Tiết Đông chí 冬至 bắt nguồn từ đời Hán, thịnh hành thời Đường Tống, truyền cho tới hiện nay. Trong Thanh Gia Lục 清嘉录 thậm chí có nói “tiết Đông chí lớn như tết năm mới”, điều đó cho thấy rõ, người xưa rất coi trọng Đông chí. Mọi người cho rằng, Đông chí là sự chuyển hoá tự nhiên của hai khí âm dương, là trời ban cho phúc khí. Đời Hán lấy Đông chí làm “Đông tiết” 冬节, phủ quan cử hành nghi thức gọi là “hạ đông” 贺冬 (chúc mừng mùa đông), các ngành đều được nghỉ. Trong Hậu Hán thư 后汉书 có chép:
Đông chí tiền hậu, quân tử an thân tĩnh thể, bách quan tuyệt sự, bất thính chính, trạch cát thời nhi hậu tỉnh sự.
冬至前后, 君子安身静体, 百官绝事, 不听政, 择吉时而后省事.
(Trước và sau Đông chí, quân tử an dưỡng thân thể, bách quan không làm việc, không xử lí chính vụ, sau đó chọn giờ tốt mà bớt việc)
Cho nên ngày hôm đó, triều đình trên dưới đều được nghỉ, quân đội đợi mệnh, biên tái đóng cửa, đi buôn bán tạm dừng, bạn bè thân hữu dùng món ngon tặng cho nhau, thăm hỏi lẫn nhau, vui vẻ qua một cái tiết “an thân tĩnh thể”.
Thời Đường Tống, Đông chí là ngày tế Thiên, tế tự tổ tiên, vào ngày này hoàng đế đến ngoại ô cử hành đại điển tế Thiên. Bách tính vào ngày này tế bái phụ mẫu các bậc tôn trưởng. Hiện vẫn còn một số nơi ăn mừng vào ngày Đông chí.
Truyền thuyết 1
Trước đây tại Bắc Kinh có câu nói:
Đông chí hồn đồn, Hạ chí miến
冬至馄饨, 夏至面
(Ngày Đông chí ăn vằn thắn, ngày Hạ chí ăn mì sợi)
Tương truyền vào thời Hán, Hung Nô phương bắc thường quấy nhiễu biên cương, bách tính sống không yên. Đương thời trong bộ lạc Hung Nô có hai thủ lĩnh là Hồn thị 浑氏 và Đồn thị 屯氏 rất hung bạo. Bách tính vô cùng căm giận, thế là họ gói bánh lấy thịt làm nhân, mượn âm “hồn” 浑 và “đồn” 屯, gọi bánh là “hồn đồn” 馄饨 (vằn thắn). Bách tính vì căm hận mà ăn thịt chúng, đồng thời cầu mong dẹp yên chiến loạn, để sống những ngày thái bình. Nhân vì lúc ban sơ làm vằn thắn là vào ngày Đông chí, nên vào ngày này nhà nhà đều ăn vằn thắn.
Ăn “niết đống nhĩ đoá” 捏冻耳朵 là tục gọi bánh xủi cảo mà người Hà Nam 河南 ăn vào ngày Đông chí. Duyên cớ gì mà có tục ăn loại bánh này? Tương truyền Y thánh Hà Dương 河阳 là Trương Trọng Cảnh 张仲景từng làm quan tại Trường Sa 长沙, khi ông cáo lão hồi hương gặp lúc mùa đông tuyết rơi nhiều, lạnh buốt thấu xương, nhìn thấy bà con hai bên bờ sông Bạch 白 ở Hà Dương không có đủ áo che thân, nhiều người do quá lạnh nên hai bên tai bị nứt, trong lòng ông vô cùng buồn , bèn gọi đệ tử dựng một cái rạp chữa bệnh bên phía đông Hà Dương quan, dùng thịt dê, ớt và một số dược liệu bỏ vào nồi nấu chín, sau đó vớt ra xắt nhỏ, dùng bột bọc lại giống hình cái tai, sau đó lại bỏ vào nồi nấu chín thành một loại thuốc gọi là “khu hàn kiêu nhĩ thang” 驱寒矫耳汤phát cho bách tính ăn. Sau khi ăn xong, tai của bách tính đều trị khỏi, Về sau mỗi khi đến ngày Đông chí, mọi người bèn bắt chước làm theo, hình thành nên tập tục “niết đống nhĩ đoá” 捏冻耳朵này. Người đời sau gọi món đó là “giảo tử” 饺子 (sủi cảo), cũng có nơi gọi là “biển thực” 扁食, “thang miến giảo” 烫面饺, mọi người còn truyền nhau Đông chí ăn “giảo tử” 饺子sẽ không bị rét cóng.
Truyền thuyết 2
Theo truyền thuyết, Đông chí ăn thịt chó là bắt đầu từ đời Hán. Tương truyền, Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 vào ngày Đông chí ăn thịt chó do Phàn Khoái 樊哙 nấu, cảm thấy mùi vị đặc biệt thơm ngon, khen ngợi không dứt. Từ đó trong dân gian hình thành tập tục Đông chí ăn thịt chó. Hiện nay đến ngày Đông chí, nhiều người vẫn ăn thịt chó, thịt dê cùng các loại thực phẩm bổ dưỡng khác để cầu mong năm tới được tốt đẹp.
Truyền thuyết 3
Vùng sông nước Giang Nam 江南 có tập tục vào đêm Đông chí, cả nhà quây quần cùng ăn xôi đậu đỏ. Tương truyển, có một người tên Cung Công thị 共工氏, con của ông ta không thành tài, làm nhiều điều ác, chết vào ngày Đông chí, sau khi chết biến thành dịch quỷ, tiếp tục tàn hại bách tính. Nhưng, dịch quỷ này sợ nhất đậu đỏ, thế là mọi người bèn nấu xôi đậu đỏ vào ngày Đông chí, dùng để xua đuổi, phòng tai hoạ trừ bệnh tật.
Huỳnh Chương Hưng ( việt dịch)
Quy Nhơn 22/12/2019
Tiết Đông chí 27/11/ Kỉ Hợi
Nguồn
http://m.gs5000.cn/gs/wenhuagushi/jieri/315.html