Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn Thanh Huyền Cửu Dương Thượng Đế

Thứ năm, 12/08/2021, 16:38

Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn là một vị thần tối cao của Đạo giáo. Đạo giáo có hai truyền thống. Sự phổ biến nhất coi ngài là hóa thân của đức Nguyên Thủy Thiên Tôn.

Nguồn: Long Môn Phái (Toàn Chân Đạo)

thai-at-cuu-kho-thien-ton-long-mon-phai

Ảnh: Long Môn Phái

-----------------------

Ngoài ra, có một truyền thống mang tính suy luận cho rằng ngài hóa thân từ Đông Vương Công. Mặc dù Nguyên Thủy Thiên Tôn hóa thân thành Đông Vương Công, nhưng hai truyền thống mang những tính chất khác biệt.

Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn trong Thanh Huyền Sám viết: “Thanh Hoa trường lạc giới, bản vô thanh, vô sắc chi thiên; Đông Cực Diệu Nghiêm cung, hữu đại từ đại bi chi chủ”. Thanh Hoa trường lạc giới là tầng trời không thanh không sắc. Và Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn ngự trị ở đó là vị thần đại diện cho sự từ bi của Đại Đạo. Dù ở truyền thống nào, thì tư tưởng vẫn giao hòa và thống nhất rằng ngài đại diện cho sự từ bi của Đạo. Trong tất cả các vị thiên tôn, phải “có cầu mới có ứng”, nhưng với Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn thì đó là sự từ cứu chủ động, ngài tìm lấy những kẻ khổ đau và cứu vớt cả những kẻ không cầu khẩn đến ngài. Lòng từ cứu của ngài như thể bản tính tự nhiên từ bi của Đại Đạo.

Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn có một con thú cưỡi, đó là sư tử chín đầu. Con vật này có thể dùng tai để tìm nghe lấy những âm thanh mà chúng sinh đang chịu đau khổ. Để từ đó nó có thể đưa Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn đến nơi phát ra thanh âm đó. Cửu đầu sư tử đi trước để tìm kiếm, dò đường. Nó biểu trưng là trí tuệ và từ bi của ngài luôn đi trước. Điều này ám chỉ đến việc Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn chủ động tìm đến kẻ đang đọa vào sự khổ đau để cứu độ cho những người đó.

Trong Cứu khổ bảo cáo, khi nói về nơi ngự trị của Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn, cổ nhân viết: “Thanh Hoa trường lạc giới; Đông Cực Diệu Nghiêm cung/ Thất bảo phương khiên lâm; Cửu sắc liên hoa tọa”. Nơi ngự trị của Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn chính là Thanh hoa thế giới. Chốn Thanh hoa là một thế giới thuộc Ngọc Thanh Cảnh. Đồng thời, nó cũng chính Ngọc Thanh thiên của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Chữ “Thanh” (青) trong “Thanh Hoa thế giới” tức là màu xanh, ám chỉ phương Đông – nơi khởi phát ánh sáng, mang nhiều sinh khí. Đây cũng là sự ám chỉ Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn là hóa thân của Đông Vương Công. Nơi ngự trị của ngài là nơi hội tụ, đúc kết những gì tinh hoa, tuyệt diệu của dương khí. Cụ thể hơn, trong Thanh Hoa thế giới đó có một cung trời Diệu Nghiêm. Đó là nơi kỳ diệu, trang nghiêm. Sự trang nghiêm đối với cổ nhân ám chỉ cái đẹp tuyệt vời toàn hảo. Nơi đó, đầy những thứ tốt lành, tuyệt hảo, và cũng đầy những bông liên hoa, tô điểm tỏa hương sắc khắp nơi. 

Trong Diệu Nghiêm cung đó, có “thất bảo” ám chỉ cho Tam Thanh – Tứ Ngự. Tam Thanh – Tứ Ngự là bảy vị tự nhiên cao chân, vô cùng cao trọng. Bảy vị mô tả cho “thể đạo” và “dụng của đạo”. Thất bảo tức là ám chỉ cả Đạo và Đức. Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn ngự nơi ngát mùi dương khí kết thành mùi hương của cỏ, thanh khiết trong lành. Nơi ngài ngự được đón nhận ánh sáng của Tam Thanh Tứ Ngự, là nơi được soi sáng hoàn toàn bởi Đạo và Đức. Nơi đó không còn tăm tối, mịt mờ hay là nơi nhiễm trần tục chốn nhân gian mà là chốn vĩnh hằng và an lạc. Ở giữa thất bảo có bãi đất trống rộng lớn, nơi ấy có một đài gọi tên “Cửu sắc liên hoa tòa (tọa)”. Cửu sắc mô tả cửu dương khí, muốn nói đến Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn thừa hưởng cửu dương chi khí của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn tựa như đóa hoa sen trọn hảo ở giữa rừng hoa của Đại Đạo, tự tỏa hương thơm ngát và cũng khiến cho những đóa hoa khác được thơm lây.

Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn qua muôn muôn vạn kiếp, ngài luôn ban ân hồng từ để tế độ chúng sinh. Bởi vì ngài ở trên chúng sinh, là bậc cao thượng vô cùng, ngài tài trí, tuyệt hảo nên có thể thùy ơn cứu độ, mở lượng hải hà, nhỏ giọt từ bi. Ngài lại đại khai (mở rộng) cửa cam lộ để cứu lấy chúng sinh trong bể khổ. Chân thân của ngài chính là diệu đạo. Pháp tướng của ngài là thụy tướng (tướng đẹp, tốt lành may mắn) chứ không phải tướng phàm tục. Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn tùy cơ hội nhận lấy sự phó thác, kêu cứu của chúng sinh trong bể khổ. Từ ấy mà ngài thệ nguyện cứu chúng sinh vô cùng. Bởi có lòng thương chúng sinh, nên ngài nguyện cứu hết thảy. Nhưng lòng thương mà không có khả năng thì quả thật khó khăn vô cùng. Nhưng ngài là bậc “Đại thánh” nên mới có cái uy lực, quyền năng của ngài có thể thả một chiếc thuyền dẫn lối, độ hóa chúng sinh trong thiên hạ. Trong “Thái Thượng Đỗng Huyền Linh Bảo Cứu Khổ Diệu Kinh” có chép: “Nhĩ thời, Cứu khổ thiên tôn; Biến mãn thập phương giới; Thường dĩ uy thần lực; Cứu bạt chư chúng sinh; Đắc ly vu mê đồ…”. Ý muốn nói Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn hóa thân thành mười vị Cứu Khổ Thiên Tôn (gọi Thập Phương Cứu Khổ Thiên Tôn, đã được đề cập ở bài trước) để phổ độ chúng sinh rời xa khỏi con đường mê muội trần ai. Trong muôn muôn triệu kiếp, ngài đã độ nhân vô cùng, công đức không sao kể hết được.

Tiện thể nói qua về tư tưởng tịnh độ của Đạo giáo. Trong “Tam Quan Kinh” có chép: “…Thiên Tôn ngôn: Cừu nhân băng phán, oan gia trái chủ, tự tiêu tự diệt. Cô hồn đẳng chúng, cửu huyền thất tổ, tứ sinh lục đạo, luân hồi sinh tử, xuất ly địa ngục, tức vãn Đông Cực thiên giới, cứu khổ môn đình. Cứu khổ địa thượng hảo tu hành, chỉ hữu thiên đường vô địa ngục. Diêm Vương nhất kiến, bất cảm cao thanh. Đồng tử dọa xoa, kình quyền củng thủ. Ngưu đầu mã diện, tổng tận quy y. Nhất thập bát trọng địa ngục, ngục ngục tiêu diêu. Tam thập tam thiên thiên cung, cung cung tự tại…”. Cả đoạn ý muốn nhắc đến việc sau khi chúng sinh tu tập theo pháp môn của Tam Quan Kinh, họ đã tiệm cận với Đạo, đã xây dựng được những điều tốt nhưng chưa đủ duyên đắc Đạo.

Đối với những người ấy, sau khi chết họ được lên Đông Cực thiên giới và Cứu khổ môn đình. Khi lên đến đây thì chỉ có thiên đường, không có địa ngục. Ngay cả Diêm Vương cũng không thể khảo định, ảnh hưởng đến họ, cả la sát nơi địa ngục cũng cung kính. Không chỉ nơi địa ngục mà nơi thiên cung cũng trở nên tiêu diêu đối với họ. Điều này ám chỉ sự tu tập, quý trọng pháp môn của một kẻ chuyên tâm tu hành thì khi chết có thể lên Đông Cực thiên giới và Cứu Khổ môn đình. 

Trong tháng này, quý đạo hữu thành tâm xưng niệm thánh hiệu “Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn” và “Tam Nguyên Xá Tội Thiên Tôn” nguyện hồi hướng đến hết thảy vong hồn, nguyện cầu cho tội khiên câu diệt, vĩnh thoát siêu thăng.

Chí tâm xưng niệm
Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn
Tam Nguyên Xá Tội Thiên Tôn
Bất khả tư nghị công đức

 

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng