Đạo Giáo do ai sáng lập ?

Thứ năm, 29/02/2024, 21:01 GMT+7

Đạo giáo - hiểu là giáo pháp Đại Đạo, phải nói rằng khởi xuất từ thuở miên viễn, tông cội sâu dày. Thuở ấy, trời trăng chưa được thắp sáng, hỗn độn hồng mông, Đại Đạo đã hiện diện. Trải qua Ngũ Thái, lại đến từng giai đoạn, Lão Quân lịch thế độ nhân, hoá thân muôn muôn vạn vạn. Thuở Hiên Viên Hoàng Đế, Ngài hoá thành Quảng Thành Tử, truyền đạo Dưỡng Sinh. Thuở Xuân Thu, Ngài lại hoá thân thành Lão Tử, truyền dạy “Đạo Đức Kinh” cho Doãn Hỉ. Từ đây, những nền tảng căn bản nhất của Đạo giáo được hình thành. Vì vậy, căn cứ theo sự kiện Hoàng Đế bái phỏng Quảng Thành Tử mà vấn đạo, thì Đạo lịch năm nay đã là năm thứ 4.721. Các tư tưởng, học thuyết căn bản góp phần nuôi dưỡng mầm mống Đạo giáo có thể nhắc đến như Âm-Dương, Ngũ Hành, Hoàng-Lão, Lão-Trang, Dịch học… Từ đó, học thuyết, tư tưởng đã cung cấp cơ sở lý thuyết, nền tảng phương pháp luận để hiển xuất tác phẩm kinh điển cổ kính - "Thái Bình Kinh" dưới thời Đông Hán Thuận Đế (126-144). 

Nguồn: Vô Danh Tử

Tam thanh Đạo tổ Đạo giáo

Sự hình thành của Đạo giáo thời Đông Hán không thể tách rời khỏi bối cảnh xã hội. Bấy giờ, giới cầm quyền nhà Đông Hán rất ưa chuộng phương thuật, kinh điển tôn giáo và các lời sấm - tiên tri. Xã hội bấy giờ mâu thuẫn gay gắt: quý tộc thôn tính đất đai, triều đình bị độc chiếm bởi ngoại thích và hoạn quan, khủng hoảng xã hội ngày càng sâu sắc, đời sống sinh dân cơ cực. Từ đó, con người khao khát được cứu rỗi. Hai tổ chức mang tính tôn giáo đầu tiên là: Trương Giác - Thái Bình Đạo và Trương Lăng - Ngũ Đấu Mễ Đạo. Trương Giác tập hợp lực lượng, dấy binh khởi nghĩa, về sau bị dẹp tan. Trong khi đó, Trương Lăng tổ chức hệ thống một cách bài bản, ôn hoà hơn và có chiều hướng phát triển sâu sắc. 

Đạo giáo chính thức trở thành một tôn giáo có hệ thống nhằm vào năm 142 Công Nguyên, đánh dấu sự kiện Lão Quân truyền thụ Chính Nhất Minh Uy Phẩm Lục, Dương Bình Trị Đô Công Ấn cùng Tam Ngũ Trảm Tà Thư Hùng Kiếm cho Trương Đạo Lăng Thiên Sư. Đây cũng là thời điểm Ngũ Đấu Mễ Đạo cải thành Chính Nhất Đạo (nương vào tên Chính Nhất Minh Uy Phẩm Lục - có thể thấy Chính Nhất phái rất trọng Lục). 

Giáo tổ Đạo Giáo - Tổ Sư Trương Thiên Sư


Sau khi Đạo giáo được thành lập vào thời Đông Hán, bản giáo dần phát triển hoàn chỉnh trong các triều đại nhà Ngụy, Tấn, Nam - Bắc Triều. Thời Tào Ngụy, giai cấp thống trị hạn chế sự phát triển của Đạo giáo vì lo sợ tổ chức Đạo giáo được người dân tín nhiệm có thể uy hiếp đến triều đình.  Trong thời Nam Bắc triều, tư tưởng Đạo giáo bắt đầu hình thành một hệ thống lý luận có hệ thống hơn và các quy tắc, lễ nghi, kinh điển đi sâu vào đời sống nhân dân và tạo dựng được vị thế trong mắt giới cầm quyền. Đồng thời, với sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn này cũng tác động, kích thích, thôi thúc Đạo giáo từng bước chỉn chu và hoàn thiện.
Đạo giáo ở triều Tùy - Đường tiếp tục phát triển trên cơ sở tiếp nối thành tựu Nam Bắc triều, đặc biệt là vào thời nhà Đường. Rất nhiều người cho rằng triều Đường chuộng Phật giáo hơn dựa trên tích Huyền Trang Pháp Sư sang Tây Trúc cầu kinh. Song, hoàng tộc nhà Đường công nhận Lão Tử là tông tổ của mình, trong Khi đó Lão Tử được coi là Đạo Tổ. Đạo giáo phát triển nhờ mối quan hệ đặc biệt này. Thời Đường, Đạo giáo phát triển chiều sâu về học thuyết, kinh điển, tông phái, trai tiếu, nghi thức, phương pháp tu tập. 

Vào thời Tống - Nguyên, Nho giáo có sức ảnh hưởng dữ dội. Trong thời nhà Tống, Nho giáo góp phần kích thích sự phát triển của các học thuyết Đạo giáo, Phật giáo. Giai đoạn này, Đạo giáo có sự đột phá về tông phái. Trương Bá Đoan thời Bắc Tống đã có những nghiên cứu, đào sâu và cải thiện đan đạo, về sau gọi “Nam Tông”. Đến đời Nguyên, Vương Trùng Dương phát triển học thuyết về nội đan, về sau gọi “Bắc Tông”. Theo đó, các pháp phái mới lần lượt xuất hiện, mỗi giáo phái thiết lập hệ lý luận cho việc tu hành riêng. Về sau thảy, Chính Nhất Đạo và Toàn Chân Đạo trở thành hai đại tông phái của Đạo giáo.

Đạo giáo thời Minh, Thanh có xu hướng trì trệ, suy tàn, đơn thuần là kế thừa truyền thống thời Tống - Nguyên. Không quá nhiều tông phái mới được sáng lập vào thời này. Có thể kể đến như Trương Tam Phong sáng lập Võ Đang Đạo đời Minh, Lục Tây Tinh sáng lập Nội Đan Đạo Đông Phái và Lý Hàm Hư (đời Thanh) lập Nội Đan Đạo Tây Phái.
Đến đời Thanh, Đạo giáo có dấu hiệu suy thoái. Lúc này, Vương Thường Nguyệt - đệ thất đại luật sư của Toàn Chân Đạo Long Môn Phái Luật Tông đã có cuộc chấn hưng Đạo giáo, có thể nói đó là lần phục hưng mới nhất của Đạo giáo cho đến thời điểm hiện nay. 

Đầu thời Thanh, Vương Thường Nguyệt Tổ sư được đạo chúng tín nhiệm trở thành phương trượng (chỉ nhân thiên giáo chủ, đại thiên tuyên hóa) bởi các đạo sĩ tại Bắc Kinh Bạch Vân Quán đệ nhất tòng lâm. Năm Thuận Trị thứ 13, được nhà vua ủng hộ, phong Tổ làm Quốc sư, cho phép công khai truyền giới tại Bạch Vân Quán. Trong thời gian ở Bắc Kinh, Vương Thường Nguyệt Tổ sư đã ba lần giảng giới luật và độ hơn một nghìn đệ tử. Trong số đó, có Càn Long (thái tử lúc bấy giờ) cũng đến tham gia quy y thụ giới, để tưởng nhớ hoạt động thụ giới này, bèn đặc biệt dâng tặng chuông vàng, khánh ngọc. Bắc Kinh Bạch Vân Quán vẫn bảo tồn cho đến ngày nay. Tháng 3 năm Thuận Trị thứ 13 – Bính Thân (1656), Vương Tổ phụng chỉ thuyết pháp tại Bắc Kinh Bạch Vân Quán. Tổ đã ba lần đăng đàn thuyết giới, độ đệ tử hơn nghìn, ba lần được thụ tứ Tử Y, Khang Hy Hoàng Đế được một lần truyền giới. Điều đó đã làm nên đại chấn, trung hưng Đạo giáo thuở bấy giờ. Khang Hy năm Canh Thân (1680), vào ngày mồng 9 tháng 9, Tổ truyền y bát cho đệ tử Đàm Thủ Thành. Thuở sinh tiền, Tổ soạn ra và truyền lại cho chúng đệ tử “Tâm pháp chính ngôn”, về sau xưng “Long Môn tâm pháp”, còn gọi là “Bích uyển đàn kinh”. Tổ từng nói: “Giới thị Toàn Chân đệ nhất quan” – Giới luật là cửa ải đầu tiên của Toàn Chân, nhấn mạnh kẻ nhập Đạo phải biết quy y Tam Bảo – chân Tam Bảo, sám hối tội tình, đoạn trừ chướng ngại, tịnh tâm thủ ý, thanh tĩnh thân tâm, ắt được Đạo công viên mãn. Tổ cũng cho rằng “Dục thành Tiên đạo, tiên vi Nhân đạo”, “Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hĩ”.

Trong thời kỳ phục hưng Đạo giáo, Vương Thường Nguyệt Tổ sư đã dẫn theo một số đệ tử trong chuyến thành hình truyền giới ở Giang Tô, Nam Kinh, Chiết Giang, Hồ Bắc và những nơi khác vào năm 1669. Sau đó, các đệ tử kế tục Ngài, cũng đi hoằng giáo, truyền giới độ nhân khắp cõi. Theo thống kê, thời nhà Thanh, Long Môn phái truyền giới cho hơn 10.000 người, tín đồ có khắp Hoa Bắc, Hoa Đông, Hoa Trung, cho đến vùng Cam Túc, Vân Nam, lưỡng Quảng đều có đủ. Do đó, sự phục hưng của Đạo giáo vào đời nhà Thanh, phần lớn nhờ công lao cống hiến, khổ tu của của Vương Thường Nguyệt. Thế nên giáo đồ tôn xưng là Toàn Chân Long Môn Phái “Trung Hưng chi tổ”.

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng