Đạo Đức Thiên Tôn là ai? Thái Thượng Lão Quan Đạo Đức Thiên Tôn

Thứ năm, 29/02/2024, 22:58 GMT+7

Đạo Đức Thiên Tôn 太上老君 hay Thái Thượng Lão Quân Đạo Đức Thiên Tôn là một trong Tam Thanh, Ngài có vị trí vô cùng cao trọng trong niềm tin Đạo giáo. Ngài còn được gọi với danh xưng Hỗn Nguyên Hoàng Đế, hay gần gũi hơn là Thái Thượng Đạo Tổ. Lão Quân ngự tại Bạch Ngọc Quy Đài, Thái Thanh Tiên Cảnh, Đại Xích Thiên Cung.

Nguồn: Đạo trưởng Vô Danh Tử

Tiên tượng Thái Thượng Lão Quân Đạo Đức Thiên Tôn

 

Đạo Đức Thiên Tôn ứng với Sư Bảo trong Tam Bảo Đạo giáo. Lại nhắc thuở xưa, Thiên Bảo Tôn thuyết đại pháp độ chúng sinh, gầy dựng vũ hoàn, sinh xuất muôn phẩm vật. Linh Bảo Tôn là đấng truyền thụ kinh điển, giúp chúng sinh biết đường tu học, biết pháp hành trì. Như thế, Đạo bảo – ta hằng quy phục, Kinh bảo – cầu nối giúp ta siêu xuất mê tân, hàm đăng Đạo ngạn. Thật phước báu cho những kẻ gặp được Chân Kinh, Diệu Pháp. Song, không có Sư bảo, quả như người đi đêm không có đèn, trăng soi rọi. Không có Sư bảo, muôn phẩm tiên kinh cũng khó lòng thấu ngộ. Tiên tông muốn tựu thành, trước tiên phải cầu cạnh Sư bảo. Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn chính là bậc Thầy cả vĩ đại vậy! Đại La Sư Bảo phân thân hóa khí mà ứng hiện trên môi miệng Thánh nhân, tuy miệng lưỡi phàm trần nhưng chính là tòa ngự Sư Bảo. Một trong những hóa thân trứ danh của Ngài là Lão Tử - người để lại tác phẩm “Đạo Đức Kinh” - kinh điển tối ưu trong việc hỗ trợ, nâng bước những kẻ sơ học!

Nhất khí hàm tam hỗn độn sơ, Thái Thanh lập giáo tự hư vô. Thùy tương chu lễ đông truyền khổng, thùy nhập hàm quan hóa hồ di. Bát thập nhất chương minh đạo đức, bách thiên vạn ức trấn huyền đô!

Vào thời Đông Hán, Lão Quân giáng lâm đất Thục truyền thụ Tổ Thiên Sư Trương Đạo Lăng “Thái bình động cực kinh”, “Chính nhất minh uy nhị thập tứ phẩm pháp lục”, tam ngũ đô công ngọc ấn, thư hùng trảm tà kiếm cùng các đẳng kinh thư, pháp khí, lại gia phong Thiên sư, phó thác cho Thiên sư quảng hành “Chính nhất minh uy chi đạo”, cứu độ lê dân bá tánh.

Căn cứ theo một số Đạo kinh, Lão Quân thượng xử ngọc kinh, vi thần vương chi tông; hạ tại tử vi, vi phi tiên chi chủ. Thị đạo giáo tối cao tôn thần tam thanh thiên tôn chi nhất, đạo tổ thường thường phân thân giáng thế, truyện giáo độ nhân, hoằng dương đạo pháp.

Thái Thượng Đạo Tổ vô thủy vô chung, sinh thiên sinh địa, vì giáo hóa chúng sinh mà giáng Thánh thành phàm, đồng cùng bụi bặm, hóa thân nơi trần thế, hiệu Lão Tử, độ nhân vô số, trở thành thầy của các bậc vương giả, lại truyền thụ “Đạo đức kinh” duy chỉ ngũ thiên ngôn, nhưng bao hàm tất thảy thiên địa, vũ trụ, nhân sinh, thân thể cho đến đại trí tuệ.

Trong tín ngưỡng của Đạo giáo, Lão Quân đôi lúc được hiểu chính là Đại Đạo. Đại Đạo vô thủy vô chung, vô hình vô tướng, và Lão Quân được xem là hiện thân của Đại Đạo. Tại thiên địa chi sơ, Lão Quân ở tại không động chi trung, dùng vô tâm vô dục vận hành âm dương nhị khí, thiên địa nhân từ đó được phân khai, nhật nguyệt nương vào mà được khai thủy vận hành. Chung cuộc, nhân loại, vạn vật dần được sinh thành dưỡng dục cũng bởi Đại Đạo vậy.

Lão Quân khai sáng, cứu độ chúng sinh. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, Đại Đạo diễn hóa theo nhiều kiểu khác nhau. Qua thời gian, Ngài dần hiển lộ với con người một cách sáng tỏ hơn. Từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, Lão Quân nhiều lần hóa thân thành các bậc tiên hiền, khai sáng chúng sinh. Qua từng thời gian, Ngài dần dạy dỗ, uốn nắn con người, khiến chúng trở thành giống loài tuyệt diệu trong tam giới. Điển hình ta thấy có Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Tổ Thiên Sư, Vương Huyền Phủ Tổ sư, Chung Ly Tổ, Lữ Tổ, v.v… Các bậc Chân nhân, Thiên sư góp phần công sức trong việc uốn nắn, dạy dỗ quần sinh!

 

NGUỒN CƠN KHỔ ẢI


Trong “Thái Thượng Huyền Linh Bắc Đẩu Bản Mệnh Diên Sinh Chân Kinh”, Thái Thượng Lão Quân tại nơi Thái Cực cung, quán kiến chúng sinh lâm vào cảnh: “Ức kiếp phiêu trầm; Chu hồi sinh tử”. Chúng sinh chìm nổi muôn kiếp, lẩn quẩn luân hồi. Kẻ được sinh vào nhân loại, hoặc là nơi trung tâm châu thổ, hoặc là tứ phương biên ải; kẻ giàu sang phú quý, người nghèo hèn bần tiện. Tất cả biến số đó đều là giả tạm, sau cùng đều đọa Địa Ngục. Âu cũng bởi tội nghiệp sâu dày mà chịu Âm ti phán xét. Bản án này khiến họ bị phạt đền trong thống khổ; phải xa rời kiếp người mà sinh vào giống súc thú cầm trùng. Mất đi kiếp kiếp người, các duyên lành nào dễ gì tái diễn? Tuy rơi vào vòng trầm luân như vậy chẳng mấy ai có thể tự mình phát giác: Vì đời trước mê lạc nẻo chính nên đời nay chịu khổ báo luân hồi.

Theo bản văn Bắc Đẩu Kinh, Lão Quân nhắc đến một trong bốn nguồn cơn của khổ là do “vô định”. Với Đạo giáo, Định là con đường buộc phải có để tiến nhập chân đạo, cũng là nẻo tắt nhanh nhất để đạt tới pháp diên sinh.
Định ấy - là Chính vậy. Thân bất chính, làm sao bước vào chính Đạo? Tâm bất chính làm sao ứng hợp Sinh giả đề danh Thanh bộ đặng đắc phúc diên sinh? Tỉ như một kẻ thân tâm ý đều bất chính, trong đầu chỉ hòng mong cầu đến thứ phi lễ, tham lam, nơi thân làm điều bất nhân không nuôi dưỡng lòng từ, há có thể truy cầu Đạo Cả, đủ vinh quang để diện kiến chư tiên chúng thánh? Những thứ bất chính bám víu lấy thân tâm ý, cũng chỉ tựa thể như đeo chì trên mình, mang càng nhiều lại càng nặng, càng lún sâu vào bùn nhơ mà xa rời chân tính. Với một kẻ chọn con đường tu hành, cần có ba quá trình cụ thể: loại bỏ tính xấu, rèn luyện đức tốt và trở về với Đạo. Nếu bản thân không có những sự rèn luyện, sửa đổi thì khó có thể tiệm cận với chân lý tối thượng. Tu là sửa, là đổi mới chính mình, sai ở đâu ắt hẳn phải sửa nơi ấy, chớ vì sai sót mà buông thả chính mình theo sự sai trái đó. Phàm khi buông thả, ấy cũng là điều bất chính vậy!

Lại nữa, Định cũng là Tĩnh, là Chỉ (dừng lại). Nước nếu định thì tự nhiên không chảy, Đất nếu định thì không sinh bùn lầy. Tâm định thì không còn sinh tư lự yêu ghét. Thân định thì vạn sự đều dừng. Tính định thì khí linh, Thần định thì khí thanh. Nếu tu hành Vô Định thì hành nghĩa cử từ bi không đến được Đạo công, tu tiên chẳng thể đắc Chân Thường. Tâm không thể định thời dẫn đến phiền não, gây trở ngại cho việc tu tập. Mỗi cá nhân cần phải xác định rằng “Đạo chính là điểm dừng của tôi”, phải luôn nhắc nhở mình rằng thân tâm ý, ngay cả sinh mệnh này đều hướng về Đạo. Tôi sẵn sàng dùng cả lòng tin tuyệt đối, gắn đời mình vào chân lý tối thượng ấy. Điểm dừng, đích đến của cuộc đời không phải nằm ở nơi nhân gian mộng ảo, không phải chốn gác tía son lầu, cũng chẳng phải vinh hoa tư lợi, mà điểm dừng của tôi tuyệt nhiên phải là Đạo – là sự “phục mệnh” mà Đạo Đức Kinh hằng nhắc đến.  
Ngọc xu kinh dạy: 能知止则泰定安 - Nếu biết điểm trú chân/ chỗ dừng thì tự nhiên Thái Định An. Sách Đại Học dạy: 知止而后有定 - Biết chốn dừng thì sẽ dần sinh định tâm. Quả thế, định tâm còn là biết mình, biết giới hạn, hoàn cảnh của mình. Để từ đó luôn biết biện phân và chọn lấy một lựa chọn tốt nhất. Người ta hay gặp phải trạng thái chần chừ trong việc truy cầu Chân Đạo. Theo một kiểu cách như rằng “Đợi tôi có cái này…”, “Đợi tôi có cái kia…” rồi tôi sẽ học hạnh, tu hành. Cầu Chân Đạo, không nhất thiết anh phải có đền đài cung quán, không nhất thiết anh phải có phú quý vinh hoa. Cầu Chân là từ tâm mà khởi, tùy vào phương tiện, hoàn cảnh sở tại mà có cách học tập, tu hành phù hợp, không thể cưỡng cầu. Không cưỡng cầu, không cố chấp như một lẽ tự nhiên vốn có. Kẻ làm tôi, chốn dừng của y là trung nghĩa; Phận làm con, chốn dừng của y là hiếu đạo; Phận làm đệ tử môn hộ, chốn dừng chân là cúc cung phụng hành giáo pháp, trọng kính độ sư tiền bối. Vậy là lá thì xanh, cá thì lội, chim thì bay vậy. Ve sầu thì sống trọn phận ve sầu, có thoát xác cũng là một con ve tốt là cùng, há phải mong muốn làm chim phượng chim bằng làm chi cho viễn vông huyền ảo! 

Bậc trí tu đạo đắc được công phu Tĩnh định, tâm lặng mà rộng ra, trí tĩnh mà lớn thêm. Nhỏ thì diên thọ ích toán, lớn thì được phúc triều Ngọc Đế, yết Tam Thanh vậy.
Trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử có nói: “Điều mong ước lớn nhất của người đời, là được sống lâu. Cho nên mới cho cái sống bảy tám trăm năm của Bành Tổ là thọ, mà ao ước, thèm thuồng! Là tại sao? Là tại cái số kiếp của con người, chỉ trăm năm là hạn, nên mới đèo bòng ham muốn sống được như Bành Tổ và cho đó là thọ. Giả sử mà ai ai cũng đều sống được như Bành Tổ, thì cái khoảng bảy trăm năm lại sẽ không còn đủ cho là thọ nữa.
Như ta đã thấy, lòng ham muốn con người sở dĩ có, là khi nào không biết an theo số phận của mình mà đem tâm đeo đuổi theo cái số phận của những vật ngoài mình và khác mình. Thật vậy, vì không ai sống đến được cái tuổi của Bành Tổ, nên mới cho cái sống ấy là thọ mà thèm muốn.

Bành Tổ, trái lại, nếu cũng bắt chước như ta mà không biết an với tánh phận của mình là sống bảy trăm năm, lại đèo bòng muốn sống được cái sống của cây minh linh thì tất cũng sẽ cho cái hạn bảy trăm năm của mình không đủ cho là thọ, mà sống được như cây minh linh mới là thọ. Cây minh linh, nếu lại bắt chước Bành Tổ, không tự xem mình là thọ, lại đèo bòng tham muốn sống theo cái sống của cây đại xuân. Cây đại xuân lại muốn sống được như cái sống của Trời Đất... thì ra vật nào cũng không thọ cả, mà vật nào cũng đều yểu cả!”
Như thế, nếu đèo bồng mang dây buộc mình, ắt hẳn sẽ không còn Định nữa. Mỗi cá nhân có một hoàn cảnh sống, một tâm thế, trí tuệ khác nhau, thế nên phải tùy theo điều kiện sở tại mà có cách thức tu tập, truy cầu chân lý tương ứng, không nên vượt quá giới hạn của mình. Để rồi khi mà con người ta vượt quá những giới hạn của mình, mong mỏi, cưỡng cầu thứ xa tầm với và nhận phải “trái đắng”. Lúc đó, người ta sẽ dễ dàng rơi vào tận cùng của tuyệt vọng và khổ đau vì không thể thỏa lòng ao ước.
Không có định công, tội nghiệt phiền não cứ vậy mà ngày một bó buộc, khiến thân thể như vác thêm tấm chì ngày một trầm trệ mỏi sức. Họ không được hạnh duyên trở lại kiếp người vì tội lỗi mình. Sau khi chịu tội trong Địa ngục phải trải qua các kiếp súc sinh đọa đày. Kiếp người mấy lần làm người? Kiếp sau làm người liệu có còn có hạnh ngộ Đại Đạo như kiếp này chăng? Đó gọi là “Chuyển quai nhân đạo, nan phục nhân thân” vậy ru!

 

KHÁNH ĐẢN CỦA ĐẠO ĐỨC THIÊN TÔN THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN

Ngày Rằm tháng Hai Nông lịch, Đạo giáo quan niệm là ngày Thánh đản của Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn – một trong Tam Thanh Đạo Tổ. Đạo Đức Thiên Tôn còn được biết đến với danh hiệu Thái Thượng Lão Quân, Hỗn Nguyên Hoàng Đế, Ngài chính là Thần Bảo Quân hay Đại La Sư Bảo trong Tam Bảo của Đạo giáo (bao gồm Đạo bảo – Kinh bảo – Sư bảo). 

Khánh đản Đạo Đức Thiên Tôn ngày 15.02, 01.07, 16.12 Âm Lịch


Trong Toàn Chân Quy Y Khoa Nghi, các Tổ sư có đề rằng: "Đạo Kinh Sư tam bảo, chúng thường tụng dã". Quả thế, kẻ học Đạo hằng ngày niệm tụng Đại La Tam Bảo Thiên Tôn, tán bái Tam Quy Y Kệ như một bổn phận cũng như một niềm vinh dự trong cuộc đời tu học của mình. Lời ngợi ca, vinh chúc đó chẳng đơn thuần là lời nói dừng tại nơi môi miệng họ mà nó còn phải xuất phát từ tâm, thân, ý, lúc nào cũng hằng noi theo, quy hướng, nương tựa vào nơi Tam Bảo vậy. Lại nữa, nếu chỉ đốt hương kính lễ, bái lạy tượng thần mà lòng chẳng biết suy niệm về cái diệu dụng của Tam Bảo thì chẳng phải hoài công vô ích hay sao? 

Thuở xưa, Thiên Bảo Tôn thuyết đại pháp độ chúng sinh, Ngài là Đấng gây dựng vũ hoàn và sinh xuất nên muôn phẩm vật, trong đó có ta – con người. Linh Bảo Tôn là Đấng truyền thụ kinh điển, giúp ta biết đường học Đạo, biết Pháp để hành trì. Đạo bảo, ta vốn hằng hướng tới, Kinh bảo là cầu nối giúp ta qua khỏi bờ u ám mà tới cõi Trường Sinh. Thật quý báu và thật diễm phúc cho kẻ nào thụ lãnh được Chân Kinh, Diệu Pháp mà tu hành. Tuy vậy, nhưng kẻ tu học cũng nên tự hỏi: Nhờ đâu tôi biết có Đạo? Nhờ đâu tôi biết kinh này là Chân Kinh hay ngụy tạo? Giả như kinh có đặng Chân Kinh thì nhờ đâu tôi có thể lĩnh ngộ được những điểm huyền diệu vốn ẩn chứa ở trong? Quả thật, không có người thầy hướng dẫn, làm sao có thể biết đến Chân Kinh? Không có thầy dạy dỗ, uốn nắn thì làm gì biết đến Đạo? Có thể khẳng định, không có Sư bảo thì dù có muôn phẩm tiên kinh cũng chẳng thể thấu ngộ được Tiên tông! Muốn học đạo đầu tiên phải có Thầy. Mà trong tất cả những gì được gọi là Thầy,  thì Chí Chân Sư Bảo Đạo Đức Thiên Tôn Thái Thượng Lão Quân chính là bậc Thầy Cả vậy!

Nhân dịp này, kính mong quý đạo hữu dành thời gian, xưng niệm Thái Thanh Bảo Cáo. Trước là cảm tạ Đạo Tổ đã hằng dõi theo chúng đệ tử, chỉ dẫn đường đi nước bước cho kẻ tu hành. Sau là kỳ nguyện cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận; Nguyện cho kẻ tu học được Đạo tâm viên mãn, thánh trí viên thông, tiến Đạo vô ma. 
 

Thái Thanh Bảo Cáo
Chí tâm quy mệnh lễ
(1) Tùy phương thiết giáo , lịch kiếp độ nhân. 
(2) Vi hoàng giả sư , đế giả sư , vương giả sư , 
 Giả danh dị hiệu ; 
(3) Lập thiên chi đạo, địa chi đạo, nhân chi đạo ,
Ẩn thánh hiển phàm. 
(4) Tổng thiên nhị bách chi quan quân, 
(5) Bao vạn ức trọng chi phạm khí . 
(6) Hóa hành kim cổ, trứ đạo đức phàm ngũ thiên ngôn ; 
(7)Chủ ác âm dương , mệnh lôi đình dụng cửu ngũ sổ . 
Đại bi đại nguyện ,đại thánh đại từ 
Thái thượng lão quân đạo đức thiên tôn.

Chú thích:
Thái Thanh Bảo Cáo là một bảo cáo thông dụng và ý nghĩa cũng vô cùng gần gũi đối với người tu học. Đại ý được hiểu như sau:
(1) Tùy phương thiết giáo , lịch kiếp độ nhân.
Thông thường, mở đầu một bảo cáo sẽ là nơi ngự trị của vị tôn thần được đề cập. Tuy nhiên, bảo cáo của Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn lại đi thẳng vào “việc làm” của Ngài. Ở câu này, có thể hiểu Ngài là đấng tùy vào từng địa phương mà thiết lập giáo pháp sao cho phù hợp với văn hóa, địa lý, với các yếu tố chủ quan và khách quan tại nơi ấy. Việc thiết lập giáo pháp cốt yếu luôn hướng về mục đích “độ nhân” dù có trải qua muôn muôn vạn kiếp. Đồng thời, nếu nhìn nhận theo một góc độ khác, câu này còn có thể hiểu là Đại Đạo dù có ở trong bất cứ thời kỳ nào, quá trình nào đi chăng nữa, thì luôn có những bậc gọi là “Sư bảo” đảm đương trách nhiệm truyền đạt giáo lý của Đạo vậy. 
 

(2) Vi hoàng giả sư , đế giả sư , vương giả sư , 
Giả danh dị hiệu;
Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn là thầy của các vị hoàng đế nguyên thủy; là thầy của ngũ đế; và cũng chính là thầy của các vị vua chúa sau này. Điều này biểu thị rằng ở mỗi thời gian, không gian khác nhau, Đại Đạo sẽ diễn hóa theo nhiều kiểu khác nhau. Trải qua ngần ấy thời gian, Đại Đạo hiển lộ dần dần với con người một cách sáng tỏ hơn. Từ thuở Tam Hoàng, nguyên thủy cổ xưa, chúng sinh phải nương nhờ vào một vị minh sư mới có thể khai mở ánh sáng, cứu chúng sinh khỏi biển tăm tối nguyên thủy. Một ý tứ vô cùng tuyệt hảo khi muốn nhắc đến việc Đại Đạo luôn ở cạnh, khai hóa cho chúng sinh và khiến con người trở thành giống loài tuyệt diệu trong tam giới. Quả vậy, con người chẳng phải là giống loài bình thường, mà quả thực là loài tối linh trong muôn giống loài tạo vật. Lữ Tổ Tâm Kinh chép: “Thiên sinh vạn vật; Duy nhân tối linh”, Đạo Đức Kinh cũng nói người là một trong “tứ đại” (Đạo, Thiên, Địa, Nhân) vậy. 
Từ thời Tam Hoàng - Ngũ Đế tới muôn đời Vương bá sau này, có bao nhiêu vị chân nhân, đạo sư lớn không ngừng truyền dạy cho dân biết về Đại Đạo. Điển hình ta thấy Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Tổ Thiên Sư, Chung Ly Tổ, Lữ Tổ ... Qua mỗi thời đại, ta nhận ra Đại Đạo dần dần như tỏ mình ra rõ hơn cho muôn dân chiêm ngưỡng. Nói cách khác, chính nhờ lời từ môi miệng các vị chân sư truyền dạy mà Đạo giáo ngày càng hoàn thiện. Thật thế, Đại La Sư Bảo phân thân hóa khí mà ứng hiện trên môi miệng Thánh nhân, tuy là miệng lưỡi phàm trần, nhưng lại chính là tòa ngự của Sư Bảo. Cho nên, Sư bảo không nhất thiết phải Đạo Đức Thiên Tôn ngự trên Đại La Kim Khuyết, nhưng có thể là tất cả chư tiên, có thể là muôn vị tổ sư qua bao đời truyền diễn đại đạo, có thể là vị Độ Sư truyền dạy kinh pháp cho mình, hay trong bất cứ ai giúp mình hướng tới đại đạo. Hồng ân sư bảo tản mác khắp thập phương giới, thường thùy kim khoa mà sửa dạy ngu hiền. Vậy nên còn gọi là Thập Phương Thường Trụ Sư Bảo vậy.
Thiên tôn ngự nơi kim khuyết cao sang, ấy mà lại chịu hạ mình hóa hiện nơi xác phàm thấp kém mà diễn dương giáo pháp độ chính nó. Thiên tôn danh hiệu không thể xưng lượng, vì to lớn vĩ đại lắm thay nên chẳng thể nào có tên. Ấy mà vì muôn dân nên mới lập nên "giả danh dị hiệu - tên giả, tên dễ", để hễ ai xưng niệm danh này thì liền được phù nguy cứu nạn. Về bản chất, Sư bảo là vô danh, vì ngài là Đạo. Ngài xuống trần, tuyên thuyết cho chúng sinh nên phải mượn danh mượn hiệu để thấu tỏ cho chúng sinh và cho chúng sinh có thể thấu tỏ mình vậy. 
 

(3) Lập thiên chi đạo, địa chi đạo, nhân chi đạo ,
Ẩn thánh hiển phàm. 
“Thiên chi đạo” là đạo âm dương, “địa chi đạo” là đạo cương nhu, “nhân chi đạo” là đạo nhân nghĩa. Vạn vật trong cõi trời đất này đều không thoát khỏi âm dương, “vật cõng âm bồng dương”. Đạo Đức Thiên Tôn lập nên đạo âm dương để khai hóa, sinh dưỡng chúng sinh, điều lý chúng theo quy luật của Đại Đạo. Lập “địa chi đạo” là biết đến lẽ cương - nhu, đó là cái đạo của đất. Còn đạo của Nhân – nghĩa, trong đó:  “Nhân” là đối xử với người khác như mình, đồng cảm, thấu hiểu họ như thấu hiểu chính mình.; “Nghĩa” – nếu một người không thể sống theo lòng nhân thì ít ra cũng phải sống theo “Nghĩa”. Tuy nhiên, người sống theo “Nghĩa” là sự duy trì mối quan hệ dựa trên sự ràng buộc: làm những việc người đời nhìn vào mà mình phải làm vậy. Qua câu này, ta có thể nhận thấy Đại Đạo đã tiên liệu được sự thoái trào: mất Đạo mới có Đức, mất Đức mới có Nhân, mất Nhân mới có Nghĩa... Và công việc của Sư bảo chính là làm thầy dẫn dắt chúng sinh qua muôn thế hệ, giáo hóa lẽ phải đưa chúng sinh trở về với Vô Thượng Đại Đạo.
Đạo Đức Thiên Tôn cũng là Đấng đã ẩn đi những thứ cao quý, Ngài hạ mình để giáo hóa chúng sinh. Ngài ở cùng chúng sinh vì lòng nhân từ to lớn của mình vậy thay. 
 

(4) Tổng thiên nhị bách chi quan quân,
Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn tổng lãnh 1.200 vị tiên thánh. Trong con người có 1.200 thần vị, thực hiện nhiệm vụ cai quản, coi sóc, bảo vệ và tấu trình lên trời cao, phúc thì ghi trong Thanh bộ, tội ghi trong Hắc bộ. Cứ đến kỳ trai giới Tam Nguyên sẽ khảo định lại. Ngoài ra, trong Kim Đại Lục Tứ Lâm Thành Nghi cũng cho rằng trên trời 1.200 vị đảm nhiệm việc phụ giúp dân chúng. Qua đó, có thể thấy, câu này ám chỉ Sư bảo là bậc cai quản các vị thần nâng đỡ, cứu giúp chúng sinh.
 

(5) Bao vạn ức trọng chi phạm khí . 
Nơi ngài ngự trị, “phạm khí” (Đạo khí) tầng tầng lớp lớp, triệu triệu vô số.

(6) Hóa hành kim cổ, trứ đạo đức phàm ngũ thiên ngôn ; 
“Hóa hành kim cổ”, ám chỉ Thiên Tôn là đấng luôn hóa độ chúng sinh từ cổ chí kim. Và Ngài cũng là đấng đã biên soạn Đại Đạo và Đại Đức vào Đạo Đức kinh gồm 5.000 từ. Đạo Đức Kinh quả thực là một pho tàng quý báu đối với kẻ học đạo thuở ban sơ. Từ đó, kẻ sơ học có thể có những cách nhìn nhận, thấu hiểu đúng đắn và phù hợp với góc nhìn của Đạo giáo. 

(7)Chủ ác âm dương , mệnh lôi đình dụng cửu ngũ sổ . 
Chủ ác: nắm giữ âm dương; mệnh: sai khiến, hiển hóa lôi uy. 
———————————————
Chí tâm xưng niệm
Đại La Sư Bảo Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng