôi chảy biến thành đầm, là tổ tiên của vạn vật trời đất.

Chú của nguyên tác
1- Kiếp 劫 : là chỉ sự đại biến động cải thiên hoán địa, người xưa dùng “kiếp” để biểu thị một khoảng thời gian rất dài, vũ trụ trải qua nhất thành nhất huỷ là một kiếp, cũng có thể nói vũ trụ trải qua một chu kì biến hoá tương đối dài là một kiếp, cụ thể một kiếp có nhiều cách nói khác nhau, đa là ức vạn năm, ít là vạn năm.

Huỳnh Chương Hưng ( việt dịch)
Quy Nhơn 05/10/2019

Nguyên tác Trung văn
BÀN CỔ KHAI THIÊN
盘古开天
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002

BÀN CỔ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA

          Vào thời viễn cổ, vũ trụ giống như một quả trứng gà to lớn không gì sánh bằng, bên trong là một khối đen kịt, không có đông tây nam bắc, cũng không có trái phải trước sau. Trong cái thế giới đó, đã sinh ra một vị anh hùng vĩ đại, tên là Bàn Cổ 盘古.

          Bàn Cổ trong “quả trứng gà” đó ngủ say đến hơn 18.000 năm, cuối cùng thức dậy. Lúc ông ta mở to đôi mắt ngái ngủ, trước mắt vẫn còn là một khối đen. Bàn Cổ muốn vươn vai, nhưng “quả trứng gà” ôm chặt lấy người ông, ông cảm thấy toàn thân bực bội khó chịu, hít thở cũng vô cùng khó khăn. Trời ơi! Đây là nơi đáng chết!

          Bàn Cổ không thể tưởng tượng có thể nhẫn nhục tiếp tục sinh tồn trong hoàn cảnh đó. Lửa giận bốc cao ba trượng, đột nhiên đại nộ, liền tay cầm lấy một chiếc rìu khổng lồ sắc bén, lấy hết sức, hét lớn một tiếng, vung rìu lên.

          “Ầm” sau một tiếng vang cực lớn, trong “quả trứng gà” một luồng khí trong tán phát ra, nhẹ nhàng bay lên cao, biến thành bầu trời; một số những thứ đục khác từ từ lắng xuống, biến thành mặt đất, không còn là một khối đen. Con người ở trong đó, cảm thấy tinh thần dễ chịu sảng khoái.

          Bầu trời cao xa, mặt đất bao la, nhưng Bàn Cổ không hề bị thắng lợi làm cho đầu óc u tối, ông sợ trời đất sẽ hợp trở lại, thế là ông dang hai chân giẫm mạnh lên mặt đất, đầu ngấng cao, đỡ lấy bầu trời, sau đó thi triển phép thuật, thân thể trong một ngày biến hoá chín lần. Mỗi lần thân thể Bàn Cổ cao 1 xích, bầu trời cũng theo đó tăng cao 1 xích, mặt đất cũng dày thêm 1 xích; mỗi lần thân thể Bàn Cổ cao 1 trượng, bầu trời cũng theo đó tăng cao 1 trượng, mặt đất cũng dày thêm 1 trượng.

          Trải qua hơn 18.000 năm nỗ lực, Bàn Cổ biến thành một người khổng lồ đầu đội trời chân đạp đất, và bầu trời cũng cao xa không gì bằng, mặt đất cũng chắc chắn không gì bằng.

          Bàn Cổ vẫn không nghỉ, tiếp tục thi triển phép thuật, không biết qua thêm bao nhiêu năm, cuối cùng bầu trời không thể cao thêm và mặt đất cũng không thể dày thêm.

          Lúc này, Bàn Cổ đã hao tổn hết khí lực toàn thân, ông từ từ mở đôi mắt, thoả mãn ngắm nhìn trời đất do mình đích thân tạo lập.

          - A! thật là vĩ đại, cuối cùng mình cũng đã sáng tạo ra một thế giới mới!

          Từ đó, muôn vật trong khoảng trời đất cũng không sống trong hắc ám.

          Bàn Cổ thở ra một hơi dài, từ từ nằm xuống, nhắm đôi mắt lại, từ biệt thế giới.

          Vị anh hùng vĩ đại chết đi, nhưng di thể của ông không hề tiêu mất: Mắt trái của Bàn Cổ biến thành mặt trời, rọi khắp mặt đất; mắt phải của ông biến thành mặt trăng to lớn, chiếu sáng màn đêm; hàng ngàn hàng vạn sợi tóc biến thành tinh tú, điểm xuyết cho bầu trời đêm; tứ chi và thân mình biến thành tam sơn ngũ nhạc, làm cho mặt đất thêm hùng tráng; máu tươi biến thành ao đầm sông biển, tuôn chảy không thôi; thịt biến thành ruộng đồng màu mỡ ngàn dặm để muôn vật sinh tồn; xương biến thành hoa cỏ cây cối, để con người thưởng ngoạn, răng biến thành đá và kim thuộc để con người sử dụng; tỉnh tuỷ biến thành trân châu lóng lánh để con người sưu tập; mồ hôi biến thành mưa móc làm tươi tốt ruộng đồng; khí thở ra biến thành làn gió nhẹ, tất cả hợp thành phong cảnh của nhân gian mĩ lệ. ....

          Bàn Cổ sinh tiền hoàn thành sự nghiệp vĩ đại khai thiên lập địa, sau khi mất vĩnh viễn lưu lại bảo tàng vô cùng vô tận cho người đời sau, trở thành vị anh hùng được dân tộc Trung Hoa sùng bái.

                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                     Quy Nhơn 02/8/2021

Nguyên tác Trung văn

BÀN CỔ KHAI THIÊN TỊCH ĐỊA

盘古开天辟地

Trong quyển

THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH

THẦN THOẠI CỐ SỰ

青少年最喜欢的

神话故事

Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明

Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002

 

LONG BÁ CÂU NGAO

          Bàn Cổ 盘古 sau khi khai thiên lập địa vì quá mệt mà chết, 5 ngón chân trên một bàn chân của ông đã biến thành 5 ngọn núi tiên. Lúc đầu, 5 ngọn núi tiên này liền với đất liền. Nhưng khi Cung Công 共公 húc đổ núi Bất Chu 不周, trên đất liền phát sinh trận động đất lớn, núi tiên cũng bị rời khỏi đất liền, cả ngày trôi lênh đênh trên biển. Thiên đế bèn sai 5 con đại ngao lần lượt đội 5 ngọn núi, 5 ngọn núi mới yên định lại.
          Do bởi đại ngao đội núi tiên, nên không thể tuỳ tiện hoạt động, cũng không thể đi tìm thức ăn. Lúc đầu, thần tiên trên núi tiên còn theo giờ cho chúng thức ăn, lâu dần thần tiên cũng lười, quên cho chúng ăn. Ngày nọ, một người khổng lồ tên là Long Bá 龙伯 đến buông câu nơi biển đông. Trong phút chốc đã câu được 3 con ngao, thế là 3 ngọn núi tiên Bồng Lai 蓬莱, Phương Trượng 方丈, Doanh Châu 瀛州 liền trôi ra biển lớn. Thiên đế giận dữ, phạt con cháu đời sau của Long Bá dần nhỏ lại, đồng thời đày họ đến Bắc minh 北冥 - một nơi quanh năm không thấy ánh mặt trời. Nhưng sau nhiều năm, con cháu đời sau của Long Bá vẫn rất cao. Khoa Phủ 夸父 đuổi theo mặt trời chính là con cháu đời sau của Long Bá.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 03/4/2020

Nguyên tác Trung văn
LONG BÁ ĐIẾU NGAO
龙伯钓鳌
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng