Hội Bàn Đào

Chủ nhật, 08/10/2023, 17:33 GMT+7

Tây Vương Mẫu là một vị nữ thần quan trọng trong niềm tin của Đạo giáo cũng như dân gian Trung Hoa. Tương truyền Thánh đản Ngài nhằm ngày 18 tháng Bảy Nông lịch. Song, vào ngày mồng 3 tháng 3, truyền thuyết cho rằng Vương Mẫu thiết yến quần tiên, gọi là Bàn Đào Hội. 

Nguồn: Long Môn

 

Trong Đạo giáo, toàn hiệu của Tây Vương Mẫu là Bạch Ngọc Quy Đài Cửu Linh Thái Chân Kim Mẫu Nguyên Quân. Ngài từ Âm phần trong Đạo khí mà kết thành chí chân. Kim Mẫu cai quản tất cả các nữ thần và cùng với Đông Vương Công tham dự trong việc tuyển chọn tiên ban. Tương truyền, một nữ tu đắc đạo, trước yết kiến Vương Mẫu, sau được Ngài dắt đến yết kiến Đông Vương Công, sau đó mới được vào yết kiến Tam Thanh, Ngọc Hoàng. Kim Mẫu vốn từ Âm nguyên kết thành, Ngài theo đức âm nhu mà dưỡng dục vạn linh. Ngài cũng có một vườn trái quý trồng muôn thứ quả tiên gọi là Lãng uyển, bên trong có đầm ngọc báu danh xưng Diêu trì. 
Theo truyền thuyết dân gian, vườn đào của Tây Vương Mẫu có 3.600 cây. Trước có 1.200 cây, hoa nhỏ quả nhỏ, ba nghìn năm chín một lần, ai ăn vào có thể thành tiên đắc đạo. Trung gian có 1.200 cây, sáu nghìn năm mới chín một lần, ai ăn vào có thể phi thăng, trường sinh bất lão. Phía sau có 1.200 cây, quả có màu tím, chín nghìn năm mới chín một lần, ai ăn vào có thể thọ cùng thiên địa, nhật nguyệt đồng canh. Truyền thuyết này được lưu truyền khá phổ biến, về sau Tây Du Ký vận dụng làm chi tiết trong truyện tăng phần hấp dẫn, lại càng khiến sự tích về bàn đào thêm phần khai khuếch.

Cũng theo dân gian, những người đầu tiên được hưởng tiên quả là Chu Mục Vương, người còn lại là Hán Võ Đế. Chu Mục Vương một lần đến Côn Luân Sơn, được Tây Vương Mẫu dùng tiên quả mà khoản đãi. Về sau, Chu Mục Vương một lần nữa đi qua Côn Luân Sơn, tìm kiếm diêu trì, vườn đào năm xưa, nhưng không thấy nên đành quay về.
Trong “Hán Võ Đế nội truyện” viết lại, tháng tư năm Nguyên Phong thứ sáu, Kim Mẫu ban cho Vũ Đế bốn quả bàn đào, ăn xong, Hán Vũ Đế cảm thấy tinh thần khoan khoái lạ thường, bèn cho người lấy hạt trồng nơi hoa viên. Kim Mẫu nói: Đất Trung Hạ mỏng, bàn đào không thể sinh trưởng. 

Việc xây dựng các câu chuyện truyền thuyết xoay quanh các nhà cầm quyền vốn có từ xa xưa. Một phần, con người gửi gắm những ước mơ về sự sống mãnh liệt, hơn hết là sự sống đầy đủ, ấm no, không tật bệnh. Phần còn lại, những câu chuyện, thần tích xoay quanh quân chủ cũng nhằm phục vụ mục đích chính trị, củng cố triều đại quân vương. Nghiên cứu Thẩm mỹ học chỉ ra rằng: Bất kể một tư duy dân tộc nào cũng bắt đầu từ tư duy thần thoại. Qua thần thoại, những khát vọng được nuôi dưỡng, những truyền thống được kế thừa, góp phần cấu tạo nên cho hậu nhân một thế giới quan đầy linh diệu.

Theo một cách nhìn nhận đầy suy tư và cá biệt, với người học Đạo, việc dự hưởng yến tiệc bàn đào được mô tả là một mong ước cao cả và diễm phúc vô ngần. Ta cần phải hiểu một cách đúng đắn rằng không phải vì những phẩm vật quý giá này sẽ bổ dưỡng cho Đạo căn bản thân, nhưng đó là một sự “khẳng định”. Phàm có kẻ nào còn tội chướng mà được phúc đồng bàn dự tiệc với chư thánh trời cao? Bàn đào hội ấy như một minh chứng cho quá trình tu hành gian khổ, nay được đắc quả vị thành, được chung hưởng ân thiêng Đại Đạo. Vậy mới có câu kệ: "Nhược quy y, đại từ bi. Năng diệt vong linh tam nghiệt tội. Đăng lãng uyển, phó diêu trì. Câu nhập bồng lai tam đảo hội".

Chia sẻ:
Ý kiến khách hàng